Bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh

09:08, 10/08/2017

Bảo vệ môi trường hiện nay đang ngày càng chịu nhiều áp lực từ phát triển nền kinh tế. Vì vậy, tăng trưởng xanh (TTX) là sáng kiến của thế giới, cũng là tất yếu nhằm hạn chế đến mức thấp nhất ô nhiễm môi trường và là định hướng chiến lược phát triển bền vững. 

Bảo vệ môi trường hiện nay đang ngày càng chịu nhiều áp lực từ phát triển nền kinh tế. Vì vậy, tăng trưởng xanh (TTX) là sáng kiến của thế giới, cũng là tất yếu nhằm hạn chế đến mức thấp nhất ô nhiễm môi trường và là định hướng chiến lược phát triển bền vững.  
 
Đà Lạt là một trong 15 đô thị ở Việt Nam được chọn thí điểm xây dựng tăng trưởng xanh. Ảnh: M.Đạo
Đà Lạt là một trong 15 đô thị ở Việt Nam được chọn thí điểm xây dựng tăng trưởng xanh. Ảnh: M.Đạo
Tăng trưởng xanh - cơ sở để phát triển bền vững  
 
TTX là chương trình toàn diện, tạo ra hướng tiếp cận mới trong tăng trưởng kinh tế, hướng tới phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, nuôi dưỡng cuộc sống của con người và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đang tiếp cận xu hướng tiến bộ này. Với Lâm Đồng, là tỉnh có rừng đầu nguồn lớn ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực hạ du sông Đồng Nai; có vùng tiểu khí hậu đặc trưng nên để phát triển thành một trong những trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của cả nước. Mặt khác, Đà Lạt còn là trung tâm du lịch - nghỉ dưỡng lớn mang tầm khu vực. Vì vậy, vấn đề TTX trở thành một trong những định hướng chiến lược quan trọng đối với địa phương Lâm Đồng. Mục đích nhằm thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế nhằm tận dụng lợi thế so sánh, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế thông qua việc nghiên cứu và áp dụng công nghệ tiên tiến, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại để sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần xóa đói giảm nghèo và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững. 
 
TTX là xây dựng nền kinh tế xanh, là quá trình tái cơ cấu lại hoạt động kinh tế và cơ sở hạ tầng để thu được kết quả tốt hơn từ các khoản đầu tư cho tài nguyên, nhân lực và tài chính; đồng thời giảm phát thải khí nhà kính, khai thác và sử dụng ít tài nguyên thiên nhiên hơn, tạo ra ít chất thải hơn và giảm sự mất công bằng trong xã hội. TTX là nhân tố xúc tác trong việc đầu tư và đổi mới; đồng thời là cơ sở cho sự tăng trưởng bền vững và tăng cường tạo ra các cơ hội kinh tế mới.
 
Nhanh chóng tiếp cận với chương trình TTX, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt “Chiến lược quốc gia về TTX thời kỳ 2011- 2020 và tầm nhìn đến năm 2050” cùng “Kế hoạch hành động quốc gia về TTX giai đoạn 2014-2020”. Mục tiêu chung là tiến tới nền kinh tế các-bon thấp, làm giàu vốn tự nhiên trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế bền vững; giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính dần trở thành chỉ tiêu bắt buộc và quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội... Theo đó, xu thế phát triển theo các định hướng là “xanh hóa sản xuất”; “xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững”. 
 
Và chiến lược bảo vệ môi trường 
 
Để góp phần hiện thực hóa TTX, Việt Nam đặt ra những chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2020: tỷ lệ đô thị loại III có hệ thống thu gom và xử lý nước thải đạt quy chuẩn quy định 60%; đô thị loại IV, loại V và các làng nghề đạt 40%; cải thiện môi trường khu vực bị ô nhiễm nặng 100%; tỷ lệ chất thải được thu gom, xử lý hợp tiêu chuẩn theo Quyết định số 2149/QĐ-TTg; diện tích cây xanh đạt tương ứng tiêu chuẩn đô thị, tỷ trọng dịch vụ vận tải công cộng ở đô thị lớn và vừa 35 - 45%; tỷ lệ đô thị lớn và vừa đạt tiêu chí đô thị xanh phấn đấu đạt 50%. 
 
