Ghi nhận từ hoạt động xuất khẩu lao động

10:12, 03/12/2020

Triển khai thực hiện Chỉ thị 1737/CT-TTg của Chính phủ, việc bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam di cư ra nước ngoài trong tình hình hiện nay ngày càng được quan tâm...

Triển khai thực hiện Chỉ thị 1737/CT-TTg của Chính phủ, việc bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam di cư ra nước ngoài trong tình hình hiện nay ngày càng được quan tâm. Tại Lâm Đồng, triển khai thực hiện Chỉ thị này, hoạt động di cư của công dân Việt Nam ra nước ngoài ngày càng được siết chặt; đồng thời, Tỉnh ủy, HĐND, UBND đã chú trọng chỉ đạo đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) nhằm mục đích xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững; chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng nguồn lao động, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra.
 
Nhiều lao động đã tìm được cơ hội XKLĐ tại các nước thông qua các phiên giao dịch việc làm do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức hàng năm
Nhiều lao động đã tìm được cơ hội XKLĐ tại các nước thông qua các phiên giao dịch việc làm do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức hàng năm
 
Để cụ thể hóa chủ trương của Đảng về đổi mới cơ chế, chính sách XKLĐ, trong thời gian qua, ngoài việc Quốc hội, Chính phủ, Bộ, ngành đã ban hành luật, nghị định, thông tư kịp thời điều chỉnh những phát sinh trong quan hệ liên quan đến XKLĐ; HĐND, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã kịp thời ban hành nhiều chính sách, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác XKLĐ. Cụ thể như: Quyết định 16/2010/QĐ-UBND quy định cho vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; Quyết định số 44/QĐ-UBND phê duyệt cho vay vốn đi XKLĐ bằng nguồn vốn địa phương đối với gia đình nghèo, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, bộ đội xuất ngũ; Quyết định số 38/2011/QĐ-UBND về việc ban hành một số chính sách hỗ trợ XKLĐ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; Nghị quyết số 79/2018/NQ-HĐND của Hội đồng Nhân dân tỉnh Lâm Đồng quy định các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng được vay vốn từ nguồn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội...
 
Cùng đó, nhận thức được tầm quan trọng và hiệu quả của XKLĐ trong công tác giải quyết việc làm tại địa phương, hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh thường xuyên phối hợp với các ngành, các cấp thực hiện đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về XKLĐ với nhiều hoạt động thiết thực như: Thường xuyên phổ biến các chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước trên các phương tiện thông tin đại chúng để người lao động nắm được, tránh các thông tin thất thiệt từ các tổ chức, cá nhân lợi dụng hoạt động XKLĐ để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người lao động. Tăng cường quảng bá, giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng về tác dụng tích cực của XKLĐ đối với công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm. Đồng thời, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp XKLĐ có khả năng, uy tín mở chi nhánh, văn phòng tư vấn tại địa phương để tư vấn, tuyển chọn lao động. Bên cạnh đó, cấp huyện, xã sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, phối hợp với các doanh nghiệp XKLĐ và các đơn vị cung ứng tuyển chọn, đưa được nhiều người của tỉnh đi XKLĐ; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, doanh nghiệp trong việc tạo nguồn lao động, làm tốt công tác bồi dưỡng kiến thức cần thiết, dạy nghề, ngoại ngữ cho người lao động; tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ XKLĐ, cũng như lồng ghép có hiệu quả các chính sách hỗ trợ việc làm của Nhà nước để khuyến khích người lao động, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia hoạt động XKLĐ...
 
Nhờ triển khai thực hiện tốt các chính sách trên, mỗi năm Lâm Đồng có từ 20-30 doanh nghiệp có chức năng XKLĐ từ các tỉnh, thành khác về phối hợp với các huyện, thành phố trong tỉnh để tuyển lao động đưa đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Trong 10 năm qua, số lao động đưa đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài trên địa bàn tỉnh là hơn 15 ngàn người; số lao động đã đi làm việc ở nước ngoài là 6.034 người (trong đó huyện nghèo đưa đi 275 người). Trong đó, một số quốc gia có nhiều người lao động trên địa bàn tỉnh đi XKLĐ có thể kể đến như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia, Singapore, Nga... Lương và thu nhập khác của người lao động ở nước ngoài cao hơn khá nhiều so với mức lương trung bình trên địa bàn tỉnh; thu nhập của một số lao động tại các nước Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc cao gấp 7-9 lần so với thu nhập trước khi đi làm việc ở nước ngoài. Nguồn thu nhập kiều hối từ lực lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài có xu hướng gia tăng qua các năm, đóng góp tỷ trọng lớn trong tổng lượng kiều hối chuyển về địa phương.
 
Kết quả này đã góp phần tích cực trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới, tạo sự ổn định về an ninh, chính trị, xã hội tại địa phương. Đồng thời, các lao động đi lao động có thời hạn trở về nước đều có một khoản thu nhập nhất định để tiếp tục tổ chức sản xuất hoặc mua sắm tài sản, xây dựng nhà cửa khang trang, có kinh nghiệm làm ăn, việc làm ổn định. Ngoài ra, trong quá trình làm việc ở nước ngoài, người lao động còn tiếp thu được một số những mặt tích cực như: nâng cao tay nghề, trình độ ngoại ngữ, tác phong làm việc công nghiệp... Chính vì vậy, để tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động sau khi về nước, cũng như phát huy nguồn nhân lực thế mạnh tại địa phương, những năm qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tích cực tuyên truyền, thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ khởi nghiệp và tìm việc làm cho lao động có nhu cầu. Mặt khác, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp giúp đỡ người đi XKLĐ khi về nước như: bảo đảm cho vay hỗ trợ sản xuất, kết nối doanh nghiệp, chủ động mở các phiên giao dịch việc làm, ngày hội nghề nghiệp, khảo sát nhu cầu về vị trí công việc, thời gian, chế độ ưu đãi của doanh nghiệp để kết nối thông tin với người lao động; rà soát, nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của người lao động để giới thiệu cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
 
Có thể thấy rằng, mặc dù còn gặp một số khó khăn và hạn chế, nhưng trong thời gian qua, sự phát triển của hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đã có tác động tích cực đến một bộ phận dân cư. Hoạt động này đã tạo cơ hội việc làm cho người lao động, nhất là các đối tượng chính sách, các gia đình khó khăn, từ đó góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng nông thôn mới, cũng như góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định tình hình chính trị trên địa bàn tỉnh.
 
NHẬT MINH