Dấu ấn văn hóa Chăm Pa tại Próh

06:12, 17/12/2020

Mặc dù chỉ còn là phế tích nhưng di tích kiến trúc Chăm Pa ở Próh (xã Próh, huyện Đơn Dương) đã hé lộ cho người đời sau nhận diện các dấu ấn văn hóa Chăm Pa, cũng như minh định những đóng góp của thành tố văn hóa này trên miền đất Chu Ru.

Mặc dù chỉ còn là phế tích nhưng di tích kiến trúc Chăm Pa ở Próh (xã Próh, huyện Đơn Dương) đã hé lộ cho người đời sau nhận diện các dấu ấn văn hóa Chăm Pa, cũng như minh định những đóng góp của thành tố văn hóa này trên miền đất Chu Ru.
 
Di tích kiến trúc đền tháp Chăm Pa tại thôn Đông Hồ
Di tích kiến trúc đền tháp Chăm Pa tại thôn Đông Hồ
 
Nơi thờ phụng của người Chăm
 
Ông Tou Prong Cường, cựu Chủ tịch UBND xã Próh, kể rằng: Trước khi Viện Khảo cổ thám sát, phát hiện, rồi tiến hành khai quật, người dân sống gần di tích kiến trúc Chăm Pa tại Próh vẫn bảo cứ mỗi lần trời mưa họ lại ngửi thấy mùi trầm hương từ dưới lòng đất bốc lên. Quanh khu vực này, người dân địa phương cũng thấy có các loại gạch chưa nung qua lửa. “Tôi không nhớ cụ thể nó là năm nào, chỉ biết trong khoảng thời gian từ năm 1978 đến năm 1980, một người Kinh đi kinh tế mới vô tình đào trúng di tích kiến trúc Chăm Pa. Sau đó, Viện Khảo cổ tiến hành cuộc điều tra thám sát vào năm 1998, phát hiện ở Próh có hai di tích kiến trúc Chăm Pa, một di tích nằm phía Tây hồ Próh và một di tích nằm phía Đông hồ Próh. Năm 1999, qua quá trình khai quật, các nhà khảo cổ thu được một số hiện vật tại hai di tích kiến trúc Chăm Pa như miếng vàng lá, đá saphia và một số đồ trang sức”, ông Tou Prong Cường cho biết.
 
Theo ông Tou Prong Cường, di tích kiến trúc Chăm Pa nằm ở phía Đông hồ Próh, nay thuộc địa phận hành chính thôn Đông Hồ. Di tích mang dấu ấn của kiến trúc đền tháp Chăm Pa, được xây bằng gạch không nung, có bình đồ hình chữ nhật. Di tích kiến trúc Chăm Pa tại thôn Đông Hồ có chiều dài khoảng 17 m và chiều rộng khoảng 5 m, nằm trên một gò đất rộng, cao khoảng 10 m (tính cả phần âm và phần dương) so với mặt bằng đất canh tác. Mặt của di tích hướng về phía Đông. “Năm 1977, trong lúc đào móng định làm nhà thì gia đình tôi tình cờ phát hiện ra di tích của người Chăm Pa. Năm 1979, gia đình tôi nhận được lời đề nghị của một người muốn đổi mảnh đất nơi di tích kiến trúc Chăm Pa đang án ngự bằng một con trâu và một chiếc máy cày, nhưng tôi không đồng ý. Thế là di tích bị đào trộm hai lần. Thời gian sau, xã Próh cho làm hàng rào và dựng mái che để bảo vệ di tích”, bà Ma Plák, chủ nhân mảnh đất có di tích kiến trúc Chăm Pa tại thôn Đông Hồ, chia sẻ.
 
Di tích kiến trúc Chăm Pa tại khu vực phía Tây hồ Próh cũng là dạng kiến trúc đền tháp, có bình đồ hình chữ nhật, được người Chăm xây dựng theo mô hình ngẫu tượng Yoni. Đền tháp này, nằm trên một gò đất cao khoảng 2 m so với mặt bằng đất canh tác. Các di vật thu được trong quá trình khảo cổ bao gồm chân đèn thờ, âu gốm, đĩa gốm, bi gốm, chóp trụ trang trí bằng gốm... Đặc biệt, tại di tích kiến trúc Chăm Pa phía Đông hồ Próh, các nhà khảo cổ còn phát hiện một hộp gốm, một bình sứ tráng men, một đôi bông tai bằng vàng và một số mảnh vàng lá, khối bạc cùng các mảnh đá quý, dọi xe chỉ, tinh thể đá saphia.
 
Bà Touneh Nai Chanh, một trí thức người Chu Ru, người tham gia làm từ điển tiếng Việt - tiếng Chu Ru, bảo: “Thường thì người Chăm Pa đi đến đâu họ xây đền tháp tới đó. Việc người Chăm Pa xây dựng các đền tháp tại Próh cũng không ngoài mục đích làm nơi thờ phụng”.
 
Mở hướng cho du lịch văn hóa
 
Theo nhận định của các nhà khảo cổ, hai di tích kiến trúc Chăm Pa tại Próh có khá nhiều điểm tương đồng với các di tích kiến trúc đã xuất lộ ở Thánh địa Cát Tiên, di tích đã được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt vào năm 2014. Di tích kiến trúc Chăm Pa và Thánh địa Cát Tiên đều xây ở dạng đền tháp, kiến trúc đặc trưng của cư dân theo Bà La Môn giáo (Brahman). Các nhà khảo cổ học cho rằng, di tích kiến trúc Chăm Pa tại Próh có niên đại khoảng thế kỷ XII đến thế kỷ XIV?
 
Qua quan sát thực địa có thể thấy, người Chăm Pa đã tận dụng triệt để điều kiện tự nhiên sẵn có như thế núi hình sông để xây dựng các đền tháp tương đối quy mô. Tuy nhiên, vì xây dựng ở thời điểm khoa học về kiến trúc còn hạn chế, dẫn đến việc xây trùng mạch, thiếu các vật liệu kết dính khác. Cùng với đó, vật liệu gạch lại chưa nung qua lửa, gây nên tình trạng đền tháp nhanh xuống cấp, độ bền kiến trúc không cao. Mặc dù vậy, những dấu ấn văn hóa Chăm Pa tại Próh chính là những giá trị quý báu cần được bảo tồn, gìn giữ và phát huy.
 
Ông Phùng Quốc Minh, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đơn Dương, thông tin thêm: Hiện, dự án Bảo tồn Văn hóa Chu Ru đang được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng đầu tư tại Khu Du lịch Sơn Uyên, với tổng diện tích 1,4 ha trên một ngọn đồi độc lập nhìn về phía hồ Próh. Dự án gồm các hạng mục nhà trưng bày, nhà trình diễn làng nghề truyền thống, nhà nghỉ dưỡng và không gian sinh hoạt cộng đồng... Sau khi hoàn thành, nơi đây sẽ là nơi thu hút du khách đến tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa Chu Ru, bên cạnh tham quan di tích kiến trúc Chăm Pa phía Đông hồ Próh và di tích kiến trúc Chăm Pa phía Tây hồ Próh.
 
TRỊNH CHU