Tăng cường phòng, chống đuối nước ở trẻ em

08:06, 19/06/2019

Thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh cho thấy, từ năm 2016 trở lại đây, trung bình mỗi năm, trên toàn tỉnh có trên 20 trẻ bị tử vong do đuối nước...

Thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh cho thấy, từ năm 2016 trở lại đây, trung bình mỗi năm, trên toàn tỉnh có trên 20 trẻ bị tử vong do đuối nước. Trước thực trạng đó, các cấp, các ngành và mỗi gia đình cần có sự quan tâm hơn nữa đến trẻ em, đồng thời, có những biện pháp phòng tránh đuối nước cho trẻ.
 
Cho trẻ học bơi cũng là một trong những cách để phòng, chống đuối nước hữu hiệu nhất. Ảnh: V.Lan
Cho trẻ học bơi cũng là một trong những cách để phòng, chống đuối nước hữu hiệu nhất. Ảnh: V.Lan
 
Vào ngày 21/2/2019, trên địa bàn xã Đa Quyn (huyện Đức Trọng) có 3 trường hợp trẻ là người đồng bào dân tộc thiểu số bị chết, nguyên nhân là do tắm hồ bị đuối nước. Trong đó, có 2 trẻ là anh em trong cùng một gia đình, có hoàn cảnh rất khó khăn. Đây chỉ là một trong nhiều vụ tai nạn thương tích ở trẻ em dẫn đến tử vong trong các năm qua trên địa bàn tỉnh.
 
 Nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em là do các em không biết bơi, thiếu kỹ năng xử lý khi xảy ra tai nạn đuối nước; nhiều trẻ em thiếu không gian vui chơi, lại vào thời điểm nghỉ hè nên các em thường ra sông, suối để vui chơi, tắm mát. Mặt khác, môi trường sống xung quanh trẻ lại không đảm bảo an toàn như tại các ao, hồ quanh nhà không có rào chắn, biển cảnh báo, biển cấm, ở xa khu dân cư, ít người qua lại nên khi trẻ rơi vào tình thế nguy hiểm không nhận được sự trợ giúp kịp thời của người lớn. Ngoài ra, sự thiếu quan tâm của phụ huynh cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến những vụ tai nạn thương tâm đối với trẻ em.
 
Trước thực trạng đuối nước xảy ra trên địa bàn huyện Đức Trọng, tháng 2/2019, UBND huyện Đức Trọng đã có văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn, phòng, ban, các cơ sở đoàn, đội trong huyện cần tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, cộng đồng trong việc phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ…
 
Tại huyện Lạc Dương, theo ông Cil Poh - Phó Chủ tịch UBND huyện, mặc dù thời gian qua trên địa bàn không xảy ra tình trạng đuối nước ở trẻ em nhưng không vì thế mà huyện lơ là công tác phòng chống đuối nước ở trẻ. Hàng năm, huyện đều ban hành kế hoạch về phòng, chống đuối nước ở trẻ và triển khai đến các xã, thị trấn. Và trong dịp hè này, huyện sẽ triển khai công tác phòng, chống đuối nước ở trẻ gắn với các sân chơi khác; đồng thời, phối hợp với TP Đà Lạt đưa các em từ huyện Lạc Dương lên TP Đà Lạt học bơi.
 
Ngày 20/5/2016, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2016-2020. Sau văn bản này, UBND tỉnh cũng đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch về tăng cường phòng, chống đuối nước ở trẻ em trên địa bàn tỉnh. Cùng đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các ngành liên quan như Sở Y tế, Sở Giao thông vận tải, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục - Đào tạo, Tỉnh Đoàn, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân đã ký kết kế hoạch phối hợp liên ngành phòng, chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2018-2020. Mục tiêu đặt ra là đẩy mạnh các hoạt động phối hợp liên ngành phòng, chống đuối nước trẻ em nhằm giảm tới mức thấp nhất tỷ lệ trẻ em bị tử vong do đuối nước gây ra. 
 
Để phòng, chống đuối nước cho trẻ, việc đầu tiên và quan trọng nhất là dạy trẻ biết bơi. Bởi vậy, trong những năm qua, đã có rất nhiều mô hình thí điểm về dạy bơi cho trẻ em được triển khai ở các địa phương và nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân; tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng phòng, chống đuối nước cho các cán bộ chuyên môn. Và đầu tháng 6/2019, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng đã tổ chức lớp tập huấn bơi an toàn, phòng, chống đuối nước trẻ em cho các học viên của 12 huyện, thành phố trên địa bàn là các cán bộ, công chức, viên chức, huấn luyện viên, cộng tác viên, hướng dẫn viên làm công tác thể dục - thể thao và các ngành, đoàn thể liên quan về công tác phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em.
 
 Bên cạnh đó, một số địa phương đã xây dựng bể bơi, thành lập trung tâm dạy bơi nhằm đáp ứng nhu cầu của các gia đình. Thêm vào đó là chủ trương xã hội hóa giáo dục, kêu gọi sự chung tay của gia đình và các đoàn thể xã hội trong việc phổ cập bơi lội đang phát huy vai trò và đem lại những kết quả tích cực. Tại hồ bơi Dona (thị trấn Liên Nghĩa), chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Minh đang ngồi chờ con đang học bơi tại đây. Chị cho biết: “Hè năm ngoái tôi cũng cho con đến đây học bơi nhưng con còn nhỏ quá nên các thầy không nhận. Năm nay, cháu đã 7 tuổi, có thể tiếp thu kiến thức và kỹ năng bơi lội nên ngay từ đầu hè vào các ngày thứ bảy và chủ nhật, tôi đã cho cháu học bơi tại đây”.
 
Cùng với tăng cường chỉ đạo, hỗ trợ việc dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em tại cộng đồng, trường học, thời gian qua các địa phương trong tỉnh cũng tổ chức kiểm tra, rà soát, phát hiện kịp thời những khu vực thường xảy ra tai nạn đuối nước hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để có biện pháp phòng ngừa, bảo đảm an toàn cho trẻ em trong dịp nghỉ hè, mùa mưa bão như: Làm rào chắn, cắm biển cảnh báo tại các ao, hồ, hố nước sâu, sông ngòi, đập tràn, vùng nước nguy hiểm để người dân biết và phòng tránh… 
 
Hy vọng, với sự chung tay vào cuộc của cả cộng đồng xã hội, tình trạng tử vong do đuối nước ở trẻ sẽ giảm và trẻ em sẽ được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh.
 
THY VŨ