Báo Lâm Đồng - Nơi chắp cánh cho tôi vào nghề

10:08, 18/08/2017

Là người đam mê đọc báo và viết báo từ lúc còn là học sinh phổ thông, bây giờ trở thành nhà báo chuyên nghiệp công tác tại Báo Thanh niên, nhưng chính Báo Lâm Đồng mới là nơi chắp cánh cho tôi vào nghề.

Là người đam mê đọc báo và viết báo từ lúc còn là học sinh phổ thông, bây giờ trở thành nhà báo chuyên nghiệp công tác tại Báo Thanh niên, nhưng chính Báo Lâm Đồng mới là nơi chắp cánh cho tôi vào nghề.
 
Nhà báo Lâm Viên
Nhà báo Lâm Viên
Những kỷ niệm không thể nào quên
 
Báo Lâm Đồng trải qua chặng đường 40 năm thành lập và phát triển, là niềm vui chung cho những người đã và đang công tác tại Báo Lâm Đồng nói chung và các cộng tác viên của tờ báo nói riêng.
 
Với tôi, bản tin đầu tiên được Báo Lâm Đồng đăng tải vừa tròn 30 năm. Lúc đó tôi đang là Đội viên thanh niên xung kích Chữ Thập đỏ Lâm Đồng, có khá nhiều hoạt động hướng về người nghèo. Do đó, sau những đợt công tác làm từ thiện, huấn luyện chuyên môn tôi lại “viết mấy dòng” gửi đến Báo Lâm Đồng. Khó có thể diễn tả hết niềm vui khi thấy bản tin của mình được Báo đăng tải. Cũng từ đó, tôi siêng năng gửi đến báo những phản ánh “chướng tai gai mắt” đại loại như: Con đường xuống cấp không được sửa chữa; 9 giờ sáng điện đường vẫn đỏ trong khi cả thành phố phải cúp điện luân phiên... Thời đó, chưa có máy vi tính, nên các bản tin đều phải viết tay và gửi theo đường bưu điện tới tòa soạn báo. Lúc đó Tòa soạn báo đóng trên đường 3 Tháng 2, sau chuyển qua 22 Hùng Vương; mãi sau này mới cố định tại số 38 Quang Trung như hiện nay. Dù Tòa soạn Báo Lâm Đồng ở ngay trong thành phố Đà Lạt, nhưng các bản tin của tôi đều gửi qua đường bưu điện vì… không hiểu sao tôi rất “sợ” không dám bước chân vào tòa soạn để gặp các bác, các chú trong Ban Biên tập! 
 
Do không dám đến tòa soạn nên đã xảy ra tình huống “tréo ngoe” giữa tôi và Thư ký tòa soạn - Nhà báo Uông Thái Biểu. Lúc đó là năm 1995, khi tôi đang ngồi ở nhà viết tin cho Báo Lâm Đồng thì điện thoại bàn reo. Tôi nhấc ống nghe, trong điện thoại vang lên giọng nam tiếng Nghệ An rất nhẹ nhàng và lịch sự: “Dạ thưa, đây có phải nhà bác Lâm Viên không ạ!”. Mình mới 30 tuổi lại có người gọi bằng “bác” khiến tôi lúng túng không biết ứng xử thế nào. Tôi trả lời “Đúng, Lâm Viên đây ạ! Xin lỗi ai đầu dây bên kia”. “Dạ! thưa bác, cháu là Uông Thái Biểu, gọi từ Báo Lâm Đồng. Chúng cháu vừa nhận được bài viết của bác, đang biên tập cần trao đổi làm rõ thêm vài chi tiết…”. Tôi quá bất ngờ vì đây là lần đầu có người trong tòa soạn báo gọi điện liên lạc hỏi chuyện bài vở. Người liên lạc lại là Thư ký tòa soạn Uông Thái Biểu - người mà tôi rất ngưỡng mộ vì đã được đọc nhiều tác phẩm báo chí, thơ, văn của “ông” không chỉ trên Báo Lâm Đồng, Tạp chí Lang Biang mà còn trên nhiều tờ báo, tạp chí của Trung ương. Thật khó diễn tả tâm trạng tôi lúc đó, vừa sung sướng, vừa hồi hộp, vừa lúng túng… tôi trả lời “Thưa bác Uông Thái Biểu, có vấn đề gì xin bác cứ trao đổi…”. Sau khi trò chuyện khá lâu tôi và Uông Thái Biểu đều bất ngờ vì cả hai “bác” đều mới 30 tuổi! Cả hai cười ngặt nghẽo trong điện thoại. Uông Thái Biểu mời tôi đến thăm tòa soạn và lãnh nhuận bút, thay vì tòa soạn phải gửi qua đường bưu điện. Một lần trong quán cà phê, Uông Thái Biểu thổ lộ vì sao gọi tôi là “bác”. Thứ nhất vì cách đặt vấn đề và văn phong diễn đạt của tôi; thứ hai nhìn vào chữ viết (xấu), nên nghĩ phải là ông già trên dưới 60 tuổi. Còn tôi cũng nghĩ Uông Thái Biểu phải là người lớn tuổi, già dặn kinh nghiệm, có nhiều trải nghiệm mới lên tới chức Thư ký tòa soạn nên phải xưng là “bác”.
 
