Đi trong hương gió tháng 7

05:07, 01/07/2020

Vẫn cái oi bức vã mồ hôi "đặc sản" của Đạ Tẻh dẫu trong những ngày mưa nhiều tháng 7, nhưng đâu đó, vấn vít trong hơi gió bất chợt ùa về từ những thung lũng hẹp vẫn hít hà được đủ đầy sự nồng nàn của hương mùa màng...

Vẫn cái oi bức vã mồ hôi “đặc sản” của Đạ Tẻh dẫu trong những ngày mưa nhiều tháng 7, nhưng đâu đó, vấn vít trong hơi gió bất chợt ùa về từ những thung lũng hẹp vẫn hít hà được đủ đầy sự nồng nàn của hương mùa màng, vẫn nghe được tiếng thở của sự phồn sinh và sự bình yên trong từng nhịp sống dưới mỗi mái nhà.
 
Người dân xã An Nhơn (huyện Đạ Tẻh) thu hoạch Nếp Quýt - đặc sản có mặt trên Bản đồ Lúa - Gạo Việt Nam. Ảnh: Hữu Sang
Người dân xã An Nhơn (huyện Đạ Tẻh) thu hoạch Nếp Quýt - đặc sản có mặt trên Bản đồ Lúa - Gạo Việt Nam. Ảnh: Hữu Sang
 
1. Có một chút đằm thắm ngọt ngào, nhẫn nại của những người miền Trung nắng gió; một chút tài hoa, khéo léo của những người Sơn Tây thượng cổ thấm đẫm văn hóa xứ Đoài; còn có cả sự bộc trực, gan dạ, “ăn to, nói lớn” của cư dân “xứ Nẫu” cũng như sự phóng khoáng, thẳm sâu và huyền bí như sông suối, rừng già của cư dân K’Ho, Châu Mạ bản địa... Chính sự giao thoa, đa dạng giữa các yếu tố vùng miền đã tạo cho Đạ Tẻh một mạch nguồn văn hóa rất riêng, như một thỏi nam châm chưa bao giờ hết ngưng lôi cuốn.
 
Cũng trong những ngày tháng 7, những ai lâu không tìm về sẽ rất khó nhận ra vùng đất nắng gắt, mưa dầm đầy những khốn khó của những ngày xưa. Thực sự chúng tôi không muốn nhắc đến cụm từ “Nông thôn mới”, bởi những người xa quê trên vùng đất này có bao giờ thiếu đi sự “chịu thương, chịu khó”, tảo tần đánh vật với đất cũng chỉ với mong ước được đổi thay. Nhưng như một luồng gió mát lành thổi tràn về, hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, đã giúp cho người dân quen với gốc rơm, cuống rạ của miền quê Đạ Tẻh cảm nhận rõ ràng hơn bao giờ hết sự no ấm. Trong mười năm gầy dựng thấm đẫm mặn ngọt mồ hôi ấy, giờ là lúc Đạ Tẻh đang được hưởng những “quả ngọt” đầu mùa.
 
2. Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Phạm Xuân Tiện chia sẻ với chúng tôi: “Tài sản” của Đạ Tẻh khi xây dựng nông thôn mới là 5/10 xã nghèo và xã đặc biệt khó khăn. Cũng chỉ mới 10 năm trước, Đạ Tẻh còn là một vùng quê với trình độ canh tác lạc hậu, “mùa nào, thức ấy” theo tư duy sản xuất của từng vùng miền. Nhưng cũng mất chừng ấy thời gian, từ cây trồng, vật nuôi theo kiểu tích góp và trang trải đời sống thường ngày, nhiều lĩnh vực Đạ Tẻh đã vươn lên trở thành địa phương nằm trong tốp dẫn đầu của Lâm Đồng về quy mô và chất lượng”. 
 
Trong mỗi chén cơm với hạt gạo dẻo thơm mang thương hiệu Đạ Tẻh mà phần nhiều người Lâm Đồng đều biết, lại là quá trình xây dựng dài hơi mang tầm chiến lược của chính quyền và người dân nơi đây. Những cánh đồng mẫu lớn ứng dụng công nghệ cao vàng rực trong mùa gặt ở An Nhơn, thị trấn Đạ Tẻh, Đạ Kho, Triệu Hải và đặc biệt là vùng chuyên canh Nếp Quýt nằm trong vùng lúa ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP hữu cơ là nỗ lực được đưa vào Nghị quyết của Huyện ủy, là sự tính toán kỹ lưỡng, thận trọng trong từng bước triển khai của chính quyền địa phương, là sự chăm bẵm, tảo tần của người nông dân. Thành quả ấy là trên 2.500 ha lúa, biến Đạ Tẻh trở thành vùng sản xuất lương thực trọng điểm lớn nhất nhì của Lâm Đồng. Xa hơn, từ những ruộng vườn vốn chỉ để cung cấp lương thực tại chỗ, gạo Đạ Tẻh đã trở thành thương hiệu khi Nếp Quýt của huyện năm 2018 đã được ghi tên trong bản đồ các loại gạo đặc sản của Việt Nam và năm 2019 được UBND tỉnh Lâm Đồng công nhận là sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao.
 
