Xứng đáng với phần thưởng cao quý

06:09, 17/09/2020

Cán bộ, hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lâm Đồng vinh dự được Chủ tịch Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba vừa được đón nhận tại Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Lâm Đồng lần thứ VI-2020 mới đây.

Cán bộ, hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Lâm Đồng vinh dự được Chủ tịch Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba vừa được đón nhận tại Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Lâm Đồng lần thứ VI-2020 mới đây.
 
Bà Phạm Thị Mỹ Huyền - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh trao học bổng của chương trình cho học sinh vùng sâu vượt khó
Bà Phạm Thị Mỹ Huyền - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh trao học bổng của chương trình cho học sinh vùng sâu vượt khó
 
Bà Phạm Thị Mỹ Huyền - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Hiện nay toàn tỉnh có 12 Hội LHPN huyện, thành phố và 2 đơn vị trực thuộc với 161 cơ sở Hội, tổng số 164.712 hội viên (trong đó có 39.436 hội viên dân tộc thiểu số). Cán bộ, hội viên phụ nữ trong tỉnh đã có nhiều cố gắng trong các phong trào thi đua yêu nước. Huân chương Độc lập hạng Ba là sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước về sự đóng góp của các thế hệ cán bộ, hội viên phụ nữ tỉnh nhà trong phong trào thi đua yêu nước. 
 
Những năm qua, công tác tuyên truyền, thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là các chủ trương, chính sách liên quan trực tiếp đến quyền lợi của phụ nữ đã được các cấp Hội quan tâm chú trọng. Việc đa dạng các kênh truyền thông được các cấp Hội thực hiện như: tài liệu sinh hoạt hội viên, mở các chuyên mục phát thanh, truyền hình, chuyên trang trên báo, đưa nội dung hoạt động lên cổng thông tin điện tử của tỉnh, xây dựng liên kết thông tin điện tử với các huyện, thành phố, phát huy hiệu quả hoạt động của Trang thông tin điện tử Hội LHPN tỉnh. 
 
Hội đã chủ động, sáng tạo trong triển khai thực hiện các phong trào thi đua, các đề án và cuộc vận động. Thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” trong xây dựng nông thôn mới, Hội đã có sáng kiến trong việc xây dựng mô hình “Khu dân cư kiểu mẫu” và chọn điểm các xã, huyện là cửa ngõ từ các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông vào Lâm Đồng như xã Đạrsal (Đam Rông) và xã Lộc Bảo (Bảo Lâm) để xây dựng điểm và phát động triển khai thực hiện “Khu dân cư kiểu mẫu”, Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” góp phần xây dựng nông thôn mới của tỉnh. 
 
Với mục tiêu tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong việc thực hiện 8 tiêu chí của Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” đã góp phần thực hiện 9/19 tiêu chí nông thôn mới. Hiện nay mô hình đã được triển khai nhân rộng trên địa bàn các xã, phường, thị trấn. Bên cạnh đó, Hội đã triển khai xây dựng các mô hình tuyến đường hoa, tuyến đường liên huyện, liên xã xanh - sạch - đẹp trong toàn tỉnh.
 
Từ năm 2014 đến nay, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo xây dựng các mô hình thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, trong đó chú trọng thực hiện hiệu quả các mô hình khu dân cư kiểu mẫu, trong đó hội đủ 8 tiêu chí của cuộc vận động, đặc biệt có tiêu chí “gia đình không có thành viên vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội”, “gia đình không có bạo lực”. Tính đến nay toàn tỉnh có 644 mô hình thực hiện cuộc vận động này với 20.125 thành viên tham gia.
 
Có 12 huyện, thành phố và Hội Phụ nữ Công an tỉnh, Hội phụ nữ cơ quan chuyên trách đã triển khai ký kết giao lưu kết nghĩa với các chi hội phụ nữ dân tộc, tôn giáo tại địa phương. Hoạt động này góp phần gắn kết giữa phụ nữ dân tộc thiểu số với phụ nữ người Kinh, chi hội khá giúp chi hội trung bình, yếu vươn lên khá. Xây dựng Quỹ Nghĩa tình cán bộ Hội nhằm huy động hội viên, phụ nữ đóng góp quỹ để thăm hỏi, động viên cán bộ Hội có hoàn cảnh khó khăn đột xuất, tặng học bổng cho con em cán bộ Hội khó khăn học giỏi hàng năm, đến nay Hội LHPN tỉnh quản lý nguồn Quỹ trên 600 triệu đồng. 
 
Từ năm 2014 đến nay, Hội LHPN tỉnh đã biên soạn tài liệu, nội dung sinh hoạt hàng tháng (chọn lọc những nội dung cô đọng nhất, ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu) dịch sang tiếng K’Ho cung cấp cho cơ sở, chi, tổ hội, đặc biệt chi hội, tổ phụ nữ dân tộc thiểu số và đăng trên trang thông tin điện tử của hội, nhằm phục vụ cho việc sinh hoạt Hội kịp thời. Trong 5 năm qua, Hội đã phối hợp với ngành tư pháp trợ giúp pháp luật cho phụ nữ nghèo, phụ nữ người DTTS, tuyên truyền pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ đến toàn thể cán bộ, hội viên phụ nữ trong toàn tỉnh, trên 320.000 cán bộ Hội, trực tiếp hòa giải thành công 12.965 vụ mâu thuẫn vợ chồng, tranh chấp đất đai, bạo lực gia đình. 
 
