Tình yêu nhỏ "nảy mầm" từ tình yêu lớn

09:08, 16/08/2017

28 năm chung sống, có với nhau 5 mặt con và bây giờ đã có cháu nội, cháu ngoại, nhưng người phụ nữ K'Ho ấy vẫn lấp lánh ánh nhìn khi nói về gia đình của mình: "Chồng nhịn vợ, vợ nhịn chồng nên thương nhau từ đầu đến cuối, có khó khăn gì cũng có thể vượt qua".

28 năm chung sống, có với nhau 5 mặt con và bây giờ đã có cháu nội, cháu ngoại, nhưng người phụ nữ K’Ho ấy vẫn lấp lánh ánh nhìn khi nói về gia đình của mình: “Chồng nhịn vợ, vợ nhịn chồng nên thương nhau từ đầu đến cuối, có khó khăn gì cũng có thể vượt qua”.
 
Tình yêu văn nghệ được lan tỏa trong tất cả các thành viên trong gia đình. Ảnh: Hồng Thắm
Tình yêu văn nghệ được lan tỏa trong tất cả các thành viên trong gia đình. Ảnh: Hồng Thắm

Đó là câu chuyện của gia đình chú K’Tư (sinh năm 1967) và cô Ka Nhem (sinh năm 1968) tại Thôn 15, xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm. Nên duyên từ những tháng ngày cùng sinh hoạt chung trong đội văn nghệ của xã, tình yêu văn nghệ được truyền từ thế hệ bố mẹ cho đến các con. Gia đình yêu văn nghệ của cô chú là đại diện duy nhất của xã Lộc Thành đến nay được UBND tỉnh tặng giấy khen gia đình văn hóa tiêu biểu.
 
Nên duyên từ phong trào văn nghệ quần chúng
 
16 tuổi, cô thiếu nữ Ka Nhem nổi tiếng hát hay, múa đẹp nhất thôn bắt đầu tham gia vào đội văn nghệ. Lúc đó, chàng thanh niên K’Tư đã là thành viên chủ chốt của đội cồng chiêng Thôn 15. Những ngày cùng tập hát, tập múa, rồi cùng làm lúa, làm rẫy tập thể để gây quỹ Đoàn vào mỗi ngày thứ Bảy, 2 con người cảm mến nhau từ lúc nào không hay. Từ yêu, rồi thương, rồi nên duyên chồng vợ khi cô Ka Nhem vừa 20 mùa trăng.
 
Cô múa giỏi, chú lại đánh cồng chiêng hay. Bây giờ, cô Ka Nhem vẫn có thể kể tỉ mỉ, phân biệt rành rọt những điệu múa khác nhau, rằng 1 trống 2 chiêng thì múa nhẹ, 6 chiêng thì múa nhanh theo nhịp chiêng,... Còn chú K’Tư hiện đang là người phụ trách đội cồng chiêng của Thôn 15.
 
Tình yêu cứ lớn dần theo năm tháng, cũng giống như niềm đam mê với cồng chiêng, với múa hát cứ lớn dần lên trong ngôi nhà nhỏ của hai người. “Lúc mới cưới, cuộc sống của hai vợ chồng gặp nhiều vất vả, nhưng dù khó khăn thế nào chúng tôi cũng sắp xếp công việc nhà để đi tập, đi thi văn nghệ ở thôn, ở xã. Năm đầu tiên sau cưới, khi mang bầu đứa con đầu tiên, cô vẫn ôm bụng đi tập, bầu 4 tháng vẫn đi hát trong lễ hội, đến đứa út mới 2 tuổi vẫn địu trên lưng để đi thi văn nghệ” - cô Ka Nhem cười thật hiền và nói như vậy, mắt nhìn cậu con trai út năm nay mới 14 tuổi nhưng đã chăm chú nhìn theo bố chỉnh chiêng. 
 
Gia đình của cô chú có 5 người con, 3 gái 2 trai, trong đó có 3 người đã có gia đình riêng. Hiện cô con gái thứ tư đang học đại học năm tư ngành Công nghệ thông tin tại TP Hồ Chí Minh, cậu con trai út đang học lớp 8. Cả nhà cùng yêu thích và nhiệt tình tham gia văn nghệ. Bố mẹ tham gia ở địa phương còn con cái tham gia ở trường học, nhà thờ. Anh trai đầu K’Tín (sinh năm 1991) đi nghĩa vụ quân sự, bây giờ về lập gia đình ở Đạ Huoai, anh làm vườn và hăng hái tham gia văn nghệ . Cô con gái nhì Ka Nhia (sinh năm 1993) nay đã 2 con vẫn tham gia múa trong nhà thờ, thay các soeur tập luyện cho đội múa hát những điệu múa truyền thống trong lễ dâng hoa. 
 
