Tỷ lệ người hút thuốc lá vẫn còn ở mức cao

06:11, 06/11/2020

Tình trạng hút thuốc lá thường là thói quen của nam giới, chính vì vậy, phụ nữ và trẻ em trong mỗi gia đình phần lớn đều trở thành người bị hút thuốc lá thụ động...

Tình trạng hút thuốc lá thường là thói quen của nam giới, chính vì vậy, phụ nữ và trẻ em trong mỗi gia đình phần lớn đều trở thành người bị hút thuốc lá thụ động. Thực tế cho thấy, trên thế giới có khoảng 1/3 số người trưởng thành đang thường xuyên phải tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động mỗi khi ở nhà hoặc tại những nơi làm việc có người hút thuốc.
 
Hút thuốc lá có nhiều nguy cơ độc hại, ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Tuy nhiên, tại nhiều quốc gia cho thấy, tỷ lệ người hút thuốc lá vẫn còn khá cao. Không chỉ nam giới mà có cả nữ giới, thậm chí là trẻ chưa đủ tuổi vị thành niên cũng hút thuốc như một thói quen rất khó từ bỏ. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, bình quân mỗi năm trên thế giới có khoảng 7 triệu người tử vong do mắc các căn bệnh liên quan đến việc hút thuốc lá. Ngoài ra, còn khoảng 600.000 người chết do phải chịu sự phơi nhiễm với khói thuốc lá một cách thụ động. 
 
Đối với Việt Nam, theo những con số đã được cơ quan chức năng công bố, nước ta hiện đang nằm trong nhóm 15 quốc gia có số lượng người hút và nghiện hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới. Ước tính với số người trong độ tuổi khoảng từ 15 tuổi trở lên, trung bình cứ 2 nam giới sẽ lại có 1 người hút thuốc. 
 
Đáng buồn hơn khi phần lớn người hút thuốc thường bắt đầu hút từ khi còn rất trẻ (khoảng 56% số người hút thuốc ở nước ta bắt đầu hút trước tuổi 20). Đây đều là đối tượng trong độ tuổi sung sức, là lao động chủ yếu trong mỗi gia đình. Do đó, tỷ lệ hút thuốc lá cao đã gây ra những tác hại về sức khỏe và vấn đề phát triển kinh tế.
 
Với những người trực tiếp hút, khói thuốc lá chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới bệnh ung thư phổi. Không những thế, khói thuốc lá khi bị người hút nhả ra ngoài môi trường còn làm ô nhiễm không khí. Từ đó, ngay cả đối với những người không hút thuốc như: Người cao tuổi, phụ nữ, trẻ em, người có bệnh về hô hấp hoặc bệnh tim… cũng sẽ chịu sự tác động của khói thuốc và rất dễ gây ra các bệnh về lao, phổi. Tình trạng này còn gọi là hút thuốc lá thụ động, hoặc hút thuốc không tự nguyện, ô nhiễm khói thuốc lá. Theo điều tra toàn cầu về thực trạng sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành, nước ta hiện có khoảng 53,3% số người dù không hút thuốc lá nhưng vẫn đang bị phơi nhiễm khói thuốc lá trong gia đình; có 36,8% thì bị phơi nhiễm khói thuốc lá trong những tòa nhà hay tại nơi làm việc. Ước tính mỗi năm, nước ta đang có khoảng 40.000 người tử vong vì thuốc lá. 
 
Một nghiên cứu khoa học cho rằng, 87% số người thử hút thuốc lá và đã nghiện. Có nhiều nguyên nhân, chủ quan và khách quan của vấn đề này. Trước hết là do trong khói thuốc có chứa chất nicotine là một chất gây nghiện mạnh không kém gì heroin. Chất này cũng là nguyên nhân chính khiến cho người hút thuốc bị nghiện và dần dần sẽ chịu sự lệ thuộc vào thuốc lá. Ngoài ra, cho dù được khẳng định là có tới hơn 7.000 chất độc hại, nhưng những chất này hoàn toàn không hiện hữu trước mắt người hút thuốc. Tại Việt Nam, thuốc lá hiện vẫn được bày bán khắp nơi với mức giá vô cùng đa dạng, từ bình dân giá rẻ cho tới những loại thuốc lá nhập khẩu đắt tiền. Theo WHO, giá thuốc lá bán tại Việt Nam nằm trong số 15 nước thấp nhất thế giới, phổ biến dưới mức 20.000 đồng/bao. Vì thế, bất cứ người nghiện hút thuốc nào cũng có thể dễ dàng tìm mua để sử dụng. Đây là một trong những nguyên nhân khiến số lượng người hút thuốc lá còn cao và tỷ lệ người hút thuốc giảm chậm lại qua từng năm. 
 
Hiện trên thị trường cũng đã xuất hiện các loại thuốc lá dạng mới với các chủng loại vô cùng phong phú và hình thức bắt mắt như: Thuốc lá điện tử, xì gà điện tử, tẩu điện tử, shisha, thuốc lá làm nóng… Đáng tiếc, có một bộ phận giới trẻ đã và đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ những vấn đề tiêu cực này của xã hội, họ thường chạy theo lối sống hưởng thụ được cho là hợp thời, sành điệu…
 
Trước thực trạng trên, Chính phủ và Quốc hội nước ta đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành cùng chung tay triển khai hiệu quả các biện pháp nhằm giảm thiểu tác hại của thuốc lá. Trong đó, quan trọng nhất là sự ra đời của Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá, có hiệu lực thi hành từ năm 2013. Luật gồm có 5 Chương, 35 Điều, quy định về các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, biện pháp kiểm soát nguồn cung cấp thuốc lá, điều kiện đảm bảo để phòng, chống tác hại của thuốc lá. Vấn đề còn lại là các cấp, các ngành cần phải thực thi nghiêm Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá để góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe Nhân dân.
 
Công tác phòng, chống thuốc lá mặc dù đã được hiện thực hóa thành Luật nhưng để triển khai được Luật trong đời sống vẫn còn nhiều bất cập. Cụ thể như: Việc vi phạm hút thuốc lá tại nơi công cộng vẫn rất phổ biến do việc làm này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và bất chợt; người có thẩm quyền xử phạt ít, trong khi người vi phạm lại đông, diễn ra trên địa bàn rộng.Ngoài ra, lực lượng xử lý theo Luật chỉ có một số chức danh giới hạn theo quy định gồm: Thanh tra Sở Y tế, công an, quản lý thị trường... hoặc về phía địa phương cũng chỉ có chủ tịch UBND các cấp, thanh tra, công an mới có thẩm quyền xử phạt.
 
Thời gian tới, các cấp, các ngành, đoàn thể cùng các tổ chức chính trị xã hội cần tăng cường việc giám sát, đánh giá thường xuyên hiệu quả hoạt động trong phòng, chống tác hại của thuốc lá. Đồng thời, tăng cường việc thực hiện, duy trì xây dựng các mô hình “không khói thuốc lá” tại các cơ quan, đơn vị; nâng cao ý thức chấp hành nghiêm Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá của người dân. 
 
THỤY HỢP (CDC LÂM ĐỒNG)