Những cảm xúc luôn mới cùng báo điện tử

10:08, 18/08/2017

Có thể rời khỏi nhà bất cứ giờ giấc nào, thời tiết nào khi nghe có tin nóng; Cùng nếm trọn cảm giác lo lắng từng giờ, từng phút cho các nạn nhân trong hầm sâu Đạ Dâng và vỡ òa nước mắt khi cứu được họ sau 72 giờ thức canh cập nhật, đưa tin từng chi tiết đến bạn đọc; 

Có thể rời khỏi nhà bất cứ giờ giấc nào, thời tiết nào khi nghe có tin nóng; Cùng nếm trọn cảm giác lo lắng từng giờ, từng phút cho các nạn nhân trong hầm sâu Đạ Dâng và vỡ òa nước mắt khi cứu được họ sau 72 giờ thức canh cập nhật, đưa tin từng chi tiết đến bạn đọc; Tác nghiệp dưới cái lạnh căm căm của Đà Lạt ngày đông và cùng nhau thức đến 5 giờ sáng để dựng phim những ngày diễn ra lễ khai mạc Festival Hoa, Lễ hội Trà… đó là đủ mọi cung bậc cảm xúc khi chúng tôi làm báo điện tử. Và những mạch cảm xúc luôn luôn mới khi làm “online” còn nhiều ý nghĩa hơn khi đi cùng những buổi đầu thành lập trang báo điện tử - Baolamdong.vn.
 
Tác nghiệp tại vụ sập hầm Thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo. Ảnh: V. Báu
Tác nghiệp tại vụ sập hầm Thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo. Ảnh: V. Báu

Tôi vẫn thường tâm niệm  mình may mắn khi những ngày đầu vào làm việc tại Báo Lâm Đồng được phân công về Phòng Báo điện tử. Bởi những ngày ấy cũng là những buổi đầu khi Báo Lâm Đồng thành lập trang tin online song hành cùng báo giấy. Buổi đầu nhiều bỡ ngỡ của tôi cũng dần “lớn lên” cùng sự phát triển và thành công của trang báo điện tử. Đồng nghiệp Ngô Đình Văn Báu - phóng viên phụ trách hình ảnh, cộng sự thường xuyên của tôi trong mọi sự kiện thường nói với tôi rằng: “Làm báo online cũng nhiều vất vả vì chạy tin nóng hay theo đuổi các sự kiện để cập nhật liên tục ngay cho bạn đọc. Thế nhưng làm báo vậy mới “đã”, mới thấm nghề”. 
 
May mắn lớn nhất mà tôi nhận được đó là cảm xúc có mặt ngay tại hiện trường, tìm mọi cách đưa thông tin về tòa soạn nhanh nhất và học được kinh nghiệm tác nghiệp nhanh, trong mọi tình huống khi làm báo điện tử và những cảm xúc luôn luôn mới trong mỗi lần “chạy” tin nóng.
 
Có lẽ cuộc đời làm báo nhiều năm sau nữa tôi vẫn không bao giờ quên 72 giờ tác nghiệp cùng 72 giờ mà lực lượng cứu hộ nỗ lực cứu 12 nạn nhân trong vụ “Sập hầm Thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo” sự việc xảy ra gây chấn động dư luận trong nước và ngoài nước. Quên làm sao được từng giờ, từng phút túc trực bên ngoài hầm cập nhật liên tục thông tin nạn nhân mắc kẹt bên trong và công tác cứu hộ, là mấy anh em báo chí chạy khắp nơi, tìm đủ mọi cách để có “một cột sóng” gửi tin nhanh về tòa soạn, là những cuộc điện thoại liên tục của tòa soạn, của chị Nguyễn Thị Nghĩa (khi đó là trưởng phòng điện tử) gọi từng giờ dặn dò tôi và phóng viên Văn Báu cần tiếp tục khai thác ở những chi tiết nào, tin bài ra sao cùng những lời động viên đầy ấm lòng tiếp sức chúng tôi tác nghiệp. Và nhất là cảm giác những thông tin từ nơi sập hầm đang được bạn đọc hết sức quan tâm, cập nhật từng giờ. Những cảm xúc ấy có lẽ sẽ rất khác, rất riêng khi làm báo “online”. Có lần, nhà báo Mai Văn Bảo (Báo Nhân Dân) nói với tôi rằng: “Cuộc đời làm báo chỉ cần một lần duy nhất như vậy em ạ, một lần như sự kiện Đạ Dâng và cháy hết với nghề ấy, đó là may mắn mà không phải ai cũng có được để đúc rút kinh nghiệm tác nghiệp”. Và tôi không bao giờ quên 72 giờ ấy.
 
Cũng đã mấy mùa lễ hội Festival Hoa và Lễ hội Trà tại TP Bảo Lộc, ekip báo điện tử cũng trưởng thành và có nhiều kỷ niệm, kinh nghiệm qua mỗi mùa+ lễ hội. Là tôi, chị Nguyễn Thị Nghĩa, chú Văn Báu, anh Hoàng Anh… cùng đồng hành đến gần 1h sáng để ghi nhận, tác nghiệp tại các lễ khai mạc rồi lại trở về tòa soạn thức trắng đêm cùng nhau dựng clip để có bản tin ngay vào buổi sáng cho độc giả. Tôi như “lớn lên” cùng những phát triển của báo điện tử, của sự rèn giũa làm báo online và cùng những cảm xúc luôn mới khi làm báo điện tử.
 
Festival Hoa 2015. Ảnh: V.Báu
Festival Hoa 2015. Ảnh: V.Báu

Rồi năm 2015, phòng thu của báo điện tử ra đời trong niềm vui của tòa soạn và hân hoan của phóng viên chúng tôi. Phòng thu ra đời cũng từ ý tưởng phát triển việc đưa tin sang hình thức báo hình theo xu thế phát triển báo mạng của Ban Biên tập, cũng là chắt chiu tự mày mò và vài công đoạn tự làm từ kiến trúc đến cách thu, cách làm việc trong phòng thu của Trưởng phòng Nguyễn Thị Nghĩa, kỹ thuật Hoàng Anh, Nguyễn Thị Nhiên và quay phim Văn Báu. Cả phòng khi ấy nâng niu - chăm chút cho phòng thu như đứa con tinh thần.
 
Với mỗi người làm báo, những lần đi cơ sở đều để lại những cảm xúc, những kỷ niệm khó quên, là những trải nghiệm đáng quý và động lực để mỗi nhà báo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đáp lại sự tin yêu của độc giả. Nhưng riêng với tôi, cảm xúc ấy càng ý nghĩa khi tôi bước vào nghề với trang báo điện tử, những kỹ năng làm báo online. Trang báo mỗi ngày càng phát triển, các kinh nghiệm tôi học hỏi từ lời dặn dò, chỉ vẽ của các phóng viên đi trước ở cơ quan, sự hỗ trợ hết mức từ Ban Biên tập để những phóng viên trẻ như tôi phát triển năng lực, khả năng… là những kiến thức “vô giá” mà tôi có được. 
 
Và, những vốn sống, vốn nghề ấy sẽ vẫn thêm “lớn lên” cùng sự phát triển của Báo Lâm Đồng, của những người chú, người cô, những đồng nghiệp cùng cơ quan mà tôi luôn xem như gia đình thứ hai của mình.    
 
DIỄM THƯƠNG