Vẹn nguyên mùi thơm tờ báo mới

10:08, 18/08/2017

Năm 2017, Báo Lâm Đồng kỷ niệm 40 năm ngày ra số báo đầu tiên, tôi cũng vừa tròn 10 năm gắn bó với "ngôi nhà thứ hai" này. 10 năm tuổi nghề của tôi chưa thấm tháp gì so với tờ báo tròn 40 năm tuổi, nhưng đó cũng là thời gian để tôi được trải nghiệm, trưởng thành và thấy càng thêm yêu nghề cầm bút.

Năm 2017, Báo Lâm Đồng kỷ niệm 40 năm ngày ra số báo đầu tiên, tôi cũng vừa tròn 10 năm gắn bó với “ngôi nhà thứ hai” này. 10 năm tuổi nghề của tôi chưa thấm tháp gì so với tờ báo tròn 40 năm tuổi, nhưng đó cũng là thời gian để tôi được trải nghiệm, trưởng thành và thấy càng thêm yêu nghề cầm bút. 
 
Còn nhớ, ngày đầu tiên đặt chân đến cơ quan Báo Lâm Đồng, khi ấy, tôi vừa tốt nghiệp Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh, cũng là khi Báo Lâm Đồng vừa kỷ niệm 30 năm ngày ra số báo đầu tiên. Được Tổng Biên tập lúc ấy - chú Nguyễn Thanh Đạm đưa cho tờ báo đặc biệt ra dịp kỷ niệm, tôi cầm trên tay ngắm nghía mãi và chờ mong đến ngày tên mình cũng có mặt trong tờ báo. 
 
Ngày đi làm đầu tiên, tôi được chị đồng nghiệp dẫn đi tác nghiệp tại huyện Lạc Dương. Gần hết sự kiện thì trời đổ mưa tầm tã. Chị em tôi mặc áo mưa cứ thế phóng xe tìm một cái quán gần đó để mở máy gõ tin kịp gửi về Tòa soạn. Đi giữa trời mưa to sấm chớp đì đoàng, tôi chợt bật khóc và tự hỏi: “Nghề báo cực vậy sao?”. Đến giờ, nghĩ lại tôi thấy khi ấy mình thật trẻ con! Bởi, cái “cực” ấy thấm tháp gì so với những vất vả, gian khổ trong quá trình tác nghiệp mà những cô chú, anh chị đồng nghiệp đi trước đã trải qua. Ngay cả bản thân tôi, những lần tác nghiệp sau đó mới thấy được đi giữa mưa to sấm chớp chưa thấm tháp gì! Nhớ những chuyến đi công tác cùng Tỉnh Đoàn vào những ngày cuối tuần, tôi mới biết thế nào là ruồi vàng, là vắt rừng, đỉa suối... Rồi những cái tên trước đây chỉ mới được nghe qua câu chuyện kể của bố hồi đi đánh Fulrô như Cổng Trời, Đạ Tông, Đạ Long…, tôi cũng bắt đầu đặt chân đến.
 
Chúng tôi bây giờ, tác nghiệp thuận tiện hơn, không phải lội bộ băng rừng vượt suối, nhưng cũng biết cảm giác xắn quần lội bùn hò nhau đẩy xe qua vũng lầy, khi xe qua được cũng là lúc cả người lẫn máy nhuộm trong màu bùn, nhưng vẫn cười thật tươi vì đến được nơi mình muốn đến. Nhất là khi nhìn những đứa trẻ người đồng bào dân tộc thiểu số, trong cái lạnh tháng 12 vẫn chân trần, áo mỏng với nụ cười hồn nhiên khi được nhận quà. Rồi những cụ già móm mém miệng ngậm tẩu thuốc, đôi tai đeo vòng căng tròn “cảm ơn” liên tục khi được khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí. Những quả bắp, củ sắn còn nóng hổi trong những ngày mưa lạnh hay ly nước mác mác rừng khi trời nắng nóng những lúc tác nghiệp ở thôn, bản… Hay đơn giản chỉ là nụ cười, sự nhiệt tình trong việc cung cấp thông tin, tài liệu từ cơ sở cũng khiến người cầm bút như tôi có thêm động lực, thêm nguồn cảm hứng để viết bài. Nhưng không phải khi nào cũng có được sự thuận lợi như thế. Có những khi, hẹn mãi không gặp được nhân vật, hoặc đến tận nơi nhưng bị từ chối, có cả bị gây khó dễ trong việc lấy thông tin… Rồi một mình chạy xe giữa đường rừng lo “ngó trước nhìn sau”, rơi máy hình, hỏng máy tính… Có những lúc mệt rã rời sau chuyến công tác, nhưng “hơi thở” cuộc sống vây quanh nên lại hào hứng ngồi gõ gõ, viết viết… Tôi không thể nào quên cảm giác lần đầu tiên nhìn thấy tên mình trên mặt báo. Tôi đã reo lên sung sướng khi thấy tên mình cứ như biết “nhảy múa” trước mắt. Đến tận bây giờ, tôi vẫn còn muốn hít hà mùi thơm của tờ báo mới xuất bản mỗi sáng như 10 năm trước khi cầm tờ báo ngày đầu tiên vào nghề. 
 
Nghề báo vốn đã vất vả, đối với nữ lại càng vất vả hơn. Nhưng cũng chính từ sự vất vả đó đã giúp tôi thêm vững vàng, và càng ngày càng thấy yêu nghề hơn, gắn bó hơn với nghề cầm bút. Để thêm nhiều tác phẩm của mình đến với độc giả và được độc giả đón nhận. Để mỗi ngày, giở trang báo ra, vẫn thấy tên mình “nhảy múa” và vẫn cảm nhận được mùi thơm của báo vừa mới “ra lò”. Để thêm yêu và luôn đầy cảm hứng với nghề cầm bút.
 
TUẤN HƯƠNG