Phát huy vai trò phụ nữ người dân tộc thiểu số

06:05, 05/05/2020

Ở địa bàn có trên 74% dân số là đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó chủ yếu là DTTS gốc Tây Nguyên như Đam Rông, công tác tập hợp, vận động và phát huy vai trò của phụ nữ vô cùng quan trọng...

Ở địa bàn có trên 74% dân số là đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS), trong đó chủ yếu là DTTS gốc Tây Nguyên như Đam Rông, công tác tập hợp, vận động và phát huy vai trò của phụ nữ vô cùng quan trọng. Ngoài là thành phần chính trong xã hội, với chế độ mẫu hệ, phụ nữ có tính quyết định trong các gia đình, dòng họ. Việc phát triển lực lượng này đóng vai trò then chốt trong phát triển xã hội.
 
Kịp thời tôn vinh để lan tỏa những gương phụ nữ nói chung và phụ nữ người DTTS nói riêng trong phong trào phát triển kinh tế - xã hội
Kịp thời tôn vinh để lan tỏa những gương phụ nữ nói chung và phụ nữ người DTTS nói riêng trong phong trào phát triển kinh tế - xã hội
 
Chị Phan Thị Cẩm - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Đam Rông cho biết: Hội LHPN huyện Đam Rông hiện có gần 7 ngàn hội viên, chiếm gần 70% phụ nữ từ 18 tuổi trở lên trong toàn huyện. Trong đó có gần 5 ngàn hội viên là người DTTS. Những năm gần đây, việc chú trọng phát huy vai trò của phụ nữ trong vùng đồng bào DTTS đã góp phần tìm ra những nhân tố tích cực, đóng góp quan trọng trong sự phát triển ở các địa bàn.
 
Vai trò của phụ nữ trong vùng đồng bào DTTS đã được chứng minh qua câu chuyện của chị MBon K’Nguyệt (35 tuổi) - Chi hội trưởng Hội Phụ nữ thôn Đạ K’Nàng, xã Đạ K’Nàng. Chị là người DTTS hiếm hoi của vùng đất Đam Rông nghèo khó được Hội LHPN tỉnh tuyên dương là phụ nữ người DTTS có nhiều đóng góp trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Những người dân ở thôn Đạ K’Nàng chủ yếu vẫn gắn bó với cây cà phê và một ít diện tích trồng lúa. Lúa để lo cái ăn cho cả gia đình, còn cà phê làm của để dành. Tuy nhiên, “Nhiều năm trước đây, cà phê năng suất thấp, lại mất giá nên đời sống bà con nghèo lắm” - chị K’Nguyệt nói. Bắt đầu từ năm 2011, làn sóng xây dựng NTM lan rộng, chị K’Nguyệt là hạt nhân kết nối thường xuyên tuyên truyền, vận động để người dân hiểu chủ trương lớn này. “Xây dựng NTM có sự hỗ trợ của Nhà nước, nhưng chính bà con mình cũng cần góp sức, góp công. Vì thành quả NTM là để chính bà con mình hưởng. Mình phải chủ động vươn lên thay đổi cuộc sống, không thể chờ ai tới làm thay mình được. Và chỉ có đầu tư sản xuất, chăm lo phát triển kinh tế mới là con đường nhanh nhất, vững chắc nhất để thoát nghèo” - đó là điều mà suốt nhiều năm qua chị K’Nguyệt vẫn luôn cố gắng tuyên truyền để bà con hiểu. Chị đã sử dụng lợi thế là người phụ nữ có uy tín trong gia đình, dòng họ để vận động người thân, họ hàng cải tạo nâng năng suất cây cà phê và chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng. Và để bà con tin, chị làm trước. Sự nỗ lực ấy không chỉ giúp gia đình chị phát triển kinh tế mà còn trở thành mô hình lan rộng ở thôn Đạ K’Nàng.
 
