Y tế thôn bản vùng dân tộc thiểu số

07:07, 01/07/2019

Mạng lưới y tế thôn bản của tỉnh đến nay đã có 1.506 nhân viên hoạt động tại 1.506 thôn bản, tổ dân phố...

Mạng lưới y tế thôn bản của tỉnh đến nay đã có 1.506 nhân viên hoạt động tại 1.506 thôn bản, tổ dân phố. Trong đó, nhân viên y tế thôn bản thuộc xã hiện đang hoạt động là 1.080 người /1.080 thôn bản, chiếm tỷ lệ 100%. Đội ngũ y tế thôn bản đã đóng góp tích cực cho công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là tại vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS.
 
Cil KDrim - nhân viên y tế thôn bản Cổng Trời đang kiểm tra, phát hiện một trẻ em bị bệnh tay chân miệng
Cil KDrim - nhân viên y tế thôn bản Cổng Trời đang kiểm tra, phát hiện một trẻ em bị bệnh tay chân miệng
 
Tuyên truyền phòng bệnh ở Cổng Trời
 
Cil KDrim (sinh năm 2000), làm nhân viên y tế thôn bản Cổng Trời đã 4 năm, kể từ khi bố cô là ông Dơng Gur Ha Huân làm công việc này nhưng do tuổi già, mắt mờ, sức yếu không chạy xe được nên đến lượt cô tiếp nhận làm thay. Để làm được việc, KDrim cho biết cô đã được Trạm y tế tập huấn các kiến thức về y tế thôn bản, các bệnh HIV, sốt xuất huyết, sốt rét và nhiều bệnh khác, KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng trẻ em... Thôn Cổng Trời thuộc xã Mê Linh (Lâm Hà) có khoảng 170 hộ với 670 người, nhưng trong làng có một số hộ dân trở về buôn cũ thuộc huyện Lạc Dương, làm 24 lều ngủ ở đó, nên với vai trò y tế thôn bản, KDrim phải theo dõi sức khỏe cho họ. Công việc y tế thôn bản là đi tuyên truyền phòng chống dịch bệnh tại cộng đồng, KDrim cho biết: “Lúc đầu mình tuyên truyền, vận động, một số người nghe, một số thắc mắc vì mình làm không bằng bố, nhưng qua mấy năm nay nhờ tuyên truyền, bà con đã hiểu biết. Mình lồng ghép trao đổi với bà con trong các cuộc họp, trong nhà thờ với các nội dung về vệ sinh phòng bệnh, không bỏ rác bừa bãi, mỗi gia đình lấy bao để rác ra trước nhà rồi xử lý, vận động đưa trẻ tiêm chủng..., bà con đã nghe theo”. 
 
Theo KDrim, vấn đề còn khó là trong thôn mặc dù 100% hộ đã sử dụng nước giếng đào, giếng khoan dùng trong sinh hoạt hàng ngày nhưng phần lớn các hộ chưa có nhà vệ sinh, chỉ vài hộ người Kinh làm nhà vệ sinh, còn hộ đồng bào DTTS chưa có và vẫn chăn nuôi thả rông. Tại Cổng Trời, đồng bào dân tộc Cil chiếm đa số, có vài hộ người Kinh và người Hoa. Tình trạng gia đình đông con không còn phổ biến vì thế hệ gia đình trẻ trong thôn đã biết dừng lại ở mức 2 - 3 con, áp dụng KHHGĐ (dùng thuốc uống và tiêm, đặt vòng tránh thai). Tuy nhiên, những năm trước có cấp thuốc miễn phí, bây giờ không cấp nữa, người dân phải mua nên các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện KHHGĐ không thường xuyên. Về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, năm 2016, tại Cổng Trời có 1 cặp là con cậu lấy con cô, đã sinh con, còn các năm gần đây không xảy ra tình trạng này. 
 
KDrim chia sẻ: “Công việc y tế thôn bản có niềm vui và cũng có cả những nỗi vất vả. Thu nhập mình vừa nhận được khoảng 1,4 triệu đồng/2 tháng (3+4). Đường sá trong thôn đã phủ bê tông được một nửa. Mình đang tập trung theo dõi phòng bệnh tay chân miệng, có 4 ca trẻ mắc bệnh để ở nhà tự chăm sóc hoặc lên trạm khám, lấy thuốc. Việc tiêm chủng vắc xin cho trẻ những năm gần đây được nhiều gia đình quan tâm, bà mẹ khi sinh con đều đến sinh ở trạm y tế”.
 
Cô Nga - nhân viên y tế thôn bản Buôn Chuối (đang cầm bút) phát số thứ tự cho bà con DTTS trong đợt khám bệnh từ thiện. Ảnh: A.Nhiên
Cô Nga - nhân viên y tế thôn bản Buôn Chuối (đang cầm bút) phát số thứ tự cho bà con DTTS trong đợt khám bệnh từ thiện. Ảnh: A.Nhiên
 
Cô đỡ ở Buôn Chuối
 
Bà Huỳnh Thị Tố Nga, sinh năm 1963, làm nhân viên y tế thôn bản thôn Buôn Chuối từ năm 2002 đến nay. Hiện Buôn Chuối có 170 hộ với trên 800 khẩu, chủ yếu là người dân tộc Cil. Qua nhiều năm công tác, bà Nga cho biết: Bà con có bệnh là đến cơ sở khám chữa bệnh, ý thức đã được nâng cao, người dân hiện được chăm sóc sức khỏe thường xuyên. Hơn nữa, sống tại thôn đồng bào DTTS nên bà con đều có thẻ BHYT, tôi vận động bà con khi bị bệnh phải đi trạm y tế khám bệnh để tìm ra bệnh và được điều trị chứ không tự ý đi ra quán mua thuốc uống. Nói chung khi nhận thức của bà con tốt thì bà con chấp hành, thực hành chăm sóc sức khỏe càng tốt”. 
 
