Xơ vữa động mạch - kẻ giết người thầm lặng

08:03, 02/03/2018

Xơ vữa động mạch là bệnh động mạch lớn và vừa được thể hiện bằng 2 loại tổn thương cơ bản đặc trưng là mảng vữa giàu cholesterol và tổ chức xơ, xảy ra ở lớp nội mạc và một phần lớp trung mạc làm hẹp lòng động mạch và cản trở dòng máu đến nuôi dưỡng các tổ chức.

Xơ vữa động mạch (XVÐM) là bệnh động mạch lớn và vừa được thể hiện bằng 2 loại tổn thương cơ bản đặc trưng là mảng vữa giàu cholesterol và tổ chức xơ, xảy ra ở lớp nội mạc và một phần lớp trung mạc làm hẹp lòng động mạch và cản trở dòng máu đến nuôi dưỡng các tổ chức.
 
XVĐM không xảy ra ở các động mạch nhỏ, không xảy ra ở các động mạch có áp lực thấp như động mạch phổi nhưng nếu áp lực của động mạch này tăng như trong một số bệnh tim bẩm sinh cũng xảy ra XVĐM. Bệnh cũng không xảy ra ở các tĩnh mạch nhưng trong trường hợp tĩnh mạch được chuyển thành động mạch như trong cầu nối chủ - vành mạch máu đó cũng dễ bị XVĐM. Bệnh rất phổ biến ở người lớn tuổi ở các nước có đời sống vật chất cao, có nhịp độ làm việc và sinh hoạt căng thẳng, được coi là “bệnh của nền văn minh”. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh này cùng với bệnh tăng huyết áp đã được xác định là những nguyên nhân gây tử vong quan trọng bậc nhất ở các nước công nghiệp hóa và đang thấy tăng lên ngày càng nhiều ở các nước đang phát triển. 
 
Cấu trúc của thành động mạch bình thường có 3 lớp đồng tâm: Lớp nội mạc mỏng phủ bên trong, tiếp xúc với dòng máu, có nhiệm vụ bảo vệ mạch máu không cho máu vào trong thành mạch, ngăn cản các tiểu cầu kết dính và tham gia điều hòa các quá trình co và giãn mạch. Dưới lớp này là một mạng lưới các sợi thun, sợi collagen và các tế bào liên kết khác như nguyên bào sợi… Lớp trung mạc rất dày và chắc gồm các sợi cơ trơn, các sợi chun và các sợi collagen làm cho thành động mạch có trương lực, chịu đựng được những thay đổi về áp lực của máu khi tim co bóp và tham gia làm co hoặc giãn mạch. Lớp ngoại mạc là một bao xơ, cấu trúc bởi tổ chức liên kết làm cho động mạch dai, bền, khó bị đập vỡ. Trong lớp này có các mạch nuôi mạch (vasa vasorum) và dây thần kinh của động mạch.
 
Tổn thương cơ bản của bệnh xơ vữa động mạch: Vạch lipid xuất hiện rất sớm, có khi từ tuổi thanh niên, màu vàng nhạt có bờ rõ, hơi gồ lên làm nổi lên trên bề mặt nội mạc động mạch. Mảng xơ vữa là hình thái phát triển của tổn thương xơ vữa thường xuất hiện từ 20-30 tuổi ở động mạch chủ, động mạch vành, ở tuổi 30-40 ở động mạch não, động mạch chậu. Mảng xơ vữa tiến triển rất chậm kéo dài hàng chục năm. Mảng xơ vữa có thể bị loét hoại tử chảy máu gây phồng tách động mạch (thường ở động mạch chủ) khi nứt loét dễ có huyết khối bám vào làm hẹp hoặc lấp mạch, huyết khối có thể bong ra trở thành vật tắc mạch, mảng xơ vữa có thể bị nhiễm calci và trở nên cứng. Các tổn thương XVĐM đầu tiên bao giờ cũng xảy ra ở động mạch chủ phần quai từ thất trái đi lên đoạn ngực hoặc bụng, đặc biệt là ở các chỗ phân nhánh rồi đến các động mạch chi (nhất là chi dưới), động mạch cảnh, động mạch nền sọ, động mạch vành, động mạch mạc treo ruột... 
 
