Những ngày giãn cách

05:08, 06/08/2020

(LĐ online) - Lâu lắm, mới nằm yên trong căn nhà gỗ. Tối đó, mưa đến theo dư chấn của áp thấp nhiệt đới. Xa lắm, nên tiếng mưa lắng sâu, mới nghe rơi nhè nhẹ trên mái ngói. Có lẽ vì con đường nhỏ ngay trước mắt cũng ít người đi hơn thường ngày.

(LĐ online) - Lâu lắm, mới nằm yên trong căn nhà gỗ. Tối đó, mưa đến theo dư chấn của áp thấp nhiệt đới. Xa lắm, nên tiếng mưa lắng sâu, mới nghe rơi nhè nhẹ trên mái ngói. Có lẽ vì con đường nhỏ ngay trước mắt cũng ít người đi hơn thường ngày.
 
Sông Hương. Ảnh: Đăng Tuyên - Báo Thừa Thiên Huế
Sông Hương. Ảnh: Đăng Tuyên - Báo Thừa Thiên Huế
 
Hình dung những lo toan, cấp tập, những quãng lặng vì mệt mỏi, lo âu của đồng nghiệp giữa tâm dịch là những điều lẩn vẩn trong ý nghĩ của tôi lúc ấy. Là gương mặt khá nhàu nhò của anh bạn cùng lớp với ly mì tôm ăn vội ai chụp lại trên facebook quãng giữa tối. Là những dòng chữ trĩu nặng của bạn khi cập nhật con số về các ca nhiễm Covid-19 nơi bạn đang sống và làm việc. Thấy bạn thật buồn khi gõ chữ hy vọng không thêm những con số vào mỗi 6 giờ sáng. Về những điểm cảnh báo để những ai đọc được sẽ biết mình ngay lập tức cần phải làm gì…
 
Nóng ruột hơn, ít ra ngoài hơn, cảnh giác hơn và tự mình thực hiện kỹ các biện pháp phòng vệ là cách mỗi người lựa chọn khi dịch bệnh đang trở lại. Dù chưa phải là Huế, nhưng ngoài kia, trong đêm và suốt những ngày này nữa, bao người đã phải cắm chốt để sàng lọc, phát hiện, ngăn chặn và cảnh báo về các phương án giãn cách xã hội khi phát sinh những điều không ai mong muốn. Tôi nhớ giọt nước mắt của người phụ nữ trên đỉnh đèo Hải Vân mình thấy qua màn hình, khi chị buộc phải quay trở lại nơi đến vì sự an toàn của những người khác; nhớ những gương mặt bồn chồn của những người khác khi dừng xe ở đó và chờ đợi, không biết có thể tiếp tục hành trình hay không. Có một cảm xúc khác, chắc hẳn là mừng tủi lắm khi những người từ phía bên kia đèo đã được tạo điều kiện để có thể quay về, ngay sau chuyến kiểm tra của người có trách nhiệm. Dù có phải cách ly tập trung, thì ở đó vẫn là nhà…
 
Có một tin nhắn đến trong thì thầm mưa. Đồng nghiệp từ rất xa nhắn rất tiếc vì sự kiện không được tổ chức nữa, nhưng mong mọi người đều bình an. Tôi buông điện thoại sau khi reply, nghĩ về một cuộc gặp đầm ấm đã phải hoãn lại, nhưng biết còn có bao nhiêu cơ hội và cả cuộc đời nữa, đã bị Covid-19 lấy mất. Đúng là có những điều không hề phụ thuộc vào ý chí, đến không thèm gõ cửa và chúng ta phải tìm mọi cách để chống chọi.
 
Chinh phục, chế ngự và làm thiên nhiên phải khuất phục, là điều mà loài người đã làm được. Có những con người đã “cãi” lại số phận, hoặc tương tác để làm thay đổi số phận của những ai đó bên bờ sinh tử. Đơn giản hơn, chỉ bằng cách thay đổi tính cách, thay đổi nhận thức, sống “thật sinh thái” theo đa nghĩa của nó, cuộc đời của mỗi người chắc chắn sẽ tốt hơn vì dung nạp được nhiều dưỡng khí. Nhưng dịch bệnh mà trực tiếp bây giờ là Covid-19, lại hoàn toàn không phụ thuộc vào bản thân của mỗi người.  Là khi chúng ta chỉ có thể ngăn chặn nó bằng sự phòng ngự, cho mình và cho cộng đồng. Là sự can thiệp tối thiểu và tối đa nhất bằng các biện pháp y tế…
 
Khi mở cửa chào ngày trong khoảnh vườn rất xanh, tôi đã nghĩ nhiều về sự bình an, nhưng không phải như cách bạn tôi đã mong mỏi. Bình an của tôi, và những người khác trong những ngày tự giãn cách hay cách ly tập trung đã được đánh đổi từ những người đang chu toàn, vất vả nhưng tận tụy ở nơi tuyến đầu phòng dịch. Cuộc “chinh chiến” này còn dài, nhưng chắc chắn chúng ta sẽ lại gặp nhau…
 
HẠNH NHI