Đón no ấm về

06:09, 06/09/2019

Trở lại Tố Lan, thôn đồng bào Mạ của xã An Nhơn (huyện Đạ Tẻh) lần này không phải mùa trắng lóa hoa cà phê. Nhưng điều vẫn mướt xanh bên sườn đồi và... "kia anh, tre tầm vông của bà con Tố Lan đấy", anh Hà Văn Hải, dân tộc Nùng, công an viên và thành viên Ban Lâm nghiệp xã, người dẫn tôi đi dừng lại chỉ về phía mấy ngọn đồi.

Trở lại Tố Lan, thôn đồng bào Mạ của xã An Nhơn (huyện Đạ Tẻh) lần này không phải mùa trắng lóa hoa cà phê. Nhưng điều vẫn mướt xanh bên sườn đồi và... “kia anh, tre tầm vông của bà con Tố Lan đấy”, anh Hà Văn Hải, dân tộc Nùng, công an viên và thành viên Ban Lâm nghiệp xã, người dẫn tôi đi dừng lại chỉ về phía mấy ngọn đồi.
 
Bức tranh tươi tắn của nông thôn Tố Lan hôm nay. Ảnh: M.Đ
Bức tranh tươi tắn của nông thôn Tố Lan hôm nay. Ảnh: M.Đ
 
Chuyện vui nhớ lâu
 
Từ đường liên huyện 721, tôi và anh Hải dong xe máy vào Tố Lan trên con đường nhựa. Lúa thì con gái mơn mởn xanh sóng sánh hai bên. Sân trường còn vắng tiếng râm ran trẻ học bài. Hồi trước, những Ka Hiền, Ka Xinh, Ka Xiển, K’Chung... chụm vào mấy chiếc xe đạp cười toe toét khi tôi giương máy chụp. Giờ lũ trẻ đã cất bước đến nhiều nơi khác để học trường nghề hay lập nghiệp. Nhưng vẫn nghe nhiều tiếng cười của lũ trẻ lớp dưới. Rổn rảng vang lên bên những tán điều, dưới mái hồi nếp nhà. Mấy ngày nữa, niềm vui ấy lại tụ về sân trường... 
 
Hà Văn Hải chạy xe chậm lại rồi tấp sang trái vào căn nhà nhỏ. Có năm người, ba nam và hai nữ, đang ngồi quanh chiếc bàn chữ nhật rỉ rả với li rượu và cá suối, rau rừng. Tôi nhận ra ngay nhà Bí thư kiêm Thôn trưởng K’Miếu. Năm 2011, đúng mùng một Tết Nguyên đán, tôi một mình dong xe vào uống rượu cần chào năm mới cùng gia đình. Hôm đó, ngoài K’Miếu còn có vợ Ka Triển, già làng K’Tròi cùng vợ Ka Réo, mấy người con của họ: Ka Hiền, Ka Miếu,... và K’Trọng (cậu sinh viên đầu tiên của thôn, 26 tuổi, con già làng, học bác sĩ đa khoa năm 3 tại Hà Nội). Nhớ mãi lời giải thích ngắn của K’Miếu về bữa tiệc năm mới ấy: “Mình nói nhà báo hiểu không thì tùy, muốn ăn cái ngọt ra chợ, cái chua Bảo Lộc, cái đắng Tố Lan”. Vâng, dưới chiếu trải, có bánh tét, sườn heo kho, bánh ngọt, hạt hướng dương... Đặc biệt, có ba món đặc sản: đọt cây mây nướng lấy từ rừng xa, bóc ra trắng nõn; cá “rách” bắt và nướng giòn ngay từ thượng nguồn suối Đạ Mí. Và món thập cẩm đa vị đa sắc: quả “play rcọ” lấy tận rừng Bảo Lộc, mang về phơi khô, giã nhỏ cùng với muối, ớt cay, cá “canh hào”, đọt mây, củ kiệu, củ gừng. Tổ hợp có đắng của mây, cay của gừng, ngọt của củ kiệu, và vị chua “play rcọ” làm chủ đạo. Sau đó, tôi và K’Miếu đến nhà Thôn trưởng K’Đô để tiếp tục quây quần với hương vị Tết cùng nhiều người khác: Ka Nghiệp (vợ anh), các thanh niên K’Nhíp, K’Brông, K’Sim, K’Bría… Không khí đón năm mới ở Tố Lan năm đó tôi nhớ đến giờ và cùng ôn lại với vợ chồng K’Miếu. 
 
