Xây dựng nông thôn mới nâng cao ở Đà Lạt

05:08, 07/08/2020

Với hơn 99% người dân hài lòng khi được lấy ý kiến về kết quả xây dựng nông thôn mới ở Đà Lạt cho thấy chương trình thực sự mang lại hiệu quả đối với vùng ven đô bởi những đổi thay căn bản. 

Với hơn 99% người dân hài lòng khi được lấy ý kiến về kết quả xây dựng nông thôn mới ở Đà Lạt cho thấy chương trình thực sự mang lại hiệu quả đối với vùng ven đô bởi những đổi thay căn bản. 
 
Người dân xã Xuân Trường làm giàu từ rau, hoa công nghệ cao ngày càng nhiều. (Trong ảnh: Gia đình ông Phạm Văn Dũng, trồng 4 sào hoa cát tường, mắt ngọc cho thu nhập 600 triệu đồng/năm). Ảnh: C.Thành
Người dân xã Xuân Trường làm giàu từ rau, hoa công nghệ cao ngày càng nhiều. (Trong ảnh: Gia đình ông Phạm Văn Dũng, trồng 4 sào hoa cát tường, mắt ngọc cho thu nhập 600 triệu đồng/năm). Ảnh: C.Thành
 
Thành phố Đà Lạt đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới ở 4 xã vùng ven vào năm 2018. Nhưng việc đạt các tiêu chí nông thôn mới không có nghĩa là công cuộc này dừng lại mà sẽ tiếp tục được quan tâm thực hiện để nâng cao các kết quả mà thành phố đã dày công vun đắp. Vì vậy, Đà Lạt sẽ tiếp tục triển khai Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trên địa bàn các xã một cách thường xuyên. Đồng thời ban hành kế hoạch nhằm nâng cao chất lượng tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo quy định.
 
Theo đánh giá của Thành ủy Đà Lạt, thông qua việc triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở các xã ven đô được đầu tư tương đối đồng bộ; đời sống vật chất, tinh thần của người dân tiếp tục được nâng cao, giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc được bảo tồn và khuyến khích phát triển. Để có được thành quả ấy, những năm qua Đà Lạt đã tập trung đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại 4 xã vùng ven. Cụ thể, trong giai đoạn 2016-2020, đầu tư 57 công trình giao thông nông thôn với chiều dài 26,052 km và sửa chữa 3 cây cầu với tổng kinh phí 37,551 tỷ đồng. 
 
Điều đặc biệt là, trong tổng kinh phí xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn, Nhân dân Đà Lạt đã đối ứng gần 15,5 tỷ đồng. 
 
Bên cạnh đó, thành phố còn triển khai đề án đào ao, hồ nhỏ, lắp điện chiếu sáng, xây dựng trường mầm non Xuân Trường và nâng cấp trường tiểu học; sửa chữa trạm y tế, hoàn thành nhà văn hóa, chợ xã và duy tu, sửa chữa 7 hội trường thôn tại các xã...
 
Mặt khác, thành phố dành sự quan tâm hỗ trợ phát triển sản xuất và hình thức tổ chức sản xuất tại các xã; thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, đào tạo nghề lao động nông nghiệp, nông thôn. Qua đó, hỗ trợ giống 168 ha bơ ghép và tái canh 77 ha cà phê, chuyển đổi giống hoa cát tường, cẩm chướng, hồng môn, đồng tiền... thông qua thực hiện đề án “phòng chống dịch sâu đục thân gây hại cà phê chè”; tổ chức 13 lớp đào tạo nghề sản xuất nông nghiệp cho 386 học viên. Hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi cho 66 hộ nghèo, hộ cận nghèo. Song song đó là việc thực hiện đề án chuỗi giá trị và đã tiến hành hỗ trợ 2 máy sấy khoai lang, 9 máy sấy hồng, 7 kho lạnh, cùng với tem nhãn, bao bì sản phẩm để phát triển các chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp. Tiếp tục phối hợp với Công ty Himeji triển khai dự án hiện đại hóa công nghệ sản xuất hoa và cây giống tại xã Xuân Thọ. Vận động hỗ trợ hình thành 2 liên minh sản xuất và tiêu thụ rau, cà phê với số hộ tham gia liên kết lên tới 105 hộ dân, sản xuất trên diện tích 136,36 ha. Đồng thời thành lập mới 4 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp; và hiện trên địa bàn 4 xã có 5/10 hợp tác xã hoạt động hiệu quả. Đặc biệt, thông qua chuỗi giá trị đã hỗ trợ hình thành 3 liên kết tiêu thụ sản phẩm, bao gồm chuỗi hồng khô tại xã Xuân Trường, Trạm Hành, chuỗi rau, hoa tại xã Xuân Thọ và chuỗi khoai lang tại xã Tà Nung.
 
Theo UBND thành phố Đà Lạt, tính đến cuối năm 2019, thu nhập bình quân đầu người ở các xã nông thôn mới đạt 53,5 triệu đồng/người/năm, nhất là không còn hộ nghèo. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế tại 4 xã đạt trên 85%, lao động có việc làm qua đào tạo đạt tỷ lệ 51,55%; cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư đồng bộ, các thiết chế văn hóa đáp ứng nhu cầu của người dân, 100% số xã được công nhận xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới. Thành phố đã tiến hành tổ chức lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới và có tới 99,24% hộ dân được lấy phiếu hài lòng về kết quả chương trình này. 
 
Từ kết quả đạt được nêu trên, thành phố Đà Lạt tiếp tục xác định “chương trình nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ quan trọng gắn với thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững”. Theo đó, thành phố đặt ra trọng tâm thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch tại các xã, nhất là quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch khu dân cư. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, chuyển dần từ lao động nông nghiệp thuần túy sang lao động nông nghiệp ứng dụng công nghệ hiện đại, được đào tạo nghề, kỹ thuật chuyên sâu và ưu tiên, khuyến khích phát triển mô hình liên kết bảo đảm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Cùng đó là huy động các nguồn lực để đầu tư, duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt về xây dựng nông thôn mới tại các xã, tiến tới xây dựng các khu dân cư nông thôn kiểu mới; bảo đảm tính bền vững về kết quả của các xã văn hóa - nông thôn mới đã được công nhận.
 
Mục tiêu đặt ra đến cuối năm 2020, 4/4 xã gồm Xuân Thọ, Xuân Trường,Trạm Hành và Tà Nung đạt tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, trong đó xây dựng xã Xuân Thọ trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu. 
 
KHẢI NHIÊN