Tinh thần nêu gương của người cao tuổi

08:09, 26/09/2018

Tinh thần nêu gương của người cao tuổi Lâm Đồng trong thời gian qua vẫn luôn được khẳng định với nhiều đóng góp nổi bật trong phong trào thi đua "Người cao tuổi làm kinh tế giỏi", góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày một phát triển.

Tinh thần nêu gương của người cao tuổi Lâm Đồng trong thời gian qua vẫn luôn được khẳng định với nhiều đóng góp nổi bật trong phong trào thi đua “Người cao tuổi làm kinh tế giỏi”, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày một phát triển.
 
Ông Đoàn Văn Quỳnh (Vạn Kiếp, Phường 8, thành phố Đà Lạt) - dù tuổi đã cao nhưng hàng ngày ông vẫn dành thời gian chăm sóc vườn lan, trở thành mô hình kinh tế giỏi của thành phố. Ảnh: N.Thu
Ông Đoàn Văn Quỳnh (Vạn Kiếp, Phường 8, thành phố Đà Lạt) - dù tuổi đã cao nhưng hàng ngày ông vẫn dành thời gian chăm sóc vườn lan, trở thành mô hình kinh tế giỏi của thành phố. Ảnh: N.Thu
Phong trào “Người cao tuổi làm kinh tế giỏi, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng” là một trong 5 nội dung trong phong trào thi đua “Tuổi cao - Gương sáng” của Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam. Tính trong 5 năm trở lại đây (2013-2018), thông qua các buổi sinh hoạt tại chi hội, sinh hoạt tổ chức Hội cơ sở và tổ chức các lớp tập huấn công tác Hội, các cấp Hội trong tỉnh cơ bản đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên và người cao tuổi thực hiện phong trào thi đua “Tuổi cao - Gương sáng”, người cao tuổi làm kinh tế giỏi, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng, gắn với việc tuyên truyền, vận động thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cùng đó là các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam phát động; như Chương trình mục tiêu Quốc gia của Chính phủ về giảm nghèo bền vững; Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” nay là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; Chương trình “Người cao tuổi tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; phong trào “Khuyến học, khuyến tài”; các Chương trình phối hợp giữa Hội với các ngành, như Công an; Văn hóa, Thể thao và Du lịch,… Qua đó, đã thu hút đông đảo cán bộ, hội viên, người cao tuổi tham gia thực hiện 5 nội dung trong phong trào thi đua “Tuổi cao - Gương sáng”; trong đó, có phong trào “Người cao tuổi làm kinh tế giỏi”. Đã có nhiều cán bộ, hội viên và người cao tuổi mạnh dạn học tập, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cơ cấu cây trồng vật nuôi; áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đầu tư thâm canh; tổ chức sản xuất, kinh doanh tổng hợp,... theo hướng công nghệ cao. Tại khắp các địa phương trong tỉnh ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương “Tuổi cao - Gương sáng”, những điển hình tiêu biểu làm kinh tế giỏi đáng được nêu gương. 
 
Theo số liệu thống kê toàn tỉnh, tỷ lệ người cao tuổi chiếm khoảng 8% dân số, trong đó có 2.445 người cao tuổi làm kinh tế giỏi trong các lĩnh vực. Chủ trang trại có khoảng 488 người; chủ doanh nghiệp khoảng 95 người; và rất nhiều người cao tuổi là đại diện các hộ sản xuất, hộ kinh doanh.
 
Phong trào người cao tuổi làm kinh tế giỏi, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng đã được triển khai sâu rộng trong toàn tỉnh. Xuất hiện nhiều mô hình, điển hình trong phong trào thi đua “Tuổi cao - Gương sáng” có nội dung cụ thể thiết thực, sát với tình hình thực tế của từng địa phương và cơ sở.
 
Qua đó, góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương, tăng thu nhập cho bản thân, gia đình và xã hội. Những kết quả tích cực của Người cao tuổi còn góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững của Chính phủ và tăng trưởng kinh tế của địa phương. 
 
