Triển lãm ảnh tư liệu lịch sử "Nhà tù Côn Lôn đầu thế kỷ XX" và các sĩ phu yêu nước tại "Trường học thiên nhiên"

05:04, 20/04/2019

(LĐ online) - Nằm trong chuỗi các hoạt động Ngày sách Việt Nam lần thứ 6, ngày 20/4/2019, Thư viện Lâm Đồng tổ chức Triển lãm ảnh lịch sử "Nhà tù Côn Lôn đầu thế kỷ XX" và các sĩ phu yêu nước tại "Trường học thiên nhiên" do nhà sử học Trần Viết Ngạc sưu tầm...

(LĐ online) - Nằm trong chuỗi các hoạt động Ngày sách Việt Nam lần thứ 6, ngày 20/4/2019, Thư viện Lâm Đồng tổ chức Triển lãm ảnh lịch sử “Nhà tù Côn Lôn đầu thế kỷ XX” và các sĩ phu yêu nước tại “Trường học thiên nhiên” do nhà sử học Trần Viết Ngạc sưu tầm. Tham dự khai mạc có ông Trần Tuấn Thảo – Phó Chủ tịch Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh Lâm Đồng, các cựu tù chính trị từng bị địch bắt giam cầm tại nhà tù Côn Đảo và công chúng bạn đọc của thư viện.
 
Triển lãm thu hút người xem
Triển lãm thu hút người xem
Triển lãm đã giới thiệu 72 hình ảnh là nguồn tư liệu lịch sử quý giá, chân dung của các sĩ phu yêu nước đã không ngại hy sinh gian khổ, đứng lên đấu tranh đòi quyền sống, quyền tự do, độc lập cho đất nước, bị Pháp bắt đày ra Côn Đảo vào những năm đầu thế kỷ XX.  
 
Bên cạnh chân dung các sĩ phu yêu nước bị giam cầm ở “địa ngục trần gian”, triển lãm đã đưa đến cho người xem hình ảnh quang cảnh nhà tù, sinh hoạt, lao động của các tù nhân ở đây: sở rau, chuồng lợn, phân phối nước sạch, bữa cơm tù, xay lúa, đan mây, chuyển hàng lên cầu tàu, xiềng xích, diễn tuồng trong sân nhà tù, bóc vỏ cà phê, nữ tù nhân... 
 
Ngắm những tấm ảnh đã nhuốm màu thời gian, như nhìn lại chính những trang sử của dân tộc mình, thấy rõ lòng yêu nước, tinh thần kiên trung bất khuất của các thế hệ người Việt, dù ở thời đại nào cũng quyết không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ, nhà tù đế quốc cũng không thể khuất phục, khiến người xem rưng rưng.
 
Nhà nghiên cứu sử học Trần Viết Ngạc là giảng viên lịch sử Trường Đại học Sư phạm Huế và Đại học Sư phạm Tp.Hồ Chí Minh với 50 năm đứng trên giảng đường truyền tình yêu lịch sử và đào tạo cho đất nước rất nhiều giáo viên lịch sử. 
 
Ông đi sâu nghiên cứu lịch sử cận đại Việt Nam, trong đó có các sĩ phu yêu nước, những người con ưu tú của một dân tộc nô lệ vùng lên đánh Pháp vào đầu thế kỷ XX – những người mà ông gọi là “thế hệ vàng”, là “tinh hoa của dân tộc” không cam chịu nô lệ đứng lên đấu tranh giành độc lập, tự do. Với lòng ngưỡng mộ thế hệ cha anh đã thôi thúc nhà sử học Trần Viết Ngạc tìm đến quê hương của các sĩ phu, gặp con cháu của họ, tìm hiểu, sưu tầm hình ảnh, tư liệu. 
 
Tại triển lãm, ông giải thích thêm: Côn Lôn là tên gọi nhà tù Côn Đảo vào đầu thế kỷ XX, được các sĩ phu yêu nước chơi chữ gọi là “cái Côn Lôn” trong văn thơ được sáng tác trong thời gian bị giam cầm ở đây.  “Trường học thiên nhiên” là cụm từ mà các sĩ phu yêu nước dùng để gọi nhà tù này bằng tinh thần lạc quan cách mạng. Dù bị tách ra khỏi cộng đồng, giam cầm cách biệt giữa biển khơi, nhưng những sĩ phu yêu nước coi đó chỉ là “trường học” để tôi rèn ý chí cách mạng, lòng yêu nước.
 
Bộ ảnh giới thiệu với công chúng hôm nay, nhà sử học đã được một người Pháp (cháu nội của ông Joseph O’Connell  - Giám đốc nhà tù Côn Lôn những năm đầu thế kỷ XX) tặng trong một chuyến đi thăm Côn Đảo. Trước bộ ảnh quý, thấy không thể giữ cho riêng mình, nhà sử học Trần Viết Ngạc đã đưa đến công chúng, đặc biệt là công chúng của Đà Lạt – Lâm Đồng. 
 
Triển lãm diễn ra từ nay đến hết tháng 5/2019. 
 
Giám đốc Thư viện Hồ Thanh Hà tặng hoa cho nhà sử học Trần Viết Ngạc
Giám đốc Thư viện Hồ Thanh Hà tặng hoa cho nhà sử học Trần Viết Ngạc

 

Triển lãm thu hút người xem
Triển lãm thu hút người xem
QUỲNH UYỂN