Các mô hình tập hợp thu hút hội viên hiệu quả như: thành lập chi hội, tổ hội theo địa bàn dân cư (1.600 chi, tổ hội); chi hội, tổ hội theo nhóm ngành nghề như: phụ nữ tiểu thương (các chợ Đà Lạt, Đức Trọng, Lâm Hà); tổ phụ nữ trong trường học; tổ phụ nữ tôn giáo; tổ phụ nữ tạm cư.
 
Hội LHPN tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ phụ nữ phát triển sản xuất, thực hành tiết kiệm, giảm nghèo bền vững, bằng nhiều hoạt động thiết thực. Hàng năm rà soát hộ nghèo, phân tích nguyên nhân nghèo trong hội viên phụ nữ, phụ nữ nghèo do nữ làm chủ để xây dựng kế hoạch hỗ trợ phù hợp. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ tích cực lao động sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi. Hiện toàn tỉnh có 1.590 tổ phụ nữ có hoạt động tiết kiệm với trên 200 ngàn thành viên tham gia, số tiền 146 tỷ đồng, đây chính là kênh huy động để hỗ trợ tại chỗ cho phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập. Mặt khác, hoạt động ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay hộ nghèo và các gia đình chính sách cũng tăng trưởng tín dụng đều hàng năm, với tổng nguồn vốn hiện đang quản lý gần 1.000 tỷ đồng cho 39.325 hộ vay, số hội viên phụ nữ nghèo được hỗ trợ vốn kịp thời đã góp phần tăng nhanh số hộ nghèo thoát nghèo trên địa bàn toàn tỉnh. 
 
Cùng với hoạt động hỗ trợ vốn, Hội LHPN các cấp đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu tại địa phương, giới thiệu việc làm cho hội viên phụ nữ với các nghề như: mây tre đan, móc sợi, thêu ren, dệt thổ cẩm, đan bèo, may công nghiệp… Phát huy tinh thần tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách, hàng năm các cấp Hội trong tỉnh vận động sự hỗ trợ của các tập thể, cá nhân hảo tâm trong và ngoài tỉnh hỗ trợ xây dựng mới từ 30 - 50 “Mái ấm tình thương” cho phụ nữ nghèo, mỗi căn có trị giá từ 30-50 triệu đồng, giúp hội viên phụ nữ nghèo có nhà ở ổn định, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
 
Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã, hướng dẫn hội viên phụ nữ ở các huyện, thành phố thực hành sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi theo chuỗi liên kết giá trị. Kết quả 5 năm thực hiện chương trình phối hợp giữa Hội LHPN và Liên minh HTX tỉnh đã xây dựng và triển khai các chương trình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giúp phụ nữ tiếp cận được nguồn tài chính ưu tiên cho các HTX do phụ nữ làm chủ, xây dựng được nhiều mô hình HTX, tổ hợp tác ngành nghề tại địa phương, góp phần giải quyết việc làm, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Toàn tỉnh đã có 32 HTX do phụ nữ làm chủ, 7 tổ hợp tác và 7 tổ liên kết với 14.168 thành viên tham gia; trong đó có trên 6.000 hội viên phụ nữ tham gia trong lĩnh vực ngành nghề thủ công mỹ nghệ, may mặc, móc len, nông nghiệp, nhiều mô hình HTX làm ăn hiệu quả đạt 500-700 triệu đồng/năm. 
 
Ngoài ra, các cấp hội còn duy trì các mô hình phụ nữ giúp nhau hiệu quả như: mô hình “5 giúp 1” (5 hộ có điều kiện giúp 1 hộ phụ nữ nghèo làm chủ hộ thoát nghèo có địa chỉ), “10 giúp 1”, Tổ phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, tạo việc làm tăng thu nhập, Tổ phụ nữ giúp nhau mua vật dụng gia đình, Tổ phụ nữ giúp nhau làm nhà đẹp… Bằng nhiều hình thức hỗ trợ phụ nữ của các cấp Hội trong tỉnh, hàng năm đã có hàng ngàn phụ nữ nghèo được giúp thoát nghèo. 
 
Thực hiện “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, đến nay có 1.860 lượt cán bộ nữ được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ; 2.190 cán bộ nữ được đào tạo về lý luận chính trị. Hàng năm có trên 1.000 phụ nữ được đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học, tiếng dân tộc K’Ho, chuyên viên, chuyên viên chính… Thực hiện Đề án đào tạo, bồi dưỡng, cán bộ Hội LHPN các cấp, hàng năm có gần 2.000 lượt cán bộ Hội được bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội. Các cấp Hội đã tham gia giới thiệu 796 nữ đại biểu HĐND các cấp, chiếm 18,5% tổng số đại biểu, trong đó có 444 cán bộ Hội Phụ nữ. Giới thiệu cho Đảng kết nạp cho 2.876 hội viên, phụ nữ, trong đó có 792 cán bộ Hội Phụ nữ.
 
AN NHIÊN