Tổ quốc nhìn từ biển (Bài 5)

06:03, 24/03/2020

Với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trên biển Đông, đảo Nam Yết được mệnh danh là "Thủ đô kháng chiến phía Bắc" nơi quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam...

[links()]
Nam Yết - đảo anh hùng
 
Với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trên biển Đông, đảo Nam Yết được mệnh danh là “Thủ đô kháng chiến phía Bắc” nơi quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Trong quá trình xây dựng, chiến đấu và bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, ngày 22/12/2004, đảo Nam Yết vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.
 
Tượng đài Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn là biểu tượng hiên ngang, bất khuất của đảo Nam Yết anh hùng
Tượng đài Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn là biểu tượng hiên ngang, bất khuất của đảo Nam Yết anh hùng
 
Đảo nhỏ anh hùng
 
Trong chuyến hải trình quay lại Trường Sa lần này, tôi thật may mắn và vinh dự được đặt chân lên đảo Nam Yết anh hùng. Trước đây, trong lần đầu ra Trường Sa, tôi đã nghe kể nhiều về “đảo dừa” Nam Yết. Song lần này, khi chính thức được đặt chân lên đảo, tôi thật sự ngạc nhiên trước sức sống mãnh liệt nơi đây. Mặc dù trên đảo chủ yếu là san hô, cát trắng nhưng Nam Yết lại có rất nhiều cây cối xanh tươi. Ngoài những cây xanh đặc trưng của Trường Sa như bàng vuông, mù u, phong ba và bão táp thì các loại rau xanh và một số cây ăn quả được mang từ đất liền ra đảo như dừa, chanh, đu đủ và xoài cũng tốt tươi chẳng kém cạnh ở đất liền là bao.
 
Theo tài liệu tại nhà truyền thống của đảo, Nam Yết là hòn đảo nằm giữa biển khơi bao la cách đất liền (TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) gần 320 hải lý. Giữa biển Đông, đảo Nam Yết nằm ở phía Bắc quần đảo Trường Sa, cách đảo Sơn Ca khoảng 13 hải lý về phía Tây Nam; cách đảo Ba Bình do Đài Loan chiếm giữ trái phép khoảng 11 hải lý về phía Nam và cách đảo chìm Ga Ven do Trung Quốc chiếm giữ khoảng 7 hải lý về phía Đông. Đây là hòn đảo nằm ở vị trí trung tâm của quần đảo Trường Sa. Trước đây, ngụy quyền Sài Gòn đã xây dựng Nam Yết là đầu não chỉ huy, thủ phủ của lực lượng hải quân trên quần đảo Trường Sa. Ngày 27/4/1975, bộ đội ta giải phóng và làm chủ hoàn toàn đảo Nam Yết cho đến nay. Suốt 45 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, lớp lớp các thế hệ cán bộ, chiến sĩ đảo Nam Yết luôn trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân. Từ đó, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, bền bỉ khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ hy sinh, xây dựng đơn vị lớn mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
 
Thượng tá Vũ Nguyên Trung - Chỉ huy trưởng đảo Nam Yết, tự hào: “Đảo Nam Yết vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang thời kỳ đổi mới vào năm 2004. Suốt những năm qua, nhiều tập thể, cá nhân đảo Nam Yết còn được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương và các phần thưởng cao quý khác. Chính vì thế, mỗi cán bộ, chiến sĩ được ra Nam Yết công tác, làm nhiệm vụ đều ý thức rất rõ trách nhiệm mà Tổ quốc và Nhân dân giao phó. Trên đảo, có những đồng chí đã gắn cả tuổi thanh xuân của mình cho Trường Sa. Phát huy truyền thống vẻ vang của Lữ đoàn Trường Sa anh hùng, cán bộ, chiến sĩ đảo Nam Yết tiếp tục xây dựng đảo vững mạnh về mọi mặt. Đảo luôn xác định đúng đối tượng, đối tác, nhất là đối tượng tác chiến trên vùng biển để kịp thời phát hiện, ngăn chặn; đồng thời, chủ động đấu tranh, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của đối phương, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống trên đảo và vùng biển thuộc chủ quyền thiêng liêng của đất nước”.
 