Trưởng thành trong nghề
 
Cũng từ đó, tôi thường xuyên lui tới tòa soạn gặp gỡ Ban Biên tập, trò chuyện với các anh chị phóng viên để học hỏi kinh nghiệm. Qua những lần gặp gỡ các anh Uông Thái Biểu, Minh Tự, chị Tuyết Mai... góp ý, hướng dẫn cho tôi khá nhiều vấn đề về chuyên môn. Đồng thời, mời tôi làm cộng tác viên “ruột” cho Báo Lâm Đồng và Nguyệt san Đà Lạt.
 
Năm 1997, nhân kỷ niệm 20 năm thành lập, Báo Lâm Đồng tổ chức cuộc thi viết phóng sự và cuộc thi ảnh - Lâm Đồng trên đường đổi mới. Tôi đã tích cực tham gia. Ngày tổ chức trao giải tôi được mời tham dự và quá bất ngờ, vì được trao giải Ba, cuộc thi viết phóng sự với tác phẩm “Để hoa Đà Lạt tỏa hương”, viết về ông Nguyễn Đình Thứ (Làng hoa Vạn Thành) - nông dân đầu tiên ở Đà Lạt mày mò làm nhà kính để trồng hoa hồng và giải Khuyến khích cuộc thi ảnh Lâm Đồng trên đường đổi mới, với tác phẩm “Trồng hoa công nghệ cao”. Xin nói thêm tác phẩm trên cũng là phóng sự đầu đời của tôi. Cũng từ khi “rinh” được 2 giải báo chí đầu đời ấy, tôi tự tin bước vào nghề, và nhiều năm sau tôi liên tục đạt được nhiều giải báo chí do Hội Nhà báo Lâm Đồng, UBND tỉnh Lâm Đồng, Báo Tuổi trẻ, Báo Sài Gòn Tiếp Thị... tổ chức. Thấy quá trình đóng góp của tôi cho tờ báo tỉnh nhà khá lâu và “có chất lượng” nên cũng năm 1997 hai Nhà báo Uông Thái Biểu và Minh Tự đã giới thiệu tôi vào Hội Nhà báo Việt Nam.
 
Dù không là biên chế chính thức của Báo Lâm Đồng, nhưng tôi được Tòa soạn cấp cho Giấy chứng nhận “Cộng tác viên đặc biệt” của Báo, hàng tháng được lãnh “chế độ” để đổ xăng chạy đây đó viết tin, bài. Bởi vậy, mỗi khi đi cơ sở lấy thông tin, về các huyện viết bài nghe tên “Lâm Viên” thì từ cán bộ đến người dân đều nói “Phóng viên Báo Lâm Đồng”. Mãi cho đến gần đây khi trở lại các huyện công tác, nhiều vị lãnh đạo còn hỏi “Lâm Viên từ Báo Lâm Đồng qua Thanh Niên từ năm nào nhỉ?”.
 
Kể lại những câu chuyện như thế như một cách tri ân Báo Lâm Đồng là nơi đầu tiên “chắp cánh” cho tôi bước vào nghề báo; nơi tôi từng gắn bó và trưởng thành, nơi đã “đào tạo” tôi từ một chàng nông dân chuyên trồng rau trở thành nhà báo chuyên nghiệp để có điều kiện tung cánh bay cao, bay xa…
 
Nhân dịp Báo Lâm Đồng kỷ niệm 40 năm thành lập, tôi xin chia vui và chân thành cảm ơn nơi đã giúp tôi vào nghề. Ước mong,  trải qua năm tháng với những thế hệ kế tiếp, Báo Lâm Đồng sẽ luôn phát huy được truyền thống làm báo của thế hệ cha anh đi trước và có bước phát triển mạnh mẽ hơn cả về nội dung lẫn hình thức, thiết thực với cuộc sống để thu hút ngày càng nhiều bạn đọc.
 
LÂM VIÊN