Niềm vui trẻ em Tố Lan ngày mới. Ảnh: M.Đ
Niềm vui trẻ em Tố Lan ngày mới. Ảnh: M.Đ
 
Xóa bệnh phong, mang tre đến
 
Chị Ka Triển lại lụi cụi bê ra chóe rượu cần đặt vào chiếc nồi. Tôi ngăn lại nhưng chị nói “Mình ủ để mỗi lần đoàn dân vận vô mang ra mời uống cho vui thôi mà”. Nhắc đến căn bệnh phong, Ka Triển vừa cười mãn nguyện nhưng vẫn chưa hết ám ảnh trong giọng nói: “Hết sạch rồi. Nhắc đến nó lại về!”. Phong còn gọi là bệnh cùi, do lạc hậu nên bị liệt vào “tứ chứng nan y”. Mấy chục năm trước, bệnh là nỗi sợ hãi với người dân, khi phải chứng kiến những cảnh thương tâm người bệnh lở loét, cùi cụt chân tay, sống cách ly trong rừng…Tố Lan, tên mĩ miều mà phải chịu tiếng “đất dữ”, nghiệt ngã như K’Miếu chia sẻ, người ta gọi là “buôn cùi”. Vợ chồng Ka Nghiệp, K’Đô cũng khẳng định với tôi, buôn không còn người mới bị bệnh, người cũ cuối cùng là ông K’Giò, mất năm 2003 ở Trại Phong Di Linh. Và quan trọng, bà con đã hiểu, không phải buôn hết “ó malai”, nhờ ánh sáng y tế của Nhà nước về “xua đuổi”, có y tế thì “nó không dám đến”...
 
Tìm hiểu đời sống đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên ở huyện, nhiều lần Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh Bùi Văn Hùng không giấu niềm vui chia sẻ với tôi: Để nâng mức sống cho đồng bào, huyện tập trung và tích cực triển khai dự án chuyển đổi cây trồng; trong đó, trồng tre tầm vông ở thôn Tố Lan cùng cao su ở thôn Con Ó và Đạ Nha. Từ Tố Lan ra, tôi kể cho anh Hùng câu chuyện về tính hồn nhiên và chân chất của K’Miếu. Vị thôn trưởng nói “tầm vông của ông Hùng đấy” và chỉ tay lên đồi. Đồi T’riêng Dơr hơn 27 ha, tầm vông trồng năm 2013 và 2014, năm nay là mùa đầu tiên cho thu hoạch tỉa. Đồi Liêng Dẹt hơn 23 ha đã đào hố, chuẩn bị xuống gốc trồng. Anh Lưu Văn Phượng, Phó Chủ tịch UBND xã An Nhơn cho biết, 27,3 ha chia cho 20 hộ, 23,4 ha chia cho 23 hộ mới. Đây là những hộ nghèo, cận nghèo hoặc thiếu đất sản xuất. Giống, phân NPK được Nhà nước hỗ trợ, đào hố và trồng, lực lượng công chức các cơ quan huyện giúp đỡ. Anh Phượng cũng cho biết, tầm vông từ 5 đến 6 năm cho thu hoạch, khai thác trong vòng 15 đến 20 năm. Chăm sóc tốt, thu nhập mỗi ha từ 60 đến 70 triệu đồng mỗi năm. Theo K’Miếu, so với điều, cà phê, lúa, dâu, bắp..., đầu tư và công chăm tầm vông đều ít hơn, lại ít ảnh hưởng sức khỏe và môi trường nhờ không phun thuốc, nhưng có lợi nhuận cao hơn. Khó khăn nhất là khâu thu hoạch và vận chuyển từ trên cao xuống đường. Tuy chỉ tỉa thưa năm đầu nhưng hộ cao nhất đã được 5 triệu đồng. 
 