Cùng với lúa gạo, Đạ Tẻh cũng có vùng sản xuất dâu tằm lớn thứ hai của tỉnh với diện tích khoảng 1.500 ha, sản lượng hàng năm đạt trên 2.000 tấn. Không chỉ sản xuất manh mún, nuôi tằm ươm tơ cải thiện đời sống cho từng nhà, từng hộ, dâu tằm Đạ Tẻh cũng đã được hình thành và phát triển theo hướng chuỗi liên kết giá trị thông qua sự hợp tác hoàn thiện giữa doanh nghiệp, HTX và nông dân, đồng thời các sản phẩm đầu ra cũng không còn nằm bó hẹp ở phạm vi thị trường trong nước mà đã xuất khẩu đi các nước như Trung Quốc, Ấn Độ.
 
“Quả ngọt” với một huyện thuần nông như Đạ Tẻh không chỉ riêng lẻ ở khía cạnh cây trồng. Bằng sự quy hoạch có bài bản và những chính sách thu hút cởi mở dựa trên thế mạnh của địa phương, huyện Đạ Tẻh trong những năm gần đây đã trở thành điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp đầu tư trang trại chăn nuôi quy mô lớn thứ 2 toàn tỉnh, với hơn 10 trang trại chăn nuôi tập trung, khép kín, theo hướng công nghệ cao. Không chỉ mang lại nguồn thu cho ngân sách, mà điều này cũng như một liều thuốc kích cầu, đem lại sự thay đổi lớn về ý thức cho người dân trong sản xuất chăn nuôi. Không còn tâm lý lo sợ, người dân đã bỏ dần kiểu chăn nuôi nhỏ lẻ, tập trung vào đầu tư, mạnh dạn vay vốn, mở rộng để làm mô hình gia trại với quy mô đàn từ 50 đến 200 con.
 
3. Một trong những khó khăn, nhưng đồng thời cũng là thước đo rõ nét nhất về sự thành công trong những chương trình, trong sự đổi thay của những vùng quê nghèo ở Đạ Tẻh, chính là việc tạo ra nhận thức, tư duy mới trong sản xuất của huyện dành cho đồng bào dân tộc thiểu số. Do tập quán canh tác, nên trước đây nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước về đất đai, phát triển sản xuất được triển khai nhưng đều thiếu tính bền vững. Sau một thời gian ngắn được giao đất sản xuất, một số hộ dân thường không canh tác, bỏ hoặc sang nhượng cho người khác. Điều này cũng dẫn đến nhiều hệ lụy, đặc biệt là trong việc quản lý đất đai và tổ chức sản xuất trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hệ quả tất yếu là đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số vẫn cứ mãi rơi vào vòng luẩn quẩn với đói nghèo.
 
Không để điều đó mãi rơi vào ngõ cụt, không lối thoát, bằng sự linh động huyện đã trích ngân sách để đầu tư vào các mô hình trồng cao su, tre tầm vông theo hướng tập trung, thực hiện trên quy mô lớn, qua đó tạo ra ý thức và trách nhiệm cao hơn cho từng người tham gia. Các hộ dân được cùng nhau bàn bạc tổ chức thực hiện; được Nhà nước hỗ trợ đầy đủ vật tư, cây giống, phân bón, đào tạo nghề, chuyển giao kỹ thuật. Khi tổ chức sản xuất, các thành viên trong tổ hỗ trợ giúp công qua lại, khi thu hoạch thì tiến hành cùng đợt, tạo sự thuận lợi cho việc thu mua ngay tại nơi sản xuất. Không những thế, hàng năm huyện còn tổ chức các đợt dân vận với sự tham gia của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang để giúp người dân bón phân, dọn cỏ, trồng dặm... qua đó tạo ra mối liên kết bền chặt để giúp người dân có thêm niềm tin cũng như yên tâm chăm lo sản xuất. Kết quả ấy, theo đồng chí Tống Giang Nam - Phó Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh thì đó cũng chính là một trong những thành công lớn nhất mà Huyện ủy, UBND và các cấp chính quyền của huyện tạo dựng được sau rất nhiều nỗ lực.
 
4. Ở “vùng nước” nhỏ Đạ Tẻh, nhiều người đang nghĩ tới đoạn đường phía trước với nhiều hy vọng. Chắc chắn sẽ có nhiều chông gai và thử thách không dễ để vượt qua. Nhưng có sao đâu nhỉ (?!), bởi trong mỗi lần về, chúng tôi đều cảm nhận được hết những cố gắng của từng người dân trong mỗi ngày lên rẫy, xuống vườn, thấy được sự chắt chiu, tảo tần trong mỗi ngày đi qua và ở đó, còn có cả sự hồn hậu, bảo ban, nương tựa để vượt qua những khó khăn.
 
Ghi chép: TUẤN LINH - KHÁNH PHÚC