Có một "Làng đô thị xanh" Ða Lộc

09:09, 14/09/2017

Sau một năm rưỡi với những đóng góp ý kiến xác đáng của các nhà khoa học, nhà quản lý từ các đơn vị, ngành từ trung ương đến  địa phương, Ðề án xây dựng mô hình thí điểm "Làng đô thị xanh" (Green Village) chính thức được Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Ðồng phê duyệt trong tháng 9/2017. "Làng đô thị xanh" được chọn triển khai tại thôn Ða Lộc, xã Xuân Thọ, TP Ðà Lạt và cũng là mô hình đầu tiên ở Việt Nam.

Sau một năm rưỡi với những đóng góp ý kiến xác đáng của các nhà khoa học, nhà quản lý từ các đơn vị, ngành từ trung ương đến  địa phương, Ðề án xây dựng mô hình thí điểm “Làng đô thị xanh” (Green Village) chính thức được Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Ðồng phê duyệt trong tháng 9/2017. “Làng đô thị xanh” (LÐTX) được chọn triển khai tại thôn Ða Lộc, xã Xuân Thọ, TP Ðà Lạt và cũng là mô hình đầu tiên ở Việt Nam.
 
Nơi đây sẽ là “Làng đô thị xanh” trong tương lai ở Đa Thọ, Xuân Thọ. Ảnh: M.Đạo
Nơi đây sẽ là “Làng đô thị xanh” trong tương lai ở Đa Thọ, Xuân Thọ. Ảnh: M.Đạo

Bền vững và tăng trưởng xanh
 
Mục tiêu chung xây dựng mô hình thí điểm LĐTX lần đầu tiên này nhằm tạo ra cơ sở nhân rộng mô hình trên địa bàn thành phố Đà Lạt và các đô thị vệ tinh theo định hướng Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 704/QĐ-TTg ngày 12/5/2014. Đây cũng là xu hướng phát triển tất yếu trên hai trụ cột: bền vững và tăng trưởng xanh. Cùng đó là các mục tiêu khác như: Nghiên cứu, đề xuất mô hình cư trú đạt tiêu chuẩn đô thị, kết hợp sản xuất nông nghiệp xen giữa đô thị và nông thôn, để cải thiện và nâng cao chất lượng sống của người dân, phát triển hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và xây dựng hình ảnh nông thôn mới trong lòng đô thị, kết hợp phát triển loại hình du lịch canh nông, homestay…; Tổ chức sản xuất nông nghiệp gắn với dịch vụ xử lý sau thu hoạch, phân phối và tiêu thụ sản phẩm, từng bước ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học công nghệ, nhằm nâng cao chuỗi giá trị hàng hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương. Đặc điểm chính hình thành mô hình LĐTX là một phân khu đặc trưng của đô thị; có quy mô hợp lý và kết cấu phức hợp của một đô thị; sử dụng tối đa các đặc điểm và tiềm lực của địa phương; sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, nhất là phát triển nông - lâm - công nghiệp, gắn với điều kiện văn hóa bản địa, nhằm nâng cao đời sống người dân, kết hợp khai thác du lịch sinh thái... 
 
Với LĐTX Đa Thọ, trên cơ sở những lợi thế và đặc điểm về địa hình, dân cư, kinh tế, xã hội..., những định hướng đã được hoạch định rõ. Quy mô phạm vi quy hoạch trực tiếp là 180 ha (trong đó quy hoạch chi tiết khu dân cư tập trung có quy mô khoảng 54 ha) và phạm vi nghiên cứu quy hoạch là 40 ha. Về quy hoạch xây dựng và hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được phát triển đồng bộ. Ví dụ, toàn bộ mạng lưới giao thông nội vùng và tuyến đường chính kết nối Quốc lộ 20; trong đó mật độ đất giao thông/đất quy hoạch là 10,5 ha. Nâng cấp công suất và hoàn chỉnh mạng lưới cấp điện hiện có, đảm bảo phục vụ sinh hoạt và sản xuất theo quy mô của Làng; lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng công cộng sử dụng bằng đèn LED, sử dụng năng lượng mặt trời và thân thiện với môi trường. Đồng thời, lắp đặt đồng bộ hệ thống hạ tầng viễn thông với hạ tầng đô thị đồng bộ với các hệ thống cấp nước (trong đó nước sinh hoạt 2.025 m3/ngày đêm; nước dùng cho sản xuất nông nghiệp khoảng 126 ha); hệ thống thoát nước; quy hoạch về vệ sinh, môi trường; công viên, cây xanh; hạ tầng thủy lợi; cơ sở hạ tầng xã hội...
 