Nhà truyền thống, nơi trưng bày, lưu giữ nhiều tài liệu quý giá của quần đảo Trường Sa nói chung và đảo Nam Yết anh hùng nói riêng
Nhà truyền thống, nơi trưng bày, lưu giữ nhiều tài liệu quý giá của quần đảo Trường Sa nói chung và đảo Nam Yết anh hùng nói riêng
 
Viết tiếp truyền thống
 
Với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, ngoài việc phải đối diện với khí khậu khắc nghiệt giữa trùng khơi, đảo Nam Yết còn là khu vực thường xuyên có tàu thuyền, máy bay nước ngoài hoạt động với số lượng lớn ở giữa biển và trên không trung. Đó là những thách thức lớn để lớp lớp cán bộ, chiến sĩ đảo Nam Yết kiên trì khổ luyện “vượt mưa, thắng nắng”, luôn sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống.
 
Điều đáng tự hào, ở Trường Sa nói chung và đảo Nam Yết nói riêng, bên cạnh những người đã dành trọn tuổi thanh xuân cho đời binh nghiệp, thì những cán bộ, chiến sĩ trẻ hôm nay luôn một lòng đi theo tiếng gọi của Tổ quốc. Trung sĩ Nguyễn Đăng Kỷ - Phân đội 1 (Cụm chiến đấu số 2, đảo Nam Yết) tâm sự: “Đối với người lính Hải quân chúng tôi, trong huấn luyện cũng như tăng gia sản xuất, mỗi người đều được giao một nhiệm vụ cụ thể. Nhưng với tình đồng chí, đồng đội, chúng tôi luôn giúp nhau san sẻ khó khăn, gian khổ để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bởi lẽ, bản thân tôi và đồng đội luôn ý thức được rằng “mỗi tấc đất, ngọn sóng” hôm nay trên đảo Nam Yết nói riêng và quần đảo Trường Sa nói chung là mồ hôi, xương máu của cha ông ta, của các anh hùng liệt sĩ đã dày công xây dựng và bảo vệ. Những người lính trẻ chúng tôi, nguyện hy sinh tuổi thanh xuân cùng nhau vượt qua gian lao nơi sóng biển và viết tiếp truyền thống anh dũng, bất khuất của cha ông”.
 
Đảo Nam Yết anh hùng luôn “Mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan môi trường, mẫu mực về đoàn kết quân dân”
Đảo Nam Yết anh hùng luôn “Mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan môi trường, mẫu mực về đoàn kết quân dân”
 
Để xây dựng Nam Yết luôn “Mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan môi trường, mẫu mực về đoàn kết quân dân”, ngoài nâng cao chất lượng huấn luyện cán bộ, huấn luyện cơ bản và chuyên sâu, đảo xác định phải thực sự đổ nhiều mồ hôi trên thao trường để “rèn cán, luyện quân” sẵn sàng chiến đấu. Trung tá Nguyễn Văn Thắng - Phó Chỉ huy trưởng đảo Nam Yết, cho biết: “Là đảo anh hùng, nên mỗi cán bộ, chiến sĩ trên đảo luôn mang trong mình tinh thần dũng cảm, sẵn sàng xả thân hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Do đó, toàn đảo thường xuyên tăng cường huấn luyện trong điều kiện thời tiết phức tạp để tăng sức bền, sự dẻo dai của cán bộ, chiến sĩ. Các nội dung như huấn luyện trong điều kiện thời tiết phức tạp, huấn luyện đêm, huấn luyện báo động... được đảo triển khai thường xuyên, liên tục. Chính việc thực hiện nghiêm công tác huấn luyện, nên trong đợt kiểm tra của Lữ đoàn 146 vào cuối năm 2019, có tới 98/99 nội dung huấn luyện thực binh ở đảo Nam Yết đạt mức giỏi. Đây chính là động lực để cán bộ, chiến sĩ tiếp tục phát huy và quyết tâm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, xứng đáng với danh hiệu đảo Nam Yết anh hùng”.
 
Theo Trung tá Nguyễn Văn Khương - Chính trị viên đảo Nam Yết, khó khăn nhất hiện nay không phải là chuyện xa gia đình, xa đất liền hay thiếu nước, thiếu điện bởi việc đó là hoàn toàn bình thường đối với người lính đảo. “Hiện nay, trong bối cảnh trên biển Đông đang căng thẳng, các nước có tham vọng trên biển liên tục có các động thái do thám, gây hấn. Vì thế, nhiệm vụ giữ vững chủ quyền biển, đảo Tổ quốc trong hòa bình, không để mắc mưu trước sự khiêu khích của kẻ thù luôn là nhiệm vụ thường trực cho các cán bộ, chiến sĩ trên đảo Nam Yết. Phát huy truyền thống anh hùng, cán bộ, chiến sĩ trên đảo Nam Yết nguyện một lòng quyết tâm không ngại gian khổ, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ tuyệt đối an toàn vùng trời, vùng biển, đảo quê hương” - Trung tá Khương khẳng định.
 
KHÁNH PHÚC