Đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số

06:01, 05/01/2021

Trong những năm qua, huyện Đức Trọng đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó, đời sống vật chất và tinh thần của bà con được nâng lên, bộ mặt nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng khởi sắc.

Trong những năm qua, huyện Đức Trọng đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó, đời sống vật chất và tinh thần của bà con được nâng lên, bộ mặt nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng khởi sắc.
 
Đồng chí Nguyễn Ngọc Phúc - TUV, Bí thư Huyện ủy Đức Trọng và đồng chí Lê Công Tuấn - Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đức Trọng, trao học bổng cho học sinh hiếu học Trường PTDT Nội trú - THCS huyện Đức Trọng
Đồng chí Nguyễn Ngọc Phúc - TUV, Bí thư Huyện ủy Đức Trọng và đồng chí Lê Công Tuấn - Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đức Trọng, trao học bổng cho học sinh hiếu học Trường PTDT Nội trú - THCS huyện Đức Trọng
 
Dân số hiện nay của huyện Đức Trọng là 186.974 người, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 33,4% với 21 dân tộc anh em cùng đoàn kết chung sống, tạo nên bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng. 
 
 Để chăm lo phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, UBND huyện Đức Trọng đã ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020; thực hiện đề án giải quyết đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo ở các xã, các thôn đặc biệt khó khăn.
 
Qua triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư, nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và nâng cao đời sống mọi mặt của Nhân dân. 
 
Về giao thông, đã có 184,5 km đường trục xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; 133,3 km đường liên thôn được cứng hóa. Về thủy lợi, đã làm mới và sửa chữa 60 công trình thủy lợi, giúp tăng hơn 900 ha được cung cấp nước, đưa diện tích đất nông nghiệp được tưới tiêu chủ động đạt 80%. Các công trình hồ đập đầu mối đảm bảo chất lượng; các công trình thủy lợi vừa và nhỏ được nâng cấp, tu bổ thường xuyên, đạt 82% năng lực thiết kế, giúp phát huy tác dụng cung cấp nguồn nước tưới trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
 
Hệ thống điện lưới cao áp có chiều dài khoảng 230 km, đảm bảo cung cấp đủ điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho khu vực nông thôn. 100% các thôn, tổ dân phố có điện lưới quốc gia; 99,5% hộ đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng điện. UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương khảo sát thực hiện dự án nhà máy điện gió tại các xã Tà Hine, Đà Loan, Tà Năng với công suất khoảng 130 MW.
 
Bên cạnh đó, các chương trình, mục tiêu, chính sách phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số được huyện Đức Trọng triển khai đạt nhiều kết quả thông qua việc hỗ trợ vốn vay ưu đãi, giống, phân bón, hỗ trợ đất ở, đất sản xuất; trợ cấp xã hội cho học sinh - sinh viên dân tộc thiểu số đang theo học các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp; tổ chức dạy nghề, giới thiệu việc làm...
 
Trong lĩnh vực văn hóa - giáo dục, 100% các trường học công lập có cơ sở vật chất và trang bị đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng tốt yêu cầu dạy và học. Cơ sở hạ tầng trường lớp tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều chuyển biến tích cực; 100% các trường có nguồn nước sạch hợp vệ sinh, có sân chơi, bãi tập. 15/15 xã, thị trấn đã hoàn thành chương trình giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt chuẩn mức độ 2 chương trình xóa mù chữ, đạt chuẩn mức độ 3 chương trình phổ cập giáo dục tiểu học. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 85,2%; 15/15 trạm y tế xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia... Tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2020 toàn huyện Đức Trọng còn 0,6%, trong đó tỉ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số còn 1,5%, tình trạng thiếu đói đã không còn xảy ra.
 
Cùng với việc nâng cao đời sống vật chất, huyện Đức Trọng cũng đã chú trọng đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc. Các di sản văn hóa phi vật thể, các loại hình nghệ thuật dân gian, truyền thống được sưu tầm, bảo tồn, phát triển trên diện rộng. Nhiều lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc được tổ chức; tuyên truyền, xóa bỏ các hủ tục như nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, mê tín dị đoan... Việc ngăn ngừa tệ nạn xã hội xâm nhập vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện có hiệu quả. Phát huy vai trò tích cực của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong công tác vận động bà con chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chăm lo phát triển kinh tế gia đình, nuôi dạy con cháu, tham gia tốt các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động. Ông K’Rốt (xã Tà Hine) vui mừng nói: “Thời gian gần đây đời sống của bà con nhân dân chúng tôi đã thay đổi rất nhiều; điện đã vào tận từng ngõ xóm, đường sá cũng khang trang hơn... Bà con chúng tôi ơn Đảng rất nhiều!”.
 
Với sự quan tâm của địa phương cùng sự nỗ lực vươn lên của bà con Nhân dân các dân tộc, đến nay, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng phát triển, đời sống của bà con từng bước được cải thiện; người dân tích cực tham gia xây dựng và phát triển địa phương, chung tay giữ vững khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn.
 
NHẬT MINH