Lâm Hà chủ động khống chế dịch sốt xuất huyết

08:08, 23/08/2017

Trong khi số ca sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng lên, nhất là trong mùa mưa như thời điểm hiện tại, thì đến giữa tháng 8/2017, số ca SXH trên toàn huyện Lâm Hà đã giảm hơn 100 ca so với cùng kỳ năm ngoái. 

Trong khi số ca sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng lên, nhất là trong mùa mưa như thời điểm hiện tại, thì đến giữa tháng 8/2017, số ca SXH trên toàn huyện Lâm Hà đã giảm hơn 100 ca so với cùng kỳ năm ngoái. Ðiều này xuất phát từ việc ngay đầu năm, huyện Lâm Hà đã thực hiện nhiều hoạt động phòng chống dịch SXH, bước đầu khống chế được dịch bệnh.
 
Việc tuyên truyền cho người dân được đẩy mạnh
Việc tuyên truyền cho người dân được đẩy mạnh

Số ca giảm mạnh
 
Theo số liệu từ Trung tâm Y tế huyện Lâm Hà, tính đến hết ngày 14/8/2017, huyện Lâm Hà ghi nhận 39 ca mắc SXH, phân bố ở 29/193 thôn, khu phố tại 11/16 xã, thị trấn, tập trung chủ yếu ở xã Tân Hà với 9 ca, chiếm 23% số ca mắc trong toàn huyện với 3 ổ dịch nhỏ. Như vậy, so cùng kỳ năm ngoái, số trường hợp mắc SXH đã giảm 101 ca.
 
So với các huyện trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, huyện Lâm Hà đang có số ca mắc SXH nhiều thứ 3, sau huyện Di Linh và TP Bảo Lộc.
 
Ông Đoàn Minh Cương - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lâm Hà cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, huyện Lâm Hà cơ bản khống chế được dịch bệnh. Trên địa bàn huyện vẫn xuất hiện lẻ tẻ một vài trường hợp nghi mắc SXH mỗi tuần, nhưng số ca không tăng nhanh như thời điểm tháng 7 - tháng 8 năm 2016. Các trường hợp nghi mắc SXH vẫn còn nằm trong tầm điều trị của Trung tâm Y tế huyện, chưa có ca nào nặng đến mức phải chuyển lên tuyến trên. Trung tâm cũng chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc và dịch truyền, hóa chất tại các cơ sở điều trị để sẵn sàng cách ly điều trị bệnh nhân SXH”.
 
Tuy nhiên, ông Đoàn Minh Cương cũng khẳng định rằng chưa thể chủ quan, bởi tình hình dịch bệnh thường có những diễn biến phức tạp, khó lường nên toàn bộ các đơn vị liên quan và người dân đều phải luôn trong tư thế chủ động. Các địa phương vẫn rất quyết liệt phòng chống dịch, các trường học tiến hành dọn dẹp tổng vệ sinh trước thềm năm học mới. Trung tâm Y tế huyện tăng cường công tác tuyên truyền và khám sàng lọc.
 
Kết hợp nhiều giải pháp từ đầu năm
 
Xác định SXH là dịch bệnh quay lại theo chu kỳ mỗi năm và rút kinh nghiệm từ những năm trước, ngay từ đầu năm 2017, huyện Lâm Hà đã tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh với việc ban hành các kế hoạch, công văn đến các xã, thị trấn. 
 
Bác sĩ Nguyễn Đức Dẫn - Trưởng phòng Y tế huyện Lâm Hà cho biết, từ đầu năm đến nay, Phòng Y tế phối hợp với UBND huyện ban hành 4 văn bản chủ động phòng chống dịch SXH. Theo đó, việc ra quân diệt bọ gậy, dọn dẹp vệ sinh môi trường được chú trọng thực hiện thường xuyên và quyết liệt. “Điều quan trọng nhất vẫn là tác động đến ý thức và sự chủ động của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường. Bởi việc phun hóa chất và rắc vôi bột cũng chỉ được thực hiện ở một vài điểm công cộng, còn với những nơi sinh hoạt trong gia đình, nhất định người dân phải chủ động đổ bỏ những vật dụng chứa nước thải, nước đọng để muỗi không có nơi sinh sôi là chính” - Bác sĩ chia sẻ.
 
Nhận thức được điều này, hoạt động tuyên truyền cho người dân được chính quyền huyện Lâm Hà tích cực tổ chức thực hiện. Ông Đỗ Quốc Tuyên - Đội trưởng Đội Y tế dự phòng huyện Lâm Hà cho hay, Trung tâm Y tế huyện đã phối hợp với UBND TT Đinh Văn tổ chức ra quân vận động nhân dân tự diệt muỗi/loăng quăng; cấp treo trên 50 lượt băng rôn tại các thôn và tổ dân phố, khu vực đông dân cư; cấp phát 30.000 tờ rơi, tranh tuyên truyền về bệnh SXH. Ngoài ra, các phóng sự, bản tin tuyên truyền cũng được lồng ghép trên hệ thống loa truyền thanh của các xã, thị trấn để tác động trực tiếp đến nhận thức của người dân.
 
Trung tâm Y tế huyện cũng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường các hoạt động truyền thông phòng chống SXH tại các địa phương, triển khai áp dụng các biện pháp kiểm tra, hướng dẫn diệt muỗi, diệt loăng quăng, tại các hộ gia đình thông qua mạng lưới cán bộ y tế xã, cộng tác viên, y tế thôn bản. Đồng thời, tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình bệnh nhân, giám sát vi-rút và véc-tơ truyền bệnh tại các thôn, tổ dân phố có ca bệnh, phun hóa chất diệt muỗi trong diện rộng tại khu vực chợ Tân Hà và các thôn, khu phố có ổ dịch nhỏ tại xã Tân Hà, TT Đinh Văn.
 
“Nhìn chung, về mặt tổng thể, công tác phối hợp của các ngành chức năng, địa phương đã thực hiện tương đối đầy đủ các hoạt động. Tuy nhiên, việc duy trì thói quen vệ sinh môi trường sống, thu gom phế thải diệt loăng quăng của người dân chưa thường xuyên, còn làm theo tính chất phong trào nên chúng tôi phải thường xuyên nhắc nhở” - ông Đỗ Quốc Tuyên chia sẻ. Trong thời gian tới, bên cạnh việc đẩy mạnh huy động các ban, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương ra quân tổng dọn vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng, bọ gậy, UBND huyện Lâm Hà tiếp tục ưu tiên hỗ trợ nguồn kinh phí cho hoạt động giám sát, sửa chữa và mua sắm máy móc, hóa chất phục vụ công tác chủ động khống chế, phòng chống dịch bệnh SXH.
 
VIỆT QUỲNH - HOÀNG YÊN