Thị trường thực phẩm Halal toàn cầu - Cơ hội và thách thức đối với Lâm Đồng

06:12, 30/12/2020

Với 2.300 tỷ USD doanh thu mỗi năm, thị trường Halal cung cấp các sản phẩm và dịch vụ hợp chuẩn cho người Hồi giáo, mang lại cơ hội lớn cho doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu Halal...

Với 2.300 tỷ USD doanh thu mỗi năm, thị trường Halal cung cấp các sản phẩm và dịch vụ hợp chuẩn cho người Hồi giáo, mang lại cơ hội lớn cho doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu Halal. Xoay quanh vấn đề này, phóng viên Báo Lâm Đồng đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn công tác của UBND tỉnh vừa trở về từ diễn đàn “Tiềm năng thị trường thực phẩm Halal toàn cầu và cơ hội đối với Việt Nam”. 
 
Đồng chí Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh
Đồng chí Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh
Phóng viên: Xin đồng chí cho biết nội dung và ý nghĩa của diễn đàn “Tiềm năng thị trường thực phẩm Halal toàn cầu và cơ hội đối với Việt Nam” nói chung và tỉnh Lâm Đồng nói riêng?
 
Đồng chí PHẠM S: Trong quá trình hội nhập quốc tế, thời gian qua nhiều bộ, ngành Trung ương tổ chức nhiều hội thảo khoa học, diễn đàn quốc tế, nhằm quảng bá, xúc tiến thương mại tiêu thụ thực phẩm tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, trong đó, có diễn đàn “Tiềm năng thị trường thực phẩm Halal toàn cầu và cơ hội đối với Việt Nam”. Đây là sự kiện quan trọng mang tính toàn cầu, lần đầu tiên Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng tổ chức, nhằm nâng cao nhận thức về tiềm năng thị trường thực phẩm Halal, tầm quan trọng của chứng nhận Halal và các biện pháp giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia hiệu quả vào thị trường thực phẩm Halal toàn cầu. 
 
Với nội dung và ý nghĩa của diễn đàn rất quan trọng, do đó, diễn đàn có sự tham gia đông đảo của nhiều tổ chức quốc tế, khu vực, ngoại giao đoàn, đại diện bộ, ban, ngành, địa phương và các doanh nghiệp Việt Nam, quốc tế... thể hiện sự quan tâm và nhu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp cũng như quyết tâm của các bộ, ban, ngành và địa phương trong hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và tham gia sâu vào chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm nói chung và thực phẩm Halal nói riêng, trên phạm vi toàn cầu.
 
Hiện nay trên thế giới có khoảng 2 tỷ người Hồi giáo với mức chi tiêu cho thực phẩm Halal năm 2020 là 1.400 tỷ USD; dự báo sẽ tăng hơn 10 lần lên tới 15.000 tỷ USD vào năm 2050. Nhu cầu về sản phẩm Halal gia tăng mạnh không chỉ vì sự tăng nhanh của dân số Hồi giáo mà còn phản ánh xu hướng nhiều người không theo đạo Hồi ở những nền kinh tế lớn như: Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, EU… Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp Lâm Đồng nói riêng. 
 
Lâm Đồng có nhiều nông sản quy mô lớn, khả năng cạnh tranh cao tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Thông qua diễn đàn quan trọng này, chúng tôi có cuộc trao đổi, hợp tác và giới thiệu tiềm năng nông sản, thực phẩm Lâm Đồng cho các đối tác thị trường Halal; đồng thời, thông qua diễn đàn chúng tôi cũng nắm bắt các thông tin mang tính toàn cầu để định hướng sản xuất nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng tiếp tục phát triển bền vững trong thời gian tới.
 
Phóng viên: Những cơ hội nào cho các sản phẩm của Lâm Đồng đối với thị trường theo tiêu chuẩn Halal, thưa đồng chí?
 
Đồng chí PHẠM S: Với tiềm năng lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu nên Lâm Đồng trở thành tỉnh đứng đầu cả nước về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong thời gian qua, Lâm Đồng đã thực hiện tốt các quy hoạch và ứng dụng khoa học công nghệ khai thác ngưỡng đội trần về năng suất cây trồng, vật nuôi.
 
Trong những năm qua đẩy mạnh hợp tác công tư trong đầu tư phát triển nông nghiệp, các lĩnh vực nào xã hội hóa được thì tập trung đẩy mạnh hợp tác công tư. Nhiều hình thức liên kết sản xuất bền vững giữa nhóm hộ nông dân với các công ty đầu tư nước ngoài; doanh nghiệp với hợp tác xã; doanh nghiệp quy mô nhỏ với doanh nghiệp quy mô lớn... theo chuỗi giá trị nông sản an toàn được chuẩn hóa theo các chứng nhận quốc gia và quốc tế.
 
Nhiều kết quả nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp từng bước tiếp cận trình độ các nước trong khu vực và thế giới; là một trong những địa phương hợp tác quốc tế rất mạnh mẽ; thông qua đó thu hút các dự án FDI và ODA, góp phần thúc đẩy nông nghiệp của tỉnh Lâm Đồng phát triển.
 
