Sinh con thứ ba có được khuyến khích?

06:10, 08/10/2019

Gần đây có một số ý kiến phát biểu rằng khuyến khích việc sinh con để đảm bảo mức sinh thay thế, kéo giảm tốc độ già hóa dân số, đáp ứng yêu cầu phát triển...

Gần đây có một số ý kiến phát biểu rằng khuyến khích việc sinh con để đảm bảo mức sinh thay thế, kéo giảm tốc độ già hóa dân số, đáp ứng yêu cầu phát triển. Thực tế, pháp luật và các quy định hiện hành chỉ khuyến khích người dân sinh đủ hai con để đảm bảo dân số đạt mức sinh thay thế và tạo nguồn nhân lực có chất lượng thúc đẩy sự tăng trưởng, phát triển cân bằng hài hòa về nhiều mặt kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước.
 
Các nhóm phát triển cộng đồng ở Lâm Hà lập kế hoạch truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ và thanh niên tại địa bàn. Ảnh: An Nhiên
Các nhóm phát triển cộng đồng ở Lâm Hà lập kế hoạch truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ và thanh niên tại địa bàn. Ảnh: An Nhiên
 
Dự án dân số và phát triển
 
Cả nước đang triển khai Dự án dân số và phát triển với các hoạt động chính như: Hoạt động dân số - KHHGĐ; nâng cao chất lượng dân số - KHHGĐ - chăm sóc sức khỏe sinh sản; truyền thông chuyển đổi hành vi về dân số và phát triển.
 
Tại Lâm Đồng, mức giảm sinh trong 9 tháng đầu năm 2019 có giảm đáng kể, với số trẻ sinh là 14.671 trẻ, giảm 688 trẻ so với cùng kỳ năm 2018. Tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên trong 9 tháng đầu năm 2019 có 1.785 trẻ được sinh ra là con thứ ba trở lên (tăng 8 trẻ so với cùng kỳ năm 2018), tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên chiếm 12,16%. Tỷ số giới tính khi sinh trong 9 tháng đầu năm 2019, có 7.480 trẻ nam được sinh ra sống/7.182 trẻ nữ sinh ra sống. Tỷ số giới tính khi sinh là 104 trẻ nam/100 trẻ nữ. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên của tỉnh trong 9 tháng năm 2019 là 10,5‰ so với kế hoạch giao là 11,1‰.
 
Trong 9 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh có 237.575 phụ nữ trong độ tuổi từ 15 - 49 tuổi, trong đó có 177.500 cặp vợ chồng đang sử dụng các biện pháp tránh thai, đạt tỷ lệ 74,77%. Toàn tỉnh đã vận động được 81.336 đối tượng thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại (đặt vòng 6.915 ca, triệt sản 166 ca, thuốc uống 34.100 ca, thuốc cấy 125 ca, thuốc tiêm 6.780 ca, bao cao su 33.250 người).
 
Hoạt động kiểm soát tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh triển khai tại 12/12 huyện, thành phố với 147/147 xã, phường, thị trấn của tỉnh. Tổ chức truyền thông, cấp phát tờ rơi cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, đặc biệt là vợ chồng đã có con gái không lựa chọn giới tính thai nhi khi sinh. Truyền thông chuyển đổi hành vi về dân số và phát triển nhằm duy trì, nâng cao chất lượng các hoạt động truyền thông thường xuyên từ tỉnh đến cơ sở và hoạt động truyền thông tăng cường tại các địa bàn trọng điểm, dành cho các đối tượng ưu tiên. 
 
Trong hoạt động tuyên truyền chuyển đổi nội dung từ dân số - KHHGĐ sang vấn đề dân số - phát triển với các hoạt động của đề án nâng cao chất lượng dân số: Sàng lọc trước sinh và sơ sinh; giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; tư vấn chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân… Đặc biệt, về mặt KHHGĐ, khuyến khích người dân áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại; thực hiện xã hội hóa việc cung cấp dịch vụ các phương tiện tránh thai và truyền thông chuyển đổi thông điệp từ “Mỗi cặp vợ chồng sinh từ 1 đến hai con” sang nội dung “Mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con” để đảm bảo duy trì ổn định mức sinh thay thế, đặc biệt ở một số địa phương mức sinh đã giảm quá thấp, tốc độ già hóa dân số nhanh, hậu quả trong tương lai sẽ thiếu nguồn nhân lực trẻ cho phát triển.
 