Song hành với đó, bên cạnh Luật Bảo vệ môi trường, năm 2008, Quốc hội đã thông qua Luật Đa dạng sinh học là hành lang pháp lý quan trọng. Cùng đó là hệ thống văn bản pháp luật về lĩnh bảo vệ môi trường khá bao quát, như Nghị quyết 41-NQ/TW và Nghị quyết số 24-NQ/TW; Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ; Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đặc biệt là Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18/3/2013 của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và Chỉ thị số 25/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường, cùng nhiều chương trình, chiến lược, kế hoạch chuyên ngành khác...
 
Theo cách hiểu nền kinh tế hiện đại, khi kinh tế phát triển tốt cũng có nghĩa là đã giải quyết đồng thời cả vấn đề xã hội và môi trường. Nếu có chăng mâu thuẫn thì nó nảy sinh từ việc lựa chọn mô hình phát triển. Vì vậy, giải quyết mâu thuẫn này chỉ bằng việc lựa chọn mô hình TTX. Và để hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường theo hướng TTX, cần nhiều giải pháp mạnh về lĩnh vực môi trường, từ đầu tư, cộng đồng cùng vào cuộc đến áp dụng nghiêm các chế tài...
 
Với Lâm Đồng, 6 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh có tổng diện tích gieo trồng hơn 303.695 ha; dự kiến cả năm hơn 361.004 ha, tăng 1,67% so với năm 2016. Trong đó, có khoảng 45.000 ha nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chiếm 16,9% tổng diện tích gieo trồng. Về trồng rừng, năm 2016, toàn tỉnh trồng được 733,32 ha/1.025,3 ha rừng, đạt 71,5% kế hoạch năm. Chăm sóc rừng trồng các năm đạt 100% kế hoạch giao với 2.034,4 ha.
 
Năm 2017, kế hoạch toàn tỉnh sẽ trồng rừng 2.783 ha; chăm sóc rừng trồng các năm 7.357ha; cùng đó là kế hoạch trồng cây phân tán, cây che bóng với 89.443 cây. Sáu tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh đã thực hiện trồng được 2.520 cây phân tán. Đây là những nội dung quan trọng góp phần hiện thực hóa chương trình TTX ở tỉnh Lâm Đồng.
 
Đối với thành phố Đà Lạt, địa phương có diện tích ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao rất lớn, vừa là có diện tích rừng nội ô đô thị với 431 ha... vấn đề TTX càng được quan tâm đặc biệt. Phó chủ tịch UBND thành phố Tôn Thiện San cho biết, thành phố có những ưu tiên hoạt động TTX cụ thể như: tổ chức các con đường hoa, đường phố không rác, các hoạt động về hoa, tổ chức thi nhà hàng “nhãn hiệu xanh”, khuyến khích các tổ chức sử dụng năng lượng tiết kiệm điện. Cùng đó, hạn chế đến mức thấp nhất xâm hại tài nguyên rừng và lấn chiếm đất lâm nghiệp; tăng cường trồng rừng và trồng cây phân tán. Để giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu, sản xuất nông nghiệp của Đà Lạt theo hướng giảm nhà kính, nhà lưới, tăng dần sản xuất thủy canh, tiết kiệm nước, hạn chế tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tuyên truyền, vận động nông dân cùng thu gom và xử lý chất thải nông nghiệp…
 
Phó Giám đốc quốc gia Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam - ông Bakhodir Burkhanov nhận xét: “Chúng tôi đánh giá rất cao, Đà Lạt là một trong số ít thành phố đi đầu về thúc đẩy TTX ở Việt Nam thông qua kế hoạch hành động. Đà Lạt đang kế thừa những kết quả về TTX của các đô thị trên thế giới như tiết kiệm năng lượng, xanh hóa sản xuất, xanh hóa tiêu dùng, giao thông xanh…”. Vì vậy, thành phố Đà Lạt đang là một trong 15 đô thị ở Việt Nam được các tổ chức quốc tế lựa chọn thí điểm xây dựng kế hoạch TTX. Đây là tin vui cho địa phương để tự hào, cũng là thử thách về trách nhiệm của mỗi công dân Đà Lạt và Lâm Đồng. 
 
MINH ĐẠO