Tâm thế chủ động

05:10, 02/10/2020

Thay cho cụm từ "hậu COVID-19" hay "trạng thái bình thường mới", "Kỷ nguyên COVID-19" đã trở thành một định danh mới, được gọi tên vào sáng 29/9, trong Diễn đàn Cải cách và Phát triển (VRDF) 2020, tại Hà Nội.

Thay cho cụm từ “hậu COVID-19” hay “trạng thái bình thường mới”, “Kỷ nguyên COVID-19” đã trở thành một định danh mới, được gọi tên vào sáng 29/9, trong Diễn đàn Cải cách và Phát triển (VRDF) 2020, tại Hà Nội.
 
Có thể nhận thấy ngay tâm thế chủ động và chủ động hơn từ định danh này. Nhất là trong bối cảnh các biện pháp kiểm soát COVID-19 vẫn được hầu khắp các quốc gia trên thế giới thực hiện. Việc xét nghiệm, truy vết và cách ly trong “gói” tăng cường năng lực để ngăn chặn khôn ngoan cũng đang được lựa chọn nhiều hơn. Mặt khác, việc sống chung với đại dịch trên là điều phải xác định, trong khi vắc xin để tăng sức đề kháng trước bệnh dịch này vẫn chưa được đưa ra diện rộng. 
 
Mặc dù đại dịch đã được ngăn chặn và đang trong giai đoạn kiểm soát ở một số quốc gia, song gần như không ai có thể nói trước một điều gì. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), bản thân đại dịch, tác động kinh tế từ các biện pháp ngăn chặn và ảnh hưởng từ suy thoái toàn cầu do đợt khủng hoảng gây ra chính là 3 cú sốc vào các quốc gia đang phát triển ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương. Khoảng 38 triệu người sẽ vẫn nằm dưới ngưỡng nghèo hoặc bị đẩy xuống dưới ngưỡng nghèo do hệ quả của đại dịch là một dự báo khác đến từ tổ chức này. “Không chỉ giáng đòn nặng nề nhất vào người đang nghèo, mà nó còn tạo ra “người nghèo mới” là cách mà bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương của WB nhận định. Đó cũng là giai đoạn mà khu vực này đang gặp phải những thách thức chưa từng có và chính phủ các nước đang phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn. 
 
Sống chung với dịch bệnh trong kỷ nguyên COVID-19, vật lộn để khôi phục và tăng trưởng sẽ là trạng thái chủ đạo của các quốc gia trong khu vực. Chia sẻ về vấn đề này, ông Aaditya Mattoo, Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới cho rằng, “ưu tiên hiện nay là duy trì trường học an toàn để bảo tồn vốn nhân lực; mở rộng cơ sở thuế còn hẹp để tránh phải cắt giảm đầu tư công; cải cách các ngành dịch vụ đang được bảo hộ để tận dụng các cơ hội công nghệ số đang nổi lên”.
 
Tuy nhiên, việc khôi phục và vực dậy nền kinh tế lại phụ thuộc vào năng lực cũng như chiến lược của từng quốc gia. Trong đó, điều quan trọng nhất là phải đảm bảo chính sách xã hội, hỗ trợ các doanh nghiệp, cả ở khu vực phi chính thức như một cách để đảm bảo việc làm và cùng giải quyết an sinh xã hội trên cơ sở khách quan và minh bạch.
 
Phải nhanh chóng phục hồi tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, tận dụng hiệu quả các cơ hội phát triển xuất hiện từ khi xảy ra đại dịch COVID-19 là điều mà Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - ông Nguyễn Chí Dũng khẳng định trong mục tiêu ngắn hạn. Ở tầm nhìn xa hơn, việc vượt qua bẫy thu nhập trung bình, thu hẹp khoảng cách phát triển với các quốc gia khác, giải quyết các thách thức môi trường, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ... là những nhiệm vụ phát triển lớn đặt ra với Việt Nam trong trung và dài hạn. 
 
Theo cập nhật và quan sát của chúng tôi, không chỉ lúc này mà ngay khi làn sóng COVID-19 thứ hai xuất hiện tại Việt Nam, tâm điểm ở Đà Nẵng, đã xuất hiện một sự bình tĩnh và chủ động hơn, dù khó khăn, chật vật và khốn khó gia tăng, thậm chí hơn gấp hai lần. Điều này có thể nhận thấy ở cách mà Chính phủ và các địa phương tăng năng lực kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh, đồng thời có nhiều giải pháp cải cách và “nới lỏng” để hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất, cũng như cứu trợ và hỗ trợ người dân…
 
Đây chắc chắn cũng là tâm thế được phát huy khi chúng ta đang ở trong kỷ nguyên COVID-19.
 
YÊN MINH