Nhân dân - chủ thể thụ hưởng 
 
Kinh tế trong LĐTX Đa Thọ chủ yếu phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, lực lượng sản xuất, trình độ sản xuất, cũng như trình độ áp dụng công nghệ hiện nay của địa phương để tổ chức sắp xếp lại theo hướng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, áp dụng các tiêu chuẩn an toàn, tăng giá trị trên mỗi diện tích canh tác. Theo đó sẽ phát triển du lịch canh nông; du lịch nghỉ dưỡng theo mô hình homestay tại nhà vườn...
 
Tổng kinh phí dự kiến thực hiện Đề án 943,4 tỷ đồng với các nguồn: ngân sách nhà nước, ODA, viện trợ quốc tế, nhà đầu tư, đóng góp của người dân,… Đề án cũng đã cụ thể hóa những nhiệm vụ chủ yếu và lộ trình thực hiện đối với từng đơn vị, trong đó chủ trì chính là Sở Xây dựng Lâm Đồng về thẩm định, phê duyệt quy hoạch; tổ chức thi công xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; tổ chức quản lý, vận hành và bàn giao khu vực đã được đầu tư hạ tầng cho cơ quan quản lý nhà nước... Bên cạnh đó, là nhiệm vụ của các sở liên quan với chức năng của mình như: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nội vụ, Nông nghiệp và Phát triển nông thông, Trung tâm xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch tỉnh... và UBND thành phố Đà Lạt.  
 
Làm việc với các sở, ngành, địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt đã khẳng định: Về chủ thể, đối tượng thụ hưởng của Đề án, trước hết là nhân dân thuộc phạm vi điều chỉnh của Đề án; các sở, ngành có liên quan, UBND thành phố Đà Lạt, các tổ chức chính trị - xã hội thôn Đa Lộc có trách nhiệm tuyên truyền, giải thích để nhân dân hiểu biết được đầy đủ mục tiêu, lợi ích của Đề án trong việc phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, phát huy được tiềm năng, lợi thế của khu vực, đồng thời thu hút đầu tư từ bên ngoài cùng với nhân dân xây dựng Làng đô thị theo mục tiêu đã đề ra,... để tạo sự đồng thuận của nhân dân ngay từ đầu của quá trình triển khai thực hiện Đề án. Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: “LĐTX là mô hình mới, khi thực hiện đề án thí điểm cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng trong các khâu lập, thẩm định và phê duyệt đảm bảo tính khả thi, hiệu quả trong quá trình thực hiện”. 
 
Ngày 12/9, chúng tôi trao đổi trực tiếp với Chủ tịch UBND xã Xuân Thọ, ông Ngô Văn Dũng cho biết: Đến nay, cơ bản nhân dân địa phương đã được tuyên truyền và có nhận thức cũng như ủng hộ cao. Các bộ phận chức năng của xã đã được quán triệt và sẵn sàng phối hợp. “Chúng tôi đang chờ văn bản chỉ đạo của UBND thành phố Đà Lạt để triển khai thực hiện”, ông Dũng nói.  
 
Tại buổi tổng kết ngành Xây dựng năm 2016, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh nhấn mạnh: Đà Lạt có nhiều ưu thế để xây dựng thí điểm mô hình LĐTX, vì vậy Bộ rất mong sớm trở thành hiện thực để làm cơ sở đúc kết kinh nghiệm phát triển mô hình này tại các địa phương khác trên đất nước. Rõ ràng phát triển LĐTX là một trong những hướng đi tối ưu, có tính khả thi cao, để giải quyết các bất cập liên quan trong tiến trình đô thị hóa của thành phố, hướng tới xây dựng thành phố Đà Lạt tăng trưởng xanh bền vững cho tương lai. 
 
MINH ÐẠO