Tiếp sức cho nhiều học sinh - sinh viên đến trường

07:12, 02/12/2020

Trong nhiều năm nay, Làng trẻ em SOS Ðà Lạt hỗ trợ nhiều trường hợp học sinh - sinh viên có gia cảnh khó khăn trong tỉnh, giúp các em tiếp bước đến trường.

Trong nhiều năm nay, Làng trẻ em SOS Ðà Lạt hỗ trợ nhiều trường hợp học sinh - sinh viên có gia cảnh khó khăn trong tỉnh, giúp các em tiếp bước đến trường.
 
Em Phạm Thị Thanh Nhàn trong phòng trọ của mình
Em Phạm Thị Thanh Nhàn trong phòng trọ của mình
 
Vượt khó vươn lên 
 
Đưa chúng tôi vào thăm chỗ ở, em Phạm Thị Thanh Nhàn, học sinh lớp 7 Trường Trung học cơ sở Lam Sơn - Đà Lạt khá ngại ngùng vì đó là căn phòng nhỏ trong dãy nhà trọ nằm gần khu chợ trên đường Ngô Quyền. 
 
Bố mẹ Nhàn đã ly hôn từ khi em còn rất nhỏ, có gia đình mới và để lại cháu cho bà nội nuôi. Lớn lên vắng thiếu cha mẹ, Nhàn chỉ có bà nội để quấn quít, hằng ngày em đến trường, bà nội đi bán vé số để bà cháu mưu sinh. Có lần trong lúc hai bà cháu đi nhặt phế liệu trên đường, một nhân viên của Đài Truyền hình Lâm Đồng phát hiện, hỏi thăm hoàn cảnh và sau đó giới thiệu cho Làng SOS Đà Lạt. Làng sau đó đã cử nhân viên đến tìm hiểu, đưa Nhàn vào chương trình giúp đỡ chi phí học tập cho em, việc giúp đỡ này duy trì từ lớp 2 đến nay.
 
Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng thành tích học tập của Nhàn ở trường rất tốt, nhiều năm liền em được nhận giấy khen của trường. Hằng ngày bà nội đi bán vé số trên các con đường Đà Lạt, Nhàn đến trường học, tan học em về cùng bà phụ nấu cơm, làm việc nhà và học bài. Ngoài khoản tiền nhận từ chương trình của Làng SOS Đà Lạt, hằng tháng hai bà cháu còn được hỗ trợ thêm một chiếc xe đạp cho em đi học cũng như nhận được gạo hỗ trợ từ các tổ chức thiện nguyện trong thành phố.
 
Trường hợp Nguyễn Hoàng Thắng, người Bảo Lộc, hiện là sinh viên năm 4 ngành Sư phạm Sinh của Trường Đại học Đà Lạt, cũng có gia đình rất khó khăn. Bố mất khi Thắng đang học lớp 12, mẹ bị tai biến mọi sinh hoạt phải phụ thuộc vào người khác. Từ một người quen giới thiệu, Thắng được Làng SOS Đà Lạt hỗ trợ chi phí học tập trong khi còn học trung học phổ thông. Trong năm học phổ thông này, nhờ có thành tích học tập tốt, Thắng đã giành được học bổng Odon Vallet do Làng xem xét với giá trị lớn.
 
Tại bậc đại học, Thắng vẫn tiếp tục được nhận hỗ trợ của Làng và vẫn có thành tích học tập rất tốt. Cả 4 năm đại học, Thắng đều là sinh viên giỏi của trường. Không những thế, Thắng còn tích cực tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học của trường, được Đại học Đà Lạt vinh danh sinh viên tiêu biểu trong nghiên cứu khoa học. 
 
Tiếp bước đến trường
 
Theo ông Trần Bảo Long - Giám đốc Làng trẻ em SOS Đà Lạt, Làng SOS Đà Lạt là một trong 3 tỉnh đầu tiên của cả nước thực hiện chương trình “Hỗ trợ cộng đồng” từ năm 2005 đến nay.
 
Mục tiêu của chương trình hỗ trợ này, như tên gọi “Tăng cường gia đình” nhằm mục đích ngăn chặn trẻ bị bỏ rơi, giúp đỡ tài chính cho những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục đến trường. Tính từ năm 2005, khi SOS Việt Nam khởi động chương trình đầu tiên trên 3 làng Đà Lạt, Đà Nẵng và Vinh, đến nay, theo ông Long, đã có hơn 1.500 trẻ đã và đang được hỗ trợ. 
 
Riêng tại Lâm Đồng, hiện đã có tổng cộng 764 trường hợp được nhận giúp đỡ từ chương trình này của Làng, trong số này có 131 trường hợp đang học đại học, trong đó có 77 trường hợp đã tốt nghiệp đại học. 
 
Theo đó, mỗi trường hợp khi được nhận vào chương trình sẽ được hỗ trợ 300 nghìn đồng/tháng đối với các trẻ dưới 18 tuổi, cứ 3 tháng một lần Làng sẽ trao tiền tận tay các em hoặc gia đình. Với các trường hợp đậu vào đại học công lập, mức hỗ trợ tăng lên 1,1 triệu đồng/tháng. Những năm đầu tiên, tiền hỗ trợ do Tổ chức SOS Việt Nam cung cấp, đến năm 2010, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham gia chương trình này cùng SOS Việt Nam và cấp 50% kinh phí cho Làng thực hiện chương trình.
 
Với Làng SOS Đà Lạt, khi nhận được thông tin về bất cứ trường hợp nào, ông Long cho biết, Làng sẽ tiến hành xem xét cẩn thận trước khi đưa vào chương trình hỗ trợ. Bên cạnh hỗ trợ tiền học, hằng năm Làng còn tổ chức các hoạt động cung cấp kỹ năng sống, tìm học bổng cho trẻ, giới thiệu các em tham gia hướng nghiệp; khám sức khỏe định kỳ cho cả thân nhân và trẻ, hỗ trợ thêm máy tính và dụng cụ học tập, hỗ trợ xe đạp để trẻ đến trường. 
 
Theo chị Trần Thị Lâm Viên - chuyên viên phụ trách chương trình, các nhân viên chuyên trách của Làng như chị định kỳ thời gian trong năm đến thăm gia đình các em ít nhất một lần, đồng thời cập nhật thông tin từng trường hợp theo định kỳ 6 tháng.
 
Đặc biệt, theo Làng SOS Đà Lạt, chương trình không chỉ giúp đỡ các em đến trường mà còn nhắm đến giúp đỡ gia đình các em. “Chương trình không những cấp hỗ trợ cho trẻ đến trường mà còn tìm cách phát triển sinh kế cho gia đình các em, mỗi gia đình có thể vay vốn đến 20 triệu đồng/hộ, không lãi suất cho những phương án sản xuất. Nếu gia đình không thể thoát nghèo, Làng sẽ xem xét và đưa ra các phương án mới cho đến khi thấy có hiệu quả” - ông Long nhấn mạnh.
 
 THÙY DUNG - GIA KHÁNH