Trong Lĩnh vực Nông nghiệp, điển hình Ông Nguyễn Phồn, ở xã Hà Lâm, huyện Đạ Huoai, trang trại với 26,5 ha sầu riêng xen trồng xà cừ, dừa ăn trái phủ xanh đất trống, đồi trọc (theo mô hình nông - lâm kết hợp); doanh thu hàng năm từ 2,2 - 6,7 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 8 lao động tại địa phương. Hay như điển hình ông Nguyễn Văn Liên, ở xã Tân Lâm, huyện Di Linh, sản xuất - kinh doanh theo mô hình sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh thức ăn gia súc, mỗi năm doanh thu hơn 1 tỷ đồng. Ông Trần Ngọc Hòa ở Phường 7, thành phố Đà Lạt, trồng 4 ha hoa cúc, theo mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh thu hàng năm từ 800 triệu - 1 tỷ đồng; ông Trương Năm, ở xã Tân Hội, huyện Đức Trọng, sản xuất theo mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh thu hàng năm 800 triệu đồng; ông Kơ Să Ha Tin, ở xã Đạ Nhim, huyện Lạc Dương trồng cà phê và trồng rau trong nhà kính, hàng năm thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng; bà Đinh Thị Ngoan, ở xã Tiên Hoàng, huyện Cát Tiên, trồng trọt kết hợp với chăn nuôi, với 10 ha diện tích điều kinh doanh, 2 ha lúa, 1 máy xay xát, thu nhập hàng năm từ 320 - 600 triệu đồng; ông Nguyễn Hữu Thu, ở xã Đạ Kho, huyện Đạ Tẻh, trang trại 25 ha cao su kinh doanh, doanh thu hàng năm từ 1,2 đến 2,35 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 25 lao động, thu nhập bình quân 4 - 7 triệu đồng/người/tháng. Hay tại huyện vùng sâu, vùng xa có ông Hoàng Văn Ố, ở xã Phi Liêng, huyện Đam Rông, hộ sản xuất - kinh doanh giỏi với 6 ha cà phê kết hợp với chăn nuôi, kinh doanh tạp hóa, dịch vụ vận chuyển, doanh thu hàng năm từ 700 triệu - 1,5 tỷ đồng...
 
Trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH, có ông Phạm Đức Nguyên, ở phường Lộc Phát, thành phố Bảo Lộc, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Phương Nam, chuyên sản xuất - kinh doanh dịch vụ - chế biến trà; doanh nghiệp có vùng nguyên liệu trồng trà Oloong rộng 15 ha; thu mua nguyên liệu cho 500 hộ nông dân trồng trà của thành phố Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm; nhà máy sản xuất chế biến trà với công suất 1.500 tấn/năm; doanh thu 32 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 80 lao động tại địa phương; thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng; giúp đỡ người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn không nơi nương tựa hàng năm từ 80 - 100 triệu đồng. Nổi lên trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch, có ông Đinh Đức Đáo, ở Phường 2, thành phố Đà Lạt, kinh doanh khách sạn - nhà hàng, với 3 cơ sở lưu trú, 37 phòng, đủ khả năng đón 100 khách du lịch, bảo đảm việc làm cho 9 lao động, thời kỳ cao điểm lên 12 lao động; thu nhập từ 3 - 10 triệu đồng/người/tháng; doanh thu hàng năm từ 1,4 - 2,5 tỷ đồng. 
 
Ngoài ra, người cao tuổi còn đóng góp tích cực cho nhiệm vụ xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương. Toàn tỉnh có 5.505 người cao tuổi tham gia công tác xã hội, là bí thư, phó bí thư chi bộ; tổ trưởng, tổ phó dân phố; trưởng thôn, phó thôn; trưởng, phó ban công tác Mặt trận; tổ trưởng tổ an ninh nhân dân; trưởng ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng; chi hội trưởng các đoàn thể; tổ hòa giải cơ sở; “Khuyến học, khuyến tài”; bình quân trên 90% gia đình người cao tuổi đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”. Có 520 câu lạc bộ (Thơ ca, Dưỡng sinh, Cờ tướng, Bóng bàn, Cầu lông, Bóng chuyền hơi, Bóng cửa, Cồng chiêng, đi bộ...), thu hút 11.561 người cao tuổi tham gia; 22 câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau với 981 thành viên, kinh phí huy động được 314,7 triệu đồng. 
 
Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh Lâm Đồng, ông Đàm Xuân Đêu ghi nhận: Phong trào “Người cao tuổi làm kinh tế giỏi” là một trong 5 nội dung của phong trào thi đua “Tuổi cao - Gương sáng” của Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam, là nội dung hoạt động có ý nghĩa thiết thực, phù hợp với lớp người cao tuổi, gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Những kết quả nổi bật đã góp phần nêu gương cho thế hệ trẻ, dù tuổi cao nhưng còn sức là còn làm, còn cống hiến, mong cho kinh tế - xã hội địa phương ngày một phát triển vững mạnh.
 
NGUYỆT THU