Những trường hợp không vi phạm quy định sinh 1 hoặc 2 con
 
Tại Điều 2, Nghị định số 20/2010/NĐ-CP ngày 8/3/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số như sau: Điều 2 những trường hợp không vi phạm quy định sinh 1 hoặc 2 con gồm: 
 
1- Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu cả hai hoặc 1 trong 2 người thuộc dân tộc có số dân dưới 10.000 người hoặc thuộc dân tộc có nguy cơ suy giảm số dân (tỷ lệ sinh nhỏ hơn hoặc bằng tỷ lệ chết) theo công bố chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
 
2- Cặp vợ chồng sinh lần thứ nhất mà sinh 3 con trở lên.
 
3- Cặp vợ chồng đã có 1 con đẻ, sinh lần thứ hai mà sinh hai con trở lên.
 
4- Cặp vợ chồng sinh lần thứ ba trở lên, nếu tại thời điểm sinh chỉ có 1 con đẻ còn sống, kể cả con đẻ đã cho làm con nuôi.
 
5- Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu đã có hai con đẻ nhưng 1 hoặc cả hai con bị dị tật hoặc mắc bệnh hiểm nghèo không mang tính di truyền, đã được hội đồng y khoa cấp tỉnh hoặc cấp Trung ương xác nhận.
 
6- Cặp vợ chồng mà 1 hoặc cả hai người đã có con riêng (con đẻ), chỉ sinh một con hoặc hai con trong một lần sinh. Quy định này không áp dụng cho trường hợp tái hôn giữa hai người đã từng có hai con chung trở lên và hiện còn đang sống.
 
7- Phụ nữ chưa kết hôn sinh một hoặc hai con trong cùng một lần sinh.
 
Hướng dẫn về việc kỷ luật công chức sinh con thứ ba
 
Theo Hướng dẫn của Sở Nội Vụ tỉnh cho UBND huyện, thành phố về căn cứ áp dụng kỷ luật công chức sinh con thứ ba. 
 
Tại Khoản 2, Điều 1, Pháp lệnh 08/2008 PL-UBTVQH12 ngày 27/12/2008 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số năm 2003 quy định: Điều 10 - Quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc thực hiện cuộc vận động dân số - KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản: Sinh một hoặc hai con, trừ trường hợp do Chính phủ quy định. Tại Điều 2, Nghị định số 20/2010/NĐ-CP ngày 8/3/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số như sau: Điều 2 những trường hợp không vi phạm quy định sinh 1 hoặc 2 con gồm 7 trường hợp đã nêu ở trên. 
 
Căn cứ tại Khoản 4, Điều 8 Luật Cán bộ công chức năm 2008 quy định nghĩa vụ của cán bộ, công chức “Chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước”. Căn cứ từ Điều 9 đến Điều 14 của Nghị định số 34 /2011/NĐ-CP ngày 17/5/2011 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức đều quy định hành vi bị xử lý kỷ luật là: vi phạm quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kỷ luật lao động; bình đẳng giới; phòng chống tệ nạn mại dâm và các quy định khác của pháp luật liên quan đến công chức. 
 
Như vậy, theo các quy định ở trên, nếu công chức sinh con thứ ba mà không thuộc những trường hợp không vi phạm quy định sinh một hoặc hai con, được quy định tại Điều 2, Nghị định số 20/2010/NĐ-CP ngày 8/3/2010 của Chính phủ thì vi phạm nghĩa vụ của cán bộ, công chức là không chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, do đó phải bị xử lý kỷ luật theo quy định Nghị định số 34/2011/NĐ-CP ngày 17/5/2011 của Chính phủ.
 
Tương tự, viên chức sinh con thứ ba trở lên mà không thuộc những trường hợp không vi phạm quy định sinh một hoặc hai con, được quy định tại Điều 2, Nghị định số 20/2010/NĐ-CP ngày 8/3/2010 của Chính phủ thì cũng bị xử lý kỷ luật theo quy định của Nghị định 27/2012/NĐ-CP ngày 6/4/2012 của Chính phủ quy định xử phạt do vi phạm nghĩa vụ của viên chức quy định tại Khoản 1, Điều 6, Luật Viên chức.
 
AN NHIÊN