Bệnh thường tiến triển thầm lặng trong một thời gian rất dài không có triệu chứng lâm sàng. Sau đó khi mảng xơ vữa phát triển làm động mạch mất dần sự mềm mại và độ đàn hồi rồi làm hẹp lòng mạch máu đến một mức độ nhất định, nhất là đối với động mạch vành, động mạch não, động mạch chi, động mạch mạc treo ruột thì lúc đó mới thấy có các triệu chứng lâm sàng của thiếu máu cục bộ tại khu vực của động mạch nuôi dưỡng. Với động mạch vành: cơn đau thắt ngực, thiểu năng vành, đột tử; với động mạch não: thiểu năng tuần hoàn não; với động mạch chi dưới: cơn khập khiễng cách hồi. Nếu mảng xơ vữa bị nứt, loét, huyết khối xuất hiện thì động mạch bị tắc hoàn toàn và tai biến sẽ lớn hơn, nguy hiểm hơn, đe dọa tính mạng người bệnh như: Với động mạch vành: nhồi máu cơ tim; với động mạch não: nhồi máu não; với động mạch chi: tắc mạch chi. Qua được cơn hiểm nghèo thì bệnh cũng để lại di chứng phức tạp lâu dài, bệnh XVĐM còn có thể làm tổn thương thành động mạch chủ, làm cho suy yếu từng chỗ và gây phồng tách động mạch.
 
Vì chưa biết nguyên nhân gây bệnh nên cho đến nay vẫn chưa có cách điều trị cơ bản, chưa có thuốc nào làm mất các mảng xơ vữa ở động mạch. Hướng can thiệp cho đến nay nhằm vào: Dự phòng bậc 1 làm hạn chế sự hình thành và phát triển của bệnh thông qua chế độ ăn khoa học, hợp lý và giải quyết các yếu tố nguy cơ. Điều trị những biến chứng cụ thể như suy mạch vành, nhồi máu cơ tim, thiểu năng tuần hoàn não khi xảy ra. Dự phòng bậc 2 để tránh tái phát. Chế độ ăn hợp lý, lượng calo chung không quá 2.500 calo/ngày. Nếu quá béo thì giảm calo để giảm cân; giảm mỡ động vật, tăng dầu thực vật; giảm những thức ăn chứa nhiều cholesterol; xen kẽ đạm động vật với đạm thực vật, tăng rau quả và các thức ăn có nhiều vitamin; hạn chế dùng thực phẩm đóng hộp; giảm muối nếu có bệnh tăng huyết áp kèm theo.
 
Giải quyết các yếu tố nguy cơ có ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển bệnh: Không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia (không uống khi có bệnh tăng huyết áp kèm theo). Tăng cường luyện tập thân thể nơi thoáng khí, chú ý tập dai sức, mức độ tăng dần. Tránh stress tâm thần kinh, có sinh hoạt điều độ kết hợp tốt lao động trí óc thể lực với nghỉ ngơi. Điều trị chứng rối loạn lipid máu: Các nghiên cứu đều khẳng định giải quyết được các rối loạn lipid máu thì giảm được nguy cơ tai biến mạch vành, mạch não và tử vong. Khi có rối loạn lipid máu trước hết cần điều chỉnh chế độ ăn, nếu không có kết quả thì phải dùng thuốc. Điều trị bệnh tăng huyết áp: Ăn giảm muối và dùng thuốc theo hướng dẫn của thầy thuốc, cần nhớ là phải điều trị bệnh liên tục suốt đời, giữ cho huyết áp luôn <140/90 mmHg (tốt nhất <130/80 mmHg). Điều trị bệnh đái tháo đường: Phải kiểm soát tốt glucose máu xuống giới hạn bình thường. Dùng thuốc bảo vệ thành mạch: Vitamin C và vitamin P làm tăng sức bền của thành mạch. Một số chất và vitamin khác cũng được nêu lên như kali iodua, proteolipan, vitamin B6,B12,B15... nhưng tác dụng chưa thấy rõ ràng... Các chất chống oxy hóa như vitamin C, E... cũng được chú ý. Điều trị khi có biến chứng hẹp hoặc tắc động mạch như ở động mạch vành, động mạch não. Ngoài cấp cứu khẩn cấp, việc điều trị còn nhằm phát triển hệ tuần hoàn bàng hệ đến khu vực bị thiếu máu để đưa thêm máu tới. Sau điều trị, bên cạnh việc hồi phục chức năng vẫn phải có kế hoạch điều trị dự phòng tái phát và hạn chế bệnh xơ vữa động mạch phát triển.
 
TS-BS NGUYỄN VĂN LUYỆN
(Giám đốc Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe Lâm Ðồng)