Chính quyền xã An Nhơn làm cầu nối cho dân bán tre tầm vông với doanh nghiệp. Nhưng phải đủ lượng tre cho một chuyến xe ô tô doanh nghiệp mới vào lấy và thanh toán tiền, trong lúc bán mấy kg quả điều là được thương lái thanh toán luôn. Tâm tư của bà con cần tìm hiểu để tháo gỡ. Lãnh đạo xã An Nhơn, anh Nguyễn Hữu Hiền, Bí thư Đảng ủy và anh Trần Mạnh Nhuần, Chủ tịch UBND cũng cho tôi biết, xã mong muốn số diện tích tre tầm vông của bà con Tố Lan được chuyển thành cây lâm nghiệp để hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Tại nhà K’Miếu, tôi điện thoại hỏi Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng. Ông Võ Danh Tuyên cho biết: Ông đã đích thân xuống thôn Tố Lan tìm hiểu và cũng rất muốn nguyện vọng của địa phương được đáp ứng. Vì vậy, ông đã chỉ đạo bộ phận chuyên môn và chức năng của Sở nghiên cứu để tạo điều kiện thu nhập cho bà con thông qua chính sách này. Vấn đề là cây tre tầm vông phải thuộc diện tính độ che phủ rừng theo quy định. Thả cần rượu, K’Miếu chăm chú nghe tôi nói chuyện qua điện thoại, và buông lời: “Có được không anh? Ở đây bà con cũng đã nhận khoán quản lý bảo vệ rừng và được hưởng chi trả dịch vụ môi trường rừng rồi. Nếu được tre tầm vông nữa thì vui cho bà con quá!”. 
 
No ấm gõ cửa mỗi nhà 
 
Trở lại UBND xã An Nhơn, qua Chủ tịch Trần Mạnh Nhuần, tôi thêm nhiều thông tin để hình dung bức tranh nông thôn Tố Lan ngày tươi sáng. Năm 2015, thôn có 71 hộ với 298 khẩu; trong đó dân tộc Mạ 63 hộ với 237 khẩu, còn lại các dân tộc Tày, Nùng, Kinh và Khơme. Thời điểm này, thôn tăng lên 82 hộ với 357 khẩu, riêng dân tộc Mạ tăng lên 73 hộ với 309 khẩu. Nếu năm 2015, thu nhập bình quân đầu người của thôn mới 14 triệu đồng/người/năm thì nay ước đạt 19 triệu đồng/người/năm. Cả thôn có số hộ nghèo vào cuối năm 2015 là 8 hộ với 40 khẩu, cuối năm 2018 đã giảm 2 hộ, còn 6 hộ với 35 khẩu.
 
Chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, đặc biệt dân tộc gốc Tây Nguyên là chủ trương quan trọng được tỉnh Lâm Đồng, huyện Đạ Tẻh và xã An Nhơn thực hiện nhiều năm nay. Với thôn Tố Lan, chỉ tính từ năm 2015 đến nay, đối với các hạng mục công trình nông thôn, Nhà nước đã đầu tư rất nhiều ngân sách vào đây. Hệ thống điện chiếu sáng, mương thoát nước, cầu, đường,... hơn 2 tỷ 562 triệu đồng. Cùng đó, đầu tư giống, phân bón để phát triển sản xuất điều, tre tầm vông, cà phê, cây dâu và nuôi tằm gần 1 tỷ 700 triệu đồng. Riêng cây tre tầm vông hơn 1 tỷ 400 triệu đồng. (Trong đó, năm 2018, đầu tư chăm sóc gần 27,3 ha ở năm thứ 5 cho 20 hộ gần 154 triệu đồng và 6 tháng đầu năm 2019, đầu tư chăm sóc tiếp cho diện tích này gần 98,5 triệu đồng; đầu tư trồng mới gần 23,4 ha cho 23 hộ 468 triệu đồng). 
 
Chủ trương của huyện và xã An Nhơn tiếp tục thực hiện Nghị quyết 04 của Huyện ủy Đạ Tẻh tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Mục tiêu đến năm 2020 và những năm tiếp nâng đời sống vật chất, tinh thần của bà con dân tộc thiểu số trong huyện cũng như thôn Tố Lan ngang bằng mức sống dân tộc khác của huyện. Giải pháp là chú trọng phát triển và chuyển đổi cây trồng có giá trị cao. Với Tố Lan, quy mô phát triển cây tre tầm vông đến năm 2020 đạt 80 ha, năm 2025 đạt 120 ha. Chuyển cây điều kém hiệu quả sang cây có giá trị cao từ 60 đến 80 ha và một số cây trồng khác. Đầu tư đường vào khu sản xuất Tố Lan vốn trung hạn 8 tỷ đồng; xây dựng mô hình phát triển kinh tế, mở rộng diện tích trồng cây dâu. Thành lập hợp tác xã sản xuất tre tầm vông, liên kết hỗ trợ xây dựng xưởng sơ chế tre tầm vông tại Tố Lan. Mặt khác, đào tạo và chuyển giao khoa học kỹ thuật, mở lớp học cồng chiêng, lớp may thêu thổ cẩm, lớp chăm sóc cây trồng; đưa văn hóa Mạ kết nối vào du lịch cộng đồng Tố Lan với danh thắng hồ Đạ Hàm. 
 
 Bút ký: MINH ĐẠO