Nhưng em biết không...

03:08, 13/08/2020

(LĐ online) - Hôm qua, hơn 100 học sinh ở ba tỉnh Bắc Ninh, Điện Biên, Bình Phước cũng đã hoàn thành việc thi lại một số môn do lỗi kỹ thuật, chính thức kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT đặc biệt.

(LĐ online) - Hôm qua, hơn 100 học sinh ở ba tỉnh Bắc Ninh, Điện Biên, Bình Phước cũng đã hoàn thành việc thi lại một số môn do lỗi kỹ thuật, chính thức kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT đặc biệt.
 
Các thí sinh chuẩn bị bước vào môn thi tự luận Ngữ Văn tại hội đồng thi Trường THPT Nguyễn Du, Bảo Lộc. Ảnh: Khánh Phúc
Các thí sinh chuẩn bị bước vào môn thi tự luận Ngữ Văn tại hội đồng thi Trường THPT Nguyễn Du, Bảo Lộc. Ảnh: Khánh Phúc
 
Cả nước có 846.946 học sinh dự thi (trong đó, Lâm Đồng có hơn 13.400 em) đạt tỷ lệ 96,3% tổng số học sinh đăng ký dự thi đợt 1 này. Chỉ còn 26.308 em là thí sinh thuộc TP Đà Nẵng và 6 thành phố, huyện, thị xã thuộc tỉnh Quảng Nam cùng các thí sinh thuộc diện F1, F2 chiếm tỷ lệ 2,92% của các Hội đồng thi sẽ thi kỳ 2.
 
Kỳ thi đã hoàn thành đúng dự kiến. Cả xã hội thở phào nhẹ nhõm. Kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đề thi vừa sức, nhiều học sinh phấn khởi. Niềm vui được nhân lên gấp bội không chỉ từ mỗi gia đình có con em dự thi, ngành giáo dục... mà lan tỏa toàn xã hội, từ mỗi trường lớp địa phương đến Trung ương. Bởi lẽ, đây là kỳ thi đặc biệt chưa từng có trong lịch sử. Khi mà kỳ thi diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành khắp thế giới, đang diễn biến phức tạp, khi xuất hiện trở lại trong gần một tháng qua ở Việt Nam. Vì vậy, kỳ thi cùng lúc phải căng mình với nỗi lo kép vừa lo thi nghiêm túc, vừa lo hơn thế là phòng ngừa dịch, là sự an toàn cho sức khỏe cộng đồng...
Chưa từng bao giờ, việc học và thi của học sinh lớp 12 lại vất vả, trắc trở đến thế, khi gần như cả học kỳ 2 bị gián đoạn bởi dịch Covid-19 phát sinh. Khi dịch bệnh bị đẩy lùi ở Việt Nam, các em được đi học trở lại và chuẩn bị sẵn sàng cho kỳ thi vốn đã bị lùi lại hai tháng so với năm trước, thì dịch bệnh quay trở lại với nguy cơ cao hơn. Chính vì vậy, cho đến tận trước khi kỳ thi diễn ra ít ngày, những tranh luận về thi hay không thi vẫn nóng hầm hập trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội.
 
Cả xã hội lo lắng, dõi theo kỳ thi, nhưng lo trước hết và trách nhiệm đến cùng với những nỗi lo, những vui buồn cuộc sống của người dân là Đảng, Nhà nước ta. Và với quyết tâm, với mục tiêu phải bảo đảm cho được mục tiêu kép vừa chống dịch, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, vừa bảo đảm khôi phục, tăng trưởng kinh tế để bảo đảm an sinh xã hội, Chính phủ quyết định iao nhiệm vụ cho ngành giáo dục - đào tạo, các địa phương cùng với các ngành tổ chức chu đáo, khoa học, không để sơ suất xảy ra, bảo đảm kỳ thi an toàn, nghiêm túc, để các em không vơi mất những niềm vui, ước vọng khi bước chân vào ngưỡng cửa cuộc đời.
 
Để có được kỳ thi chỉ tập trung trong hai ngày 9 và 10/8, là cả một khối lượng công việc khổng lồ từ chuẩn bị cơ sở vật chất trường lớp, đề thi, văn phòng phẩm cho đến đề thi, an ninh trật tự, bảo đảm an toàn... như mọi kỳ thi. Năm nay, các cấp ngành còn phải chuẩn bị, triển khai công tác vệ sinh, khử khuẩn... bảo đảm an toàn vệ sinh, phòng chống dịch đối với thí sinh, cán bộ, giáo viên tham gia công tác thi. Chưa bao giờ mỗi thí sinh đến thi lại được đón, hướng dẫn, chăm lo như thế, khi mà trước lúc bước vào phòng thi đã được khử khuẩn cùng với giấy bút, đồ dùng theo quy định, các em được đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay...
 
Kỳ thi đặc biệt đã thành công. Các em tham dự kỳ thi giờ đây chỉ còn mong đợi tin vui kết quả vào cuối tháng 8 này. Nhưng chắc hẳn trong tâm trí, trong câu chuyện hàng ngày của các em vẫn in đậm hình ảnh không chỉ của cha mẹ, người thân, các thầy, cô giáo, bạn bè mà còn là những anh chị sinh viên tình nguyện, những cán bộ, nhân viên y tế, những chú công an và các cô, bác lãnh đạo các cấp, ban, ngành thành phố, trung ương... lo toan cho các em một kỳ thi chưa từng có.
 
Nhưng “Em biết không”... như đề thi ngữ văn được phần lớn các em đón nhận, vượt qua với tâm trạng hồ hởi, phấn khởi vì “ trúng tủ”, tâm đắc với phần nghị luận về bài thơ “Đất nước” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm và đoạn trích đọc hiểu “Cách sống: Từ bình thường trở nên phi thường, Inamori Kazuno”... còn bao nhiêu người “Giản dị và bình tâm” mà các em không biết mặt, biết tên đã lo cho các em một kỳ thi lịch sử. Bởi vì, biết bao người trên đất nước ta mà ta chưa gặp, chưa biết “Sống hết mình cho hiện tại, sẽ đưa sự sống, dù nhỏ bé, vươn đến ngày mai...”.
 
TRỌNG NGHĨA