Và không chỉ có trong bộ phận DTTS tại chỗ, vai trò tiên phong của phụ nữ trong các vùng đồng bào DTTS mới đến Đam Rông cũng đã được phát huy. Thôn 5, xã Rô Men vẫn quen được gọi là làng Mông bởi đây là nơi sinh sống của hơn 170 hộ người Mông với gần 800 nhân khẩu, họ từ các tỉnh phía Tây Bắc di cư vào. Sự nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc định canh định cư cho người dân đã giúp người Mông có cuộc sống ổn định, ấm no ở Thôn 5 suốt nhiều năm qua. Người làng Mông rất ít nói tiếng Việt. Chỉ có những người đàn ông khi đi ra ngoài, những đứa trẻ khi đến trường mới sử dụng tiếng Việt, còn phụ nữ quanh năm suốt tháng gắn bó với ruộng, rẫy, với bếp nhà thì chỉ nói tiếng của người Mông. Bởi vậy việc tiếp xúc, gần gũi với những người phụ nữ nơi này không phải là điều dễ dàng. Trước đây, đồng bào người Mông quan niệm con gái biết đi sau lưng chồng, biết làm việc nhà, làm nương là đủ. Vì thế, suốt một thời gian dài, tổ chức Hội Phụ nữ ở vùng đồng bào Mông luôn trong tình trạng “khan hiếm” cán bộ. Thế nhưng những năm gần đây, với việc đẩy mạnh tạo nguồn của tổ chức Hội tại xã, huyện, ở Thôn 5, xã Rô Men, chị Thào Thị Mỹ nhiều năm liền được tổ chức Hội và chị em trong thôn tín nhiệm bầu làm chi hội trưởng. Chỉ tốt nghiệp lớp xóa mù chữ nhưng bằng sự tận tụy, chưa công việc nào “ làm khó” được chị Mỹ. Tất cả các văn bản từ trên chuyển về chị đều nhờ những người uy tín, học rộng trong thôn dịch qua tiếng Mông để tuyên truyền cho bà con, bởi nhiều chị em người Mông không biết tiếng Việt. “Muốn nói cho người dân làm theo, bản thân mình luôn tiên phong đi đầu”, nghĩ sao làm vậy nên trong lao động sản xuất, chăm lo hạnh phúc gia đình hay thực hiện các nghĩa vụ công dân, chị Mỹ luôn đi trước và thực hiện tốt. Cũng bởi thế mà niềm tin của người dân làng Mông nói chung, chị em phụ nữ người Mông ở Thôn 5 nói riêng đặt vào chị Thào Thị Mỹ luôn cao. Chị trở thành người phụ nữ duy nhất là người uy tín ở làng. Và tất cả các phong trào của Hội Phụ nữ nói riêng, của địa phương nói chung triển khai ở làng Mông đều có sự góp mặt của chị Thào Thị Mỹ. 
 
Xác định nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, trong những năm qua, Hội LHPN huyện đã chủ động tuyên truyền các chương trình mục tiêu quốc gia liên quan đến chị em phụ nữ. Đồng thời, vận động cán bộ, hội viên, nhất là hội viên người DTTS tích cực lao động sản xuất, mạnh dạn tham gia thực hiện các mô hình, dự án phát triển kinh tế của địa phương, tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tiên phong trong ứng dụng giống mới, công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp, mạnh dạn tham gia các tổ hợp tác... Hoạt động hỗ trợ phụ nữ xóa đói giảm nghèo được thực hiện trên cơ sở phát huy nội lực, tinh thần hợp tác và ưu tiên hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ. Hội LHPN các cấp đã giúp trên 2.700 hộ vay vốn trên 106 tỷ đồng. Vốn vay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện triển khai thực hiện 8/8 xã với trên 59 tỷ đồng/510 hộ vay/18 tổ vay. Nhờ vậy trong 5 năm qua, các cấp Hội đã giúp trên 600 hộ hội viên thoát nghèo, đóng góp quan trọng vào hành trình giảm nghèo chung của toàn huyện.
 
Cùng với các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế, Hội LHPN huyện còn chú trọng công tác xây dựng đời sống tinh thần cho chị em trong các thôn, buôn, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống thông qua triển khai thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Nhờ vậy các mô hình: khu dân cư đảm bảo an ninh trật tự, khu dân cư không tệ nạn ma túy, con đường hoa, khu dân cư chăn nuôi có chuồng trại... lần lượt ra đời, góp phần phát huy vai trò của phụ nữ người DTTS trong việc thay đổi cuộc sống theo hướng tiến bộ, phát triển.
 
HOÀNG MY