Ðảng viên làm trước

08:09, 25/09/2018

Xã Hương Lâm, huyện Ðạ Tẻh, một thời là xã đặc biệt khó khăn thuộc diện 135. Năm 2017 xã được công nhận xã nông thôn mới, từ đó Hương Lâm chính thức "giã từ danh hiệu" xã nghèo. Trong nhiều câu chuyện mà ban lãnh đạo xã từ bí thư đến chủ tịch và các phó chủ tịch vui mừng trao đổi với chúng tôi, nổi bật và xuyên suốt là nguyên tắc "đảng viên làm trước". 

Xã Hương Lâm, huyện Ðạ Tẻh, một thời là xã đặc biệt khó khăn thuộc diện 135. Năm 2017 xã được công nhận xã nông thôn mới, từ đó Hương Lâm chính thức “giã từ danh hiệu” xã nghèo. Trong nhiều câu chuyện mà ban lãnh đạo xã từ bí thư đến chủ tịch và các phó chủ tịch vui mừng trao đổi với chúng tôi, nổi bật và xuyên suốt là nguyên tắc “đảng viên làm trước”. Chuyện “thuộc lòng như cơm bữa” nhưng vận hành nó trong thực tiễn thì không phải ai, không phải nơi nào cũng làm được...
 
Bí thư Đảng ủy xã Hương Lâm - Lê Phi Hùng và vườn tre tầm vông của gia đình
Bí thư Đảng ủy xã Hương Lâm - Lê Phi Hùng và vườn tre tầm vông của gia đình

Muốn thoát nghèo thì phải chuyển đổi cây trồng
 
Chuyện về những năm tháng “nghèo rớt mồng tơi” của xã Hương Lâm, huyện Đạ Tẻh giờ đã là thời quá vãng. Hương Lâm đã “lột xác” sánh cùng các xã mạnh trong vùng, thậm chí vượt qua một số địa phương từng là “đàn anh, đàn chị”. Chuyện thật mà như đùa, vì khó có thể tin rằng một xã đặc biệt khó khăn thuộc diện 135 như Hương Lâm mà chỉ sau vài ba năm xây dựng nông thôn mới lại có thể “vươn vai Phù Đổng” thành xã giàu...
 
Khi mới bắt tay xây dựng nông thôn mới, Hương Lâm “èo uột” lắm! Người Hương Lâm sống nhờ vào cây điều cứu đói, bám víu vào cây dâu, con tằm; nhờ vào hạt lúa nước trời; nhờ vào củ sắn, củ khoai; vào nghề đan sọt, khai thác lâm sản phụ... Sự “thần kỳ” nào giúp Hương Lâm lột xác, vươn mình? Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã - Lê Phi Hùng; Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã - Hồ Hỷ cùng Phó Chủ tịch xã - Ngô Văn Tố, đã khắc họa rõ nét về câu chuyện “thần kỳ” đó...
 
15 năm trước, người dân Hương Lâm bắt đầu tìm các loại giống mới có khả năng làm cho đời sống của họ tốt hơn. Lúc bấy giờ, cây tre tầm vông đã trở thành danh mục đầu bảng để người dân lựa chọn, bởi tầm vông phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu; vốn đầu tư ít; không tốn công chăm sóc; chịu nắng mưa, gió bão; không sâu bệnh; trồng một lần, thu hoạch nhiều lần, nhiều năm; nếu không được giá thì không bán, coi như tài sản để dành; giá trị kinh tế cao hơn hẳn so với một số loại cây trồng khác. Bình quân mỗi ha tre tầm vông cho thu nhập không dưới 100 triệu đồng/năm... Giai đoạn 2003-2009 là giai đoạn “nền” chuyển đổi diện tích điều sang tre tầm vông. Đến năm 2017, sau những mùa điều thất bát, tre tầm vông phát triển mạnh mẽ, trở thành dòng cây chủ lực cho mô hình chuyển đổi cây trồng.
 
Sự thành công đó đã giúp Đảng ủy xã nhận thức rằng: Muốn thoát nghèo thì phải chuyển đổi cây trồng và việc chuyển đổi này trở thành yêu cầu bắt buộc, được xác định rõ ràng trong các nghị quyết chuyên đề của Đảng ủy xã.
 
