Khi già làng làm dân vận

05:10, 22/10/2019

Nhiều năm qua trên địa bàn tỉnh, các vị già làng, chức sắc, người uy tín đã luôn khẳng định tinh thần gương mẫu, sự uy tín của mình trong tuyên truyền, vận động Nhân dân phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết xây dựng cuộc sống mới, bảo vệ sự bình yên cho buôn làng...

Nhiều năm qua trên địa bàn tỉnh, các vị già làng, chức sắc, người uy tín đã luôn khẳng định tinh thần gương mẫu, sự uy tín của mình trong tuyên truyền, vận động Nhân dân phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết xây dựng cuộc sống mới, bảo vệ sự bình yên cho buôn làng. Đó là những việc làm ý nghĩa của già làng ở Lâm Đồng góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. 
 
Các già làng, người uy tín, Trưởng Ban Công tác Mặt trận được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tuyên dương vì có đóng góp tích cực trong xây dựng nông thôn mới. Ảnh: N.Thu
Các già làng, người uy tín, Trưởng Ban Công tác Mặt trận được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tuyên dương vì có đóng góp tích cực trong xây dựng nông thôn mới. Ảnh: N.Thu
 
Từng là Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn Đạ Dâng, xã Liên Hà, huyện Lâm Hà, giờ đây tuy tuổi đã cao nhưng già làng Ha Brưng vẫn tích cực tham gia các hoạt động ở địa phương. Bằng uy tín và kinh nghiệm, ông đã phát huy vai trò gương mẫu để tuyên truyền, giáo dục bà con, nhất là thanh thiếu niên trong dòng tộc chấp hành và thực hiện tốt chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước tại cộng đồng khu dân cư. “Trên cương vị già làng tôi luôn gương mẫu, tiên phong trong mọi công việc của thôn. Nhờ đó khi tuyên truyền, vận động hay nói gì, làm gì bà con cũng làm theo, nhất là việc chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những quy định của khu dân cư” - già làng Ha Brưng, xã Liên Hà, huyện Lâm Hà chia sẻ.
 
Trao đổi về những đóng góp của già làng, ông Nguyễn Viết Khê, Chủ tịch UBND xã Liên Hà, huyện Lâm Hà khẳng định: “Chính già làng đã góp phần rất lớn trong xây dựng địa phương. Già đã biết phát huy vai trò, vị trí của mình để làm công tác dân vận, dựa vào uy tín để làm phong trào”.
 
Với già làng K’Biếu, thôn Đoàn Kết, xã N’Thôn Hạ, huyện Đức Trọng, một địa phương có trên 80% bà con đồng bào theo đạo cũng đã làm rất tốt công tác dân vận trong tình hình mới. Với chức trách của mình, già làng đã tuyên truyền bà con giáo dân luôn nâng cao tinh thần cảnh giác với luận điệu xuyên tạc chia sẽ khối đại đoàn kết của các thế lực thù địch, lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá, gây rối ở cơ sở. “Mưa dầm thấm lâu”, bà con đã thấu hiểu, quyết không nghe, không làm theo lời dụ dỗ của kẻ xấu. Không chỉ có vậy, nhờ hiểu rõ được phong tục tập quán và qua những lời lẽ phân tích có lý, có nghĩa, có tình của già làng K’Biếu bà con đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đã động viên con em mình trong độ tuổi viết đơn lên đường nhập ngũ.
 
Toàn tỉnh Lâm Đồng có hơn 700 già làng. Qua 10 năm thực hiện “Quyết tâm thư Già làng các dân tộc khu vực Tây Nguyên”, các già làng dân tộc thiểu số tiêu biểu dân tộc tỉnh Lâm Đồng đã làm tròn trách nhiệm của mình. Họ là lực lượng nòng cốt trong công tác tuyền truyền, vận động Nhân dân, giáo dục truyền thống quê hương cách mạng anh hùng; một lòng, một dạ theo Đảng, làm theo lời Bác Hồ đã dạy. Bên cạnh đó, các già làng là người rất am hiểu phong tục, tập quán, nắm được tâm tư nguyện vọng của bà con mình cùng với kinh nghiệm thực tế họ đã trực tiếp thuyết phục, hòa giải kịp thời, thấu tình, đạt lý nhiều vụ việc trong cộng đồng như: mâu thuẫn gia đình, các vụ khiếu kiện đất đai trái pháp luật, hoạt động tôn giáo trái pháp luật, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm rẫy... Ông Đàm Xuân Đêu, Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh Lâm Đồng nói: “Các già làng là cầu nối uy tín trong mọi hoạt động, thực hiện tốt các phong trào thi đua. Một khi vai trò của các già làng được phát huy tốt thì sẽ không để xảy ra “điểm nóng”, qua đó góp phần giữ bình yên cho thôn, buôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
 
Có thể nói, những đóng góp to lớn của già làng đã góp phần rất lớn trong việc củng cố xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy những phong tục tập quán văn hóa truyền thống tốt đẹp, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh chính trị và quốc phòng trên quê hương Lâm Đồng trong thời kỳ đổi mới.
 
NGUYỆT THU