Bà Nga đã qua lớp học y tá thôn bản, cô đỡ thôn bản. Đầu năm 2019, bà đã đỡ 1 ca trong buôn (vào ngày 28/4) do sản phụ đẻ rơi tại nhà vì chuyển dạ quá nhanh. Bà Nga gọi người ở Phân trạm y tế Hang Hớt lên cùng phụ đỡ nhưng khi người của phân trạm đến nơi thì bà Nga đã xử trí xong rồi. Bà kể: Cụ thể, 6 giờ sáng hôm ấy, chồng cô Ka Tram, sinh năm 1982, đến nhà tôi xin số điện thoại gọi xe y tế. Vừa được 2 phút thì cô em gái Ka Tram chạy tới báo với tôi là em bé sắp ra rồi. Tôi vội từ vườn vào rửa tay, nấu nước sôi khử trùng dụng cụ đồ nghề, khi đến chỗ sản phụ cách nhà tôi ở khoảng 500 mét thăm khám thì đầu em bé đã lấp ló. Tôi chuẩn bị trải khăn, xoay đầu em bé dọc tử cung, nhưng do sản phụ đẻ ngồi, tôi không dám cắt rốn vì sợ ảnh hưởng nhiễm trùng vào em bé nên chờ bánh nhau ra gần hết mới làm. Lúc đó, cô Phượng, nữ hộ sinh đến vệ sinh sạch sẽ, cắt rốn, sau đó tôi bế em bé lên bàn và chăm sóc cho bé. Bé trai chào đời nặng 2,7 kg, cả mẹ và em bé được đưa sang trạm Hang Hớt để chăm sóc sau sinh, đây là con thứ ba của Ka Tram, do trước đây chị dùng thuốc tránh thai, qua thời gian gián đoạn không có thuốc dẫn đến vỡ kế hoạch”. 
 
Đây là ca thứ tư bà Nga đỡ đẻ tại nhà trong quá trình làm nhân viên y tế thôn bản ở Buôn Chuối. Bà cho biết thêm: Trước kia, khi chưa đi học cô đỡ thôn bản thì tôi có gặp 1 ca và lúc ấy mình chỉ biết cùng giúp giải quyết tình huống khẩn cấp nhưng khi học cô đỡ thôn bản về thì mình xử trí được 3 ca tròn trịa như vậy. Đây là những trường hợp sinh quá nhanh không kịp đi trạm y tế hoặc do điều kiện trời mưa gió, đường quá trơn trợt đi lại không được”. 
 
Hiện nay, hầu hết các tuyến đường nông thôn ở thôn Cổng Trời, Hang Hớt đều được bê tông hóa nhưng riêng thôn Buôn Chuối chưa có con đường nào đổ bê tông. Chính vì vậy, vào mùa mưa bà con đi lại rất khó khăn. Bà Nga nhớ lại tình cảnh vào mùa mưa năm 2017, lúc nửa đêm, có cô Ka Lăng chuyển dạ quá nhanh, mẹ cô phải chạy qua nhà nhờ bà tới đỡ. Bà Nga nói: “Đúng ra, với trách nhiệm của y tế thôn bản mình không được đỡ bởi trường hợp sản phụ này quá nhỏ bé, xương chậu hẹp, tuy nhiên do trời mưa, không thể đi ra trạm nên tình thế bắt buộc xử lý. Sáng hôm sau, tôi báo cho cán bộ trên trạm y tế xuống nhà sản phụ xử trí lại sau sinh rồi chuyển mẹ con ra phân trạm Hang Hớt nhưng vì đường trơn quá, cán bộ y tế không thể đưa được cả mẹ và con đến trạm nên cô Phượng nữ hộ sinh ở phân trạm phải đến tận nhà, vượt qua con dốc rất trơn trượt để khám, chăm sóc bà mẹ, trẻ em sau sinh”. 
 
Làm nhân viên y tế thôn bản, sống giữa ba thôn đồng bào DTTS, bà Nga là người Kinh, từng làm Bí thư Chi bộ Buôn Chuối, bản thân bà được tỉnh khen về điển hình Học tập và làm theo Bác, bà chia sẻ: “Kinh qua nhiều vị trí công tác như bí thư, phó thôn, phụ nữ, khuyến nông xã, y tế thôn bản nên mình biết điều gì cần làm để hướng dẫn, thiết thực giúp đỡ cho bà con”. 
 
Bà Nga cho biết, việc làm thành công nhất của bản thân là vận động bà con Buôn Chuối đào giếng để sử dụng nước sạch an toàn cho sức khỏe. Đến nay, trong thôn đã có 60 cái giếng, cứ 3 - 4 nhà cho đào 1 giếng, bà con sử dụng nước sạch, không uống nước suối, ăn chín uống sôi, cho nên sức khỏe được cải thiện, đảm bảo hơn. Riêng về công trình vệ sinh còn chưa thực hiện được bởi toàn bộ 110 hộ DTTS thì chỉ mươi hộ có nhà vệ sinh, đó là điều bà Nga đang trăn trở. 
 
AN NHIÊN