Ðảng viên làm trước
 
Để nghị quyết đi vào cuộc sống, Đảng ủy xã Hương Lâm bắt buộc các đảng viên, nhất là các cấp ủy viên phải làm trước. Bí thư Đảng ủy xã lý giải: Người dân bao giờ cũng sợ thất bại. Rủi ro này không lường trước, vì vậy nếu ta cứ hô hào bà con phải trồng cây này, cây nọ trong khi ủy viên của đảng bộ cũng là những người có đất, có vườn lại không chịu chuyển đổi thì làm sao dân tin mà làm theo...
 
Nói là làm, Đảng ủy xã Hương Lâm đã ban hành văn bản giao trách nhiệm cho từng cấp ủy viên, trong đó Bí thư Đảng ủy xã được giao trách nhiệm phụ trách việc chuyển đổi cây tre tầm vông; đồng chí Ngô Văn Tố, Phó Chủ tịch xã được giao trách nhiệm chuyển đổi, mở mang diện tích cây dâu, nghề nuôi tằm; việc chuyển đổi cây ăn trái được giao trách nhiệm cho các cấp ủy viên khác. Ngoài ra, Đảng bộ xã có 11 chi bộ, đảng ủy phân công mỗi cấp ủy viên phụ trách một chi bộ; bí thư, phó bí thư các chi bộ phụ trách các đoàn thể. Thông qua đoàn thể, bí thư và phó bí thư chi bộ nắm bắt thực tiễn, báo cáo cụ thể, rõ ràng trong các cuộc họp giao ban. Đặc biệt, đảng ủy đưa nội dung “thực hiện chuyển đổi cây trồng” thành tiêu chí đánh giá xếp loại “chi bộ trong sạch vững mạnh” hàng năm... Với các tổ chức đoàn thể, Đảng ủy xã đã phân công cụ thể bằng văn bản: Hội Phụ nữ phụ trách về phát triển cây dâu; Hội Cựu Chiến binh phụ trách phát triển tre tầm vông; Hội Nông dân phụ trách phát triển cây ăn trái. Nhiệm vụ của các hội là tổ chức vận động chuyển đổi cây trồng; nắm danh sách từ khâu đăng ký rồi kiểm tra, nghiệm thu và đề xuất cấp vốn hỗ trợ. Sự vào cuộc quyết liệt, đầy trách nhiệm đó của toàn hệ thống chính trị đã lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội, tạo nên động lực quan trọng làm thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng đời sống của người dân Hương Lâm.
 
Phải thẳng thắn bàn với dân
 
Hương Lâm có 2.320 ha đất tự nhiên, trong đó gần 1.000 ha đất rừng hỗn tạp và lồ ô, còn lại là đất nông nghiệp... Chủ tịch xã - Hồ Hỷ phấn khởi: Sau nhiều năm thực hiện chuyển đổi cây trồng, nhất là giai đoạn xây dựng nông thôn mới bắt đầu từ năm 2014 đến nay, xã Hương Lâm đã quyết liệt đổi mới toàn diện và thành quả đạt được thật mỹ mãn. Hiện nay, toàn xã còn trên 50 ha lúa, giảm gần 20 ha so với đầu nhiệm kỳ; nâng tổng diện tích dâu tằm lên con số 30 ha; phát triển 132 ha cây ăn trái các loại, trong đó 35 ha sầu riêng, 17 ha quýt, còn lại 80 ha chủ yếu là bưởi da xanh, một ít diện tích cam và hiện có gần 100 ha cây tầm vông. Diện tích cây điều còn trên 800 ha, đã giảm mạnh và đang trong lộ trình chuyển đổi. Sự giục tốc khá thành công trong chuyển đổi cây trồng ở Hương Lâm là nhờ ngoài nguồn vốn tích lũy trong dân thì sự hỗ trợ của Nhà nước từ nguồn vốn 135, nguồn vốn giảm nghèo bền vững và vốn hỗ trợ nông thôn mới đã góp phần quyết định. 
 