Cứ mỗi lần chuẩn bị có lễ hội hay hội thi, căn nhà nhỏ của cô chú lại rộn ràng những tiếng chiêng, điệu múa. “Nắng thì cô giăng bạt, treo điện ở ngoài hiên nhà, mưa thì vào tập trong nhà. Nhà mình thành nơi tập, mấy đứa nhỏ thấy bố mẹ đánh chiêng rồi múa xoan hoài nên quen thuộc, học theo từ nhỏ. Bây giờ, con gái còn múa giỏi hơn mẹ” - Cô Ka Nhem tự hào bảo.
 
“Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”
 
Điều khiến bất cứ ai cũng phải ganh tị khi cùng ngồi trò chuyện với cô chú, là ánh mắt rạng ngời hạnh phúc và yêu thương mà đôi vợ chồng không còn trẻ dành cho nhau. 
 
“Cô thương chú từ đầu cho đến cuối. Dù gia đình có bao nhiêu khó khăn gian khổ thì cô vẫn chịu được, vì hai cô chú đã thương nhau rồi nên không bao giờ hờn trách nhau. Bao nhiêu gánh nặng trong gia đình để nuôi con khôn lớn, hai cô chú chỉ nhìn nhau, động viên nhau để vượt qua hết, chồng một tay, vợ một tay, không hề nặng lời với nhau một tiếng nào. Dù vợ chồng không tránh khỏi những khi bất đồng, mâu thuẫn nhưng cô chú chọn cách lắng nghe người kia nói hết, đợi “nguội” lại rồi mới nhẹ nhàng giải thích” - người phụ nữ đã qua 50 mùa rẫy tảo tần ruộng vườn chia sẻ về tổ ấm. Còn chú K’Nhem - người đàn ông trụ cột của gia đình nhỏ 7 người trước đây, và bây giờ còn là ông nội, ông ngoại của nhiều đứa cháu - khiến chúng tôi bất ngờ khi có những suy nghĩ không phải ai, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số, cũng có được: “Muốn làm gì, muốn mua gì cũng tôn trọng ý kiến của vợ và các con. Cả nhà thống nhất thì mới làm, mới mua, không thì thôi, bởi vì gia đình được tạo nên từ những thành viên trong gia đình, nên mỗi thành viên đều quan trọng như nhau”. Người cha này cũng không bao giờ đánh con, mà chỉ nhẹ nhàng khuyên răn, bởi ông biết rằng: ““Lời nói đau hơn roi vọt”, con còn nhỏ mà đánh nó, nó tổn thương về thể xác lẫn tâm hồn thì sau này cha mẹ có chịu trách nhiệm hết không?”.
 
Hiện tại là Chi hội phó Chi hội nông dân Thôn 15, chú K’Tư còn là người tích cực chuyển đổi cây cà phê năng suất thấp, khuyên thanh niên trong thôn hạn chế ăn nhậu, khuyên con cháu mạnh dạn phát triển kinh tế, học hỏi người Kinh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
 
Bây giờ, cô Ka Nhem vẫn nhớ, vẫn múa, vẫn rạng rỡ mỗi lần mặc lên mình bộ thổ cẩm dệt bằng tay để múa điệu xoan lúc chồng mình ngân lên tiếng chiêng. “Nếu còn sức khỏe chắc cô còn múa dù tuổi già bao nhiêu đi chăng nữa...” - cô nói nhẹ nhàng như vậy, nhưng vẫn như là một lời khẳng định chắc nịch. Bởi cả cô Ka Nhem và chú K’Tư vẫn đang hàng ngày trăn trở, rằng “Hồi xưa người trẻ còn đi tập nhiều, bây giờ thì thanh niên hời hợt dần, không còn vì đam mê mà theo đuổi như các cô chú hồi xưa. Nhiều người trẻ vì chạy theo cuộc sống hiện đại mà lơ là văn hóa truyền thống”.
 
VIỆT QUỲNH