Ngoài ra, thời gian qua, Lâm Đồng tiến hành đồng bộ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ quy mô hàng hóa và trở thành địa phương rất ít trong cả nước có nhiều nông sản tham gia chuỗi giá trị toàn cầu mà trong đó có thị trường Halal như: cà phê, chè, điều, rau, dược liệu, tơ lụa, sữa và mắc ca… Ngày càng có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với trình độ canh tác cao và an toàn thực phẩm, đã có những doanh nghiệp được chứng nhận Halal; đến nay toàn tỉnh có 10 doanh nghiệp được công nhận doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
 
Lâm Đồng cũng đã đầu tư xây dựng và phát triển thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” với 4 sản phẩm gồm: rau, hoa, cà phê arabica và du lịch canh nông của Đà Lạt - Lâm Đồng. Có thể khẳng định rằng thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” được xác định như một chứng nhận rất có ý nghĩa mang giá trị thương mại cao. Từ đó, tạo bước nhảy vọt trong quá trình xây dựng uy tín, khẳng định chất lượng vượt trội của các mặt hàng nông sản thế mạnh của tỉnh Lâm Đồng tham gia thị trường Halal trong tương lai.
 
Chè của Lâm Đồng là một trong những mặt hàng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu Halal
Chè của Lâm Đồng là một trong những mặt hàng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu Halal
 
Phóng viên: Thưa ông! Song song với cơ hội nêu trên thì nông sản Lâm Đồng gặp phải những thách thức nào và các giải pháp nào biến thách thức trở thành cơ hội để khai thác thị trường đầy tiềm năng này trong thời gian tới?
 
Đồng chí PHẠM S: Là tỉnh có vùng nguyên liệu lớn song tỷ lệ chế biến còn thấp, chỉ khoảng 13%; tổng lượng xuất khẩu chưa tương xứng với tiềm năng; chi phí logictics vận chuyển nông sản, thực phẩm cao. Quỹ đất công rất hạn chế khi thu hút các nhà đầu tư chiến lược có yêu cầu sản xuất khép kín, chủ động một phần nguyên liệu tổ chức chế biến tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Khả năng hội nhập quốc tế của doanh nghiệp Lâm Đồng chưa sẵn sàng, thậm chí còn lúng túng, mặc dù Việt Nam tham gia Tổ chức Thương mại thế giới từ năm 2007 và cho đến nay Việt Nam đã tham gia 16 hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là hiệp định tự do thế hệ mới CPTPP, EVFTA. Đây là cơ hội lớn cho nông sản, thực phẩm Lâm Đồng, song nhiều doanh nghiệp của tỉnh chưa tiếp cận khai thác; việc nắm bắt thông tin yêu cầu thị trường Halal còn rất mới lạ. Bên cạnh đó, tỷ lệ ứng dụng cơ giới trong sản xuất thấp, quy mô diện tích sản xuất nhỏ là một trong những nguyên nhân dẫn đến giá thành nông sản cao, sức cạnh tranh tham gia chuỗi nông sản toàn cầu còn hạn chế; công tác dự tính dự báo thị trường nông sản chưa kịp thời.
 
Trước những thách thức nêu trên, thời gian tới tỉnh Lâm Đồng cần có các giải pháp mang tính dài hạn, biến thách thức trở thành cơ hội để khai thác thị trường đầy tiềm năng này. Theo đó, Lâm Đồng cần tiếp tục đổi mới quan hệ sản xuất, từng bước chuyển dần kinh tế nông hộ sang kinh tế hợp tác, thực hiện liên kết sản xuất đa chiều; có cơ chế hình thành các hợp tác xã nông nghiệp và liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân và doanh nghiệp với doanh nghiệp, sản xuất theo chuỗi giá trị đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
 
Khẩn trương trong việc đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp để đáp ứng yêu cầu thị trường Halal với các hình thức đào tạo phong phú, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao; song song với đào tạo chính quy từ các trường cao đẳng, đại học, cần có giải pháp đào tạo phát triển đồng bộ nguồn nhân lực với các thành phần tham gia trực tiếp, nâng cao tính cạnh tranh nông sản Việt Nam để chủ động tham gia thị trường Halal đối với cán bộ quản lý nhà nước, doanh nghiệp và nông dân.
 
Trên cơ sở phân tích nêu trên, thời gian tới, Lâm Đồng cần có chiến lược dài hạn, có giải pháp đồng bộ, quyết liệt, cách mạng hơn để nông nghiệp Lâm Đồng phát triển bền vững, hiện đại theo nguyên lý: “Lấy khoa học công nghệ làm khâu đột phá, triển khai đồng bộ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh và nông nghiệp hữu cơ là yêu cầu tất yếu để nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh nông sản, thực phẩm trong quá trình tham gia thị trường Halal”.
 
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí Phó Chủ tịch!
 
HOÀNG YÊN