Đẩy mạnh truyền thông phòng chống mua bán người

03:08, 15/08/2017

(LĐ online) - Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, các địa phương trong tỉnh đang triển khai thực hiện Đề án "Truyền thông phòng, chống mua bán người" trên địa bàn.

(LĐ online) - Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, các địa phương trong tỉnh đang triển khai thực hiện Đề án “Truyền thông phòng, chống mua bán người” trên địa bàn. Đề án 1 do Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt về “Truyền thông phòng, chống mua bán người” đến năm 2020 thuộc chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016 - 2020 của Chính phủ. Đề án được thực hiện trên phạm vi cả nước, ưu tiên nguồn lực tập trung tại các tỉnh, thành phố trọng điểm, địa bàn các tỉnh giáp với biên giới với các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia.
 
Đề án đề ra 4 chỉ tiêu cụ thể. Đó là đến năm 2018 đạt 75% và năm 2020 đạt 100% xã, phường, thị trấn nhận và triển khai tài liệu hướng dẫn thực hiện chính sách pháp luật, tài liệu truyền thông thay đổi hành vi về phòng, chống mua bán người. Đến năm 2020 ít nhất có 30% số xã thuộc địa bàn trọng điểm (địa bàn có nhiều vụ việc xảy ra, có nhiều nạn nhân bị mua bán trở về hoặc có nhiều nguy cơ) có mô hình chuyên sâu về phòng ngừa mua bán người và 50% số xã trên toàn quốc có mô hình lồng ghép về phòng, chống mua bán người. Từ năm 2017, thông tin về phòng chống mua bán người được đăng tải trên các cơ quan báo chí cấp trung ương và cấp tỉnh ít nhất 1 tháng 1 lần. Đến năm 2020 đạt 70% người dân tại địa bàn trọng điểm, tập trung vào nhóm tuổi 14 - 60, đặc biệt phụ nữ và trẻ em được tiếp cận các thông tin, có kiến thức pháp luật về phòng, chống mua bán người, kỹ năng xử lý tình huống liên quan đến mua bán người.
 
Đề án này bao gồm 2 tiểu đề án là: “Truyền thông phòng, chống mua bán người trên các phương tiện thông tin đại chúng” và “Truyền thông phòng, chống mua bán người tại cộng đồng”.
 
AN NHIÊN