Đam Rông: Trang bị kiến thức và kỹ năng bảo vệ trẻ em

06:10, 30/10/2019

Vụ việc đau lòng về người cha xâm hại tình dục con gái ruột diễn ra tại xã Đạ K'Nàng, huyện Đam Rông vừa qua đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự an toàn của trẻ em vùng sâu, vùng xa...

Vụ việc đau lòng về người cha xâm hại tình dục con gái ruột diễn ra tại xã Đạ K’Nàng, huyện Đam Rông vừa qua đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự an toàn của trẻ em vùng sâu, vùng xa. Trước tình hình đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Đam Rông đã phối hợp với Phòng Giáo dục - Đào tạo và Phòng Lao động - Thương binh & Xã hội tổ chức các buổi truyền thông phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em.
 
Các nội dung tuyên truyền được truyền tải đến học sinh thông qua các hình thức gần gũi và sinh động. Ảnh: V.Quỳnh
Các nội dung tuyên truyền được truyền tải đến học sinh thông qua các hình thức gần gũi và sinh động. Ảnh: V.Quỳnh
 
Một ngày thứ bảy giữa tháng 10, gần 500 học sinh Trường Dân tộc nội trú huyện Đam Rông, Trường Tiểu học Bằng Lăng và 50 phụ huynh, hội viên phụ nữ Thôn 1, xã Rô Men đã được tham gia vào buổi tuyên truyền phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Thông qua vở kịch ngắn do chính học sinh đóng vai và những câu hỏi do các tuyên truyền viên đặt ra, các em học sinh có thêm những kiến thức cần thiết về phòng chống bạo lực, xâm hại và học cách tự vệ để bảo vệ cho chính mình. 
 
Trong tháng 10, 10 buổi tuyên truyền như vậy đã được Hội LHPN huyện Đam Rông tổ chức tại 10 điểm trường trên địa bàn huyện. Hoạt động này nhằm triển khai chủ đề năm 2019 của Trung ương Hội LHPN Việt Nam “An toàn cho phụ nữ, trẻ em”, với mong muốn góp phần nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền hỗ trợ, can thiệp, xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em; nâng cao trách nhiệm của gia đình và trẻ em đối với việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em. Đồng thời, giúp các em có kỹ năng tự bảo vệ mình để cuộc sống ổn định trong môi trường an toàn, lành mạnh, có cơ hội phát triển tốt về thể chất, tinh thần, không còn nguy cơ tiếp tục bị bạo lực, xâm hại.
 
Theo chị Phan Thị Cẩm - Chủ tịch Hội LHPN huyện Đam Rông, năm 2019 là năm đầu tiên Huyện hội tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em không chỉ riêng cho chị em hội viên mà còn mở rộng sang đối tượng học sinh, bởi theo số liệu từ Công an huyện Đam Rông, từ năm 2018 đến nay, toàn huyện đã xảy ra 4 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Bên cạnh đó, theo thống kê của Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam thì 93% đối tượng xâm hại trẻ em là người quen của trẻ, 47% là họ hàng, người thân trong gia đình. “Trong khi đó, vì ở vùng sâu vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn nên đa số phụ huynh - nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số ít quan tâm đến con cái. Một vài trường hợp đau lòng xảy ra từ sự thiếu hiểu biết của không những trẻ em mà còn là từ phụ huynh. Chính vì vậy, việc tuyên truyền cho học sinh và phụ huynh là vô cùng cần thiết” - chị Phan Thị Cẩm cho hay.
 
Xuyên suốt các buổi tuyên truyền được tổ chức vào thứ sáu, thứ bảy mỗi tuần, các nội dung tuyên truyền được truyền tải bằng các hình thức gần gũi, sinh động như văn nghệ, trò chơi, đóng kịch để tạo sự hứng thú cho học sinh. Tuyên truyền viên là các chiến sĩ công an huyện không đứng trên bục, mà chọn cách xuống gần các em để có thể tương tác, giao lưu trực tiếp, tạo sự gần gũi, thấu hiểu, phá bỏ tâm lý e ngại, rụt rè ban đầu của cả học sinh và phụ huynh.
 
Tại mỗi buổi tuyên truyền, những suất học bổng từ Quỹ Bảo trợ trẻ em cũng được trao cho các học sinh vượt khó học giỏi để truyền thêm động lực cho các em.
 
Đồng hành với học sinh trong suốt buổi truyền thông, cô Nguyễn Thị Thiện - giáo viên Trường Dân tộc nội trú Đam Rông chia sẻ: Với đặc thù của trường nội trú, trường học được xem là ngôi nhà thứ 2 và thầy cô được xem như cha mẹ của học sinh, chính vì vậy, thầy cô đóng vai trò trực tiếp trong việc định hướng, giáo dục giới tính cho học sinh. Trường thường xuyên có những chuyên đề phân công cho cán bộ y tế hoặc giáo viên dạy Sinh học, trang bị cho các em những kiến thức cơ bản. 
 
“Con được nghe và hiểu rõ hơn về bạo lực học đường, xâm hại tình dục, nguyên nhân và các phòng tránh, con cũng đã biết trẻ em cần phải làm gì khi bị xâm hại và nên làm gì để bảo vệ bản thân” - Cil Ka Ngọc Minh, học sinh lớp 9D chia sẻ sau buổi tuyên truyền. Đó là những điều mà trước đây Minh chỉ nghe nói sơ qua, bởi bố mẹ em làm nông, phần lớn thời gian dành cho nương rẫy nên bản thân họ không có nhiều kiến thức, cũng không thẳng thắn, mạnh dạn chia sẻ với con về những vấn đề nhạy cảm này”.
“Kết thúc chuỗi các hoạt động truyền thông, chúng tôi mong muốn không chỉ tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của cán bộ, hội viên, phụ nữ, gia đình và cộng đồng về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em một cách nhất thời, mà còn phải có tác động lâu dài, giúp cho cộng đồng kịp thời có những hoạt động tích cực ngăn chặn tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn toàn huyện” - chị Phan Thị Cẩm chia sẻ.
 
VIỆT QUỲNH