Lâm Đồng giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới vùng dân tộc thiểu số

04:07, 21/07/2020

Tỉnh Lâm Đồng có đến 25,7% dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số, với 70.655 hộ/333.561 người, thuộc 46 dân tộc; trong đó khoảng 16,07% là dân tộc gốc Tây Nguyên (39.792 hộ/106.061 người)...

Tỉnh Lâm Đồng có đến 25,7% dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), với 70.655 hộ/333.561 người, thuộc 46 dân tộc; trong đó khoảng 16,07% là dân tộc gốc Tây Nguyên (39.792 hộ/106.061 người). Toàn tỉnh có 66 xã và 468 thôn có trên 20% đồng bào DTTS sinh sống; trong đó, nhiều thôn, buôn, xã có đồng bào DTTS chiếm trên 80%. Nhưng Lâm Đồng đã có những huyện cán đích nông thôn mới (NTM).
 
Xã Phước Lộc, huyện Đạ Huoai có 81% DTTS nhưng đã thoát xã ĐBKK
Xã Phước Lộc, huyện Đạ Huoai có 81% DTTS nhưng đã thoát xã ĐBKK
 
Trên địa bàn tỉnh, các dân tộc Kơho, Mạ, Chu Ru, Nùng, Tày, Hoa, Mông chiếm tỷ lệ cao. Năm 2016, tỉnh Lâm Đồng có 32 xã và 66 thôn đặc biệt khó khăn (ĐBKK) được hưởng Chương trình 135 theo Quyết định 204 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 75 của Ủy ban Dân tộc. Thời điểm này, số hộ nghèo nói chung là 20.094, chiếm 6,25%. Đến năm 2017, tỉnh Lâm Đồng còn 11 xã và 110 thôn ĐBKK thuộc diện đầu tư của Chương trình 135. Và đến cuối năm 2019, toàn tỉnh chỉ còn 6 xã, gồm 3 xã ĐBKK, 3 xã “an toàn khu” và 51 thôn ĐBKK. Theo đó, hộ nghèo giảm còn 1,85%; riêng hộ nghèo DTTS còn 6,5% (giảm 1.500 hộ, tương đương 2%). Đối với huyện nghèo Đam Rông, thuộc diện Chương trình 30a, cũng đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm còn 12,6% (khoảng 850 hộ, tương đương 6,55%); riêng DTTS giảm còn 21,83% (755 hộ, tương đương 10%). Ông Võ Văn Hoàng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Đến cuối năm 2019, tỉnh Lâm Đồng đã hoàn thành Chương trình 135 với 59 thôn và 6 xã ĐBKK. Từ đó khẳng định Chương trình 135 đã góp phần trong quá trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng được thành công”. 
 
Có những kết quả trên, trong 4 năm (2016-2019), tỉnh Lâm Đồng đã triển khai đồng thời nhiều giải pháp cụ thể: từ công tác tổ chức, chỉ đạo điều hành đến thực hiện Chương trình 135. Cùng đó là cụ thể hóa bằng công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành trong triển khai. Ngoài các kênh truyền thông đại chúng được phát huy thường xuyên, năm 2017, Sở Thông tin và Truyền thông Lâm Đồng còn in 15.000 cuốn “Cẩm nang dành cho hộ nghèo” với 3 thứ tiếng: Việt, Kơho và Mông phát cho hộ nghèo. Những thông tin về hỗ trợ giảm nghèo từ tài liệu này còn được phát qua hệ thống truyền thanh cơ sở và đăng tải trên trang điện tử các huyện, thành phố. 
 