Bí thư Đảng ủy xã nói thẳng: Thứ nhất chúng tôi thẳng thắn bàn với dân. Đảng ủy ban hành nghị quyết về chuyển đổi cây trồng; Ủy ban xã định hướng khu vực chuyển đổi và lập dự thảo kế hoạch, rồi xuống tận dân bàn bạc cụ thể thông qua các cuộc họp thôn, xóm; vừa là để nắm bắt tâm tư, hiến kế vừa là để tiếp nhận những đề nghị của dân, sau đó xã chỉnh sửa dự thảo chuyển đổi cây trồng rồi ban hành chính thức, phân công người phụ trách, bám địa bàn tổ chức vận động nhân dân đăng ký chuyển đổi. Thứ hai chúng tôi “nắm đằng cán” trong các chương trình hỗ trợ, nghĩa là tiền vốn của Nhà nước hỗ trợ cho dân phải có hiệu quả, không có hiệu quả thì chúng tôi là người phải chịu trách nhiệm. Vì vậy, ai đăng ký chuyển đổi thì đều được hưởng lợi. Ví dụ, năm ngoái chúng tôi thực hiện chuyển đổi trên 50 ha, Nhà nước hỗ trợ 7 triệu đồng tiền giống/ha, dân chỉ góp 3 triệu đồng; năm nay Nhà nước hỗ trợ 5 triệu đồng/ha, dân đóng góp 5 triệu đồng. Hay chuyện dân đề nghị làm đường nội đồng rải đá cấp phối, lòng đường từ 5m đến 7m, xã hỗ trợ tối đa nhưng với một điều kiện chỉ áp dụng cho những nơi chuyển đổi cây trồng... Điều kiện như thế, không phải xã làm khó dân mà để cho dân có động lực chuyển đổi cây trồng. Hiện nay, xã Hương Lâm đã cùng với dân xây dựng gồm 5 tuyến đường nội đồng, tổng chiều dài hơn 13 km, đạt tỷ lệ 93,4%, góp phần đưa Hương Lâm trở thành xã đi đầu trong toàn huyện Đạ Tẻh về đầu tư giao thông nông thôn (toàn bộ đường liên xã, liên thôn, đường xóm đã được bê tông hóa và cứng hóa); đồng thời tác động tích cực nhiều lĩnh vực khác trong đời sống xã hội.
 
Ðã giàu thực sự
 
Người dân Hương Lâm đã thực sự đổi đời với mức thu nhập bình quân đầu người đạt 37 triệu đồng, tăng so với đầu nhiệm kỳ 13 triệu đồng. Hương Lâm không những về đích trước thời hạn gần 2 năm mà thu nhập còn tăng 2 triệu đồng so với chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội IX của Đảng bộ xã đề ra đến cuối nhiệm kỳ. Hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều của xã chỉ còn 3,7%, giảm trên 26% so với đầu nhiệm kỳ và đạt dưới mức 5% mà chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã đề ra...
 
Hương Lâm, giờ đã xuất hiện nhiều triệu phú, tỷ phú với mức thu nhập hàng trăm triệu đến vài tỷ đồng/năm. Nhiều nông dân chuyên canh cây ăn trái như sầu riêng, cam, bưởi đã vững chân trong hàng “tỷ phú chân trần” chẳng thua kém gì các “đại gia chân đất” nhiều nơi khác, với mức tích lũy hàng năm từ 1,2 tỷ đồng đến trên 2 tỷ đồng. Những “tỷ phú chân trần” ấy có thể kể đến các danh nông Đỗ Văn Thông, Bùi Trung Hiếu ở thôn Hương Thủy; Nguyễn Đức Thanh, Đinh Hoàng Cường, Đinh Ngọc Quy ở thôn Hương Thanh. Dự tính, nếu năm nay được giá sầu riêng, giá bưởi thì thu nhập của các danh nông này có khả năng không dưới 3 tỷ đồng. 
 
Đánh giá mức độ thành công của việc xây dựng nông thôn mới, đồng chí Lê Phi Hùng, Bí thư Đảng ủy xã nói trong niềm vui: Hiệu quả mà Hương Lâm đạt được ngày hôm nay là trên sự mong đợi. Người dân Hương Lâm tự hào xóa tên trong danh sách xã đặc biệt khó khăn 135 và vững bước tiến lên xã giàu trong huyện. Nói ngắn gọn Hương Lâm bây giờ: Dân mừng, cán bộ xã hạnh phúc! và bài học cốt lõi không bao giờ cũ chính là: Đảng viên mà trước hết là ủy viên cấp ủy phải làm trước.
 
VĂN TÒA