Khi chính quyền các cấp và người dân đã nắm bắt được thông tin về chủ trương, chính sách thì việc phân bổ vốn đầu tư để triển khai xuống cơ sở sẽ thực sự có hiệu quả. Trong 4 năm (2016-2019), tỉnh Lâm Đồng được Trung ương phân bổ thực hiện Chương trình 135 là 207,274 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư phát triển với 152,494 tỷ đồng, được triển khai thực hiện 436 công trình giao thông nông thôn, 23 công trình nước sinh hoạt, 84 công trình thiết chế văn hóa cấp thôn và xã, 1 công trình thủy lợi, 1 công trình trường học và 3 công trình san gạt mặt bằng. Đối với vốn sự nghiệp, với 54,780 tỷ đồng, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất cho khoảng 8.000 hộ, đã đạt 98,12% kế hoạch (với 39,389 tỷ đồng). Hiệu quả có tính cộng hưởng là ở chỗ, huy động được nguồn lực trong dân, các hộ đã đối ứng 1,821 tỷ đồng. Theo đó, thu nhập của các hộ tham gia dự án, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tăng từ 20-25% mỗi năm. Ngoài ra, duy tu bảo dưỡng 50 công trình với 9,352 tỷ đồng và nâng cao năng lực cho 1.636 lượt cán bộ cấp xã, cộng đồng thôn và tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm với tổng kinh phí 5,284 tỷ đồng. 
 
Một góc xã Đưng K’Nớ, Lạc Dương. Ảnh: Văn Báu
Một góc xã Đưng K’Nớ, Lạc Dương. Ảnh: Văn Báu
 
Những thành quả trên là thực tiễn hết sức đáng trân trọng. Tuy vậy, vẫn còn những mục tiêu chưa đạt được như mặt bằng kinh tế - xã hội còn chênh lệch giữa các vùng miền; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao, nguy cơ tái nghèo vẫn còn thấy rõ; thu nhập đối với hộ DTTS còn thấp; khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội chưa đạt được… Một tồn tại khá phổ biến nữa đó là trình độ nhận thức, dân trí của đồng bào DTTS vùng sâu, vùng xa còn những hạn chế trong quá trình thực hiện phát triển kinh tế-xã hội. Mặt khác, nguồn vốn đầu tư còn hạn chế, chủ yếu dựa vào nguồn vốn Trung ương; việc huy động, lồng ghép các nguồn vốn tại địa phương còn gặp khó khăn. Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Võ Văn Hoàng cho rằng: “Cơ bản đã hoàn thành mục tiêu Chương trình 135, song nhìn tổng thể chung thì vẫn còn hạn chế, khó khăn như đường vào các khu vực sản xuất của bà con DTTS…”.
 
Qua triển khai thực hiện Chương trình 135 tại Lâm Đồng, bài học đúc kết đầu tiên, đó là duy trì thường xuyên và có chiều sâu công tác thông tin tuyên truyền, vận động. Thực tế cho thấy, nơi nào thực hiện tốt công tác này thì ở đó người dân hiểu và có ý thức trong quản lý, sử dụng các công trình đầu tư một cách có hiệu quả. Yếu tố kết nối sự thống nhất cao giữa chỉ đạo của cấp ủy đảng, HĐND, UBND các cấp, các ngành và sự hưởng ứng của Nhân dân cũng hết sức quan trọng trong quá trình triển khai. Đó còn là sự chỉ đạo tổ chức thực hiện đồng bộ, bao quát và thống nhất một đầu mối, từ trung ương đến địa phương. Việc đẩy mạnh phân cấp cho các xã làm chủ đầu tư cần gắn với việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ quản lý và giám sát chương trình, đảm bảo có đội ngũ cán bộ đủ năng lực, kinh nghiệm và chuyên môn. Sự kết hợp nguồn đầu tư của Nhà nước với việc khai thác các tiềm năng và nội lực của địa phương sẽ tạo sức mạnh tổng hợp rất quan trọng. Quá trình triển khai khâu thanh tra, kiểm tra, giám sát và kịp thời xử lý, khắc phục những sai sót, vướng mắc cũng cần phải chú trọng… Những bài học kinh nghiệm vừa nêu không chỉ dừng lại đúc kết đối với quá trình triển khai thực hiện công tác giảm nghèo gắn với xây dựng NTM vùng đồng bào DTTS; mà còn ý nghĩa lớn hơn, đó là quá trình phát triển kinh tế - xã hội nói chung ở nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa. Thực tiễn luôn sinh động, đòi hỏi tiếp tục sáng tạo, năng động và nhiệt huyết của cả hệ thống chính trị cùng toàn cộng đồng.  
 
MINH ĐẠO