Đam Rông: Giáo dục mầm non trước áp lực sĩ số tối đa trong lớp học

06:02, 26/02/2021

Năm học 2020-2021, bậc học mầm non trên địa bàn huyện Đam Rông có 3.555 cháu/104 nhóm, lớp...

Năm học 2020-2021, bậc học mầm non trên địa bàn huyện Đam Rông có 3.555 cháu/104 nhóm, lớp. Trong đó, hệ thống công lập có 98 nhóm, lớp; tư thục 4 nhóm, lớp; nội trú gia đình 2 nhóm, lớp. Tuy nhiên, tại nhiều điểm trường mầm non, nhà trường phải nhận quá chỉ tiêu dẫn đến quá tải ở các nhóm, lớp, độ tuổi, dẫn đến việc chăm sóc, nuôi dạy, đảm bảo an toàn cho trẻ trở thành áp lực của nhiều nhà trường.
 
Tuy số lượng giáo viên/lớp vẫn đảm bảo, nhưng việc nhiều trường mầm non tại Đam Rông có sĩ số/lớp quá đông như hiện nay sẽ làm cho việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ gặp rất nhiều khó khăn, vất vả cho đội ngũ giáo viên
Tuy số lượng giáo viên/lớp vẫn đảm bảo, nhưng việc nhiều trường mầm non tại Đam Rông có sĩ số/lớp quá đông như hiện nay sẽ làm cho việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ gặp rất nhiều khó khăn, vất vả cho đội ngũ giáo viên
 
Trường Mầm non xã Đạ Rsal, nhiều năm nay quá tải ở tất cả các nhóm, lớp tại điểm trường chính. Học sinh phải học chật chội gấp 1,5-2 lần so với quy định trong các phòng học, sinh hoạt, sân chơi cũng bị hạn chế. Đây là khó khăn lớn, nhất là đối với các trường có quy mô học sinh tăng, đòi hỏi sự nỗ lực của ngành giáo dục và chính quyền địa phương để giảm quá tải, nâng cao chất lượng dạy - học.
 
Năm học 2020-2021 tiếp tục là năm nhà trường đối mặt với áp lực quá tải. Cô Hồ Thị Hải - Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Năm học này, Trường Mầm non Đạ Rsal có 610 cháu mầm non, được phân chia thành 16 nhóm, lớp. Trung bình, mỗi nhóm, lớp mầm non hiện có hơn 38 cháu. Riêng tại điểm trường chính ở trung tâm xã, nhiều năm nay tất cả các nhóm, lớp đều quá tải so với quy định ở Thông tư liên tịch 06 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ. 
 
Cụ thể, nhóm nhà trẻ quy định chỉ có 25 cháu trên lớp, thì tại trường có đến hơn 30 cháu; nhóm trẻ 5 tuổi quy định 25-30 cháu/lớp, thì nhà trường có những lớp lên đến 47 cháu. Tuy số lượng giáo viên tính trên đầu lớp tại nhà trường hiện đủ với 2 giáo viên/lớp, nhưng việc có quá đông học sinh trong một diện tích lớp chật hẹp như hiện nay làm cho việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ gặp rất nhiều khó khăn và thực sự vất vả cho đội ngũ giáo viên.
 
Theo cô Hải, như nhiều năm trước đây thì nhà trường phải đi vận động để có đủ học sinh đến học, nhưng vài năm gần đây, do trình độ dân trí phát triển và đặc biệt là điều kiện cơ sở vật chất trường lớp, đội ngũ giáo viên đạt chuẩn thì số học sinh nhập học quá đông, dẫn đến tình trạng quá tải. “Thú thực, chúng tôi đang rất lo nếu sĩ số học sinh trên lớp ngày càng tăng, mà từ chối thì không được. Bởi đây là con, em địa phương trên địa bàn xã, tâm lý chung của phụ huynh là lựa chọn điểm trường chính, thuận tiện cho việc đi lại” - cô Hải chia sẻ thêm. 
 
Tương tự, tại xã Đạ K’Nàng, năm học 2020 - 2021, Trường Mầm non Đạ K’Nàng có 555 cháu/14 nhóm, lớp, trung bình mỗi lớp gần 40 cháu. Còn tại Trường Mầm non Đạ Tông cũng đang có 545 cháu/14 nhóm, lớp, trung bình mỗi lớp gần 39 cháu. Tình trạng quá tải bậc học mầm non, nhất là vấn đề đảm bảo sĩ số/lớp cũng là nỗi lo chung của các trường mầm non trên địa bàn huyện Đam Rông. 
 
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo, phụ trách bậc học mầm non huyện Đam Rông cho biết: Trong năm học 2020-2021, bậc học mầm non huyện Đam Rông có 3.555 cháu/104 nhóm, lớp, trung bình mỗi nhóm, lớp có hơn 34 cháu. 
 
Đối với nhóm trẻ từ 3-36 tháng tuổi, Thông tư quy định số trẻ trong một nhóm chỉ có 15 trẻ từ 3-12 tháng tuổi; nhóm trẻ từ 13-24 tháng chỉ được có 20 trẻ trong một nhóm và nhóm trẻ từ 25-36 tháng tuổi chỉ được có tối đa 25 trẻ trong một nhóm. Đối với lớp mẫu giáo có trẻ từ 3-6 tuổi, Thông tư cũng quy định rõ số lượng trẻ tối đa theo từng độ tuổi như lớp mẫu giáo 3-4 tuổi chỉ có tối đa 25 trẻ; lớp mẫu giáo 4-5 tuổi chỉ có tối đa 30 trẻ và lớp mẫu giáo 5-6 tuổi chỉ có tối đa 35 trẻ.
 
Khi nhóm trẻ, lớp mẫu giáo có một trẻ khuyết tật học hòa nhập thì sỹ số của nhóm, lớp được giảm năm trẻ và mỗi nhóm, lớp không được có quá hai trẻ khuyết tật. Đồng thời, việc bố trí giáo viên đứng lớp cũng phải đáp ứng 2,5 giáo viên/nhóm trẻ; bố trí 2,2 giáo viên/lớp đối với lớp mẫu giáo học 2 buổi/ngày và tối đa 1,2 giáo viên/lớp đối với lớp mẫu giáo học 1 buổi/ngày. 
 
Như vậy, theo quy định trên, khi bố trí lớp học, các trường phải sắp xếp số lượng trẻ và giáo viên đúng theo quy định và đây là mức tối đa trường có thể sắp xếp chứ không được vượt mức số lượng trẻ và số lượng giáo viên trong một lớp. Trong khi đó, nhiều trường mầm non tại huyện Đam Rông đang có sĩ số học sinh vượt xa quy định. Đặc biệt là tại các điểm trường chính, trung tâm xã, còn tại các điểm lẻ, vấn đề sĩ số học sinh ít áp lực hơn. 
 
Theo bà Thủy, áp lực về sĩ số đồng nghĩa với việc các nhà trường phải đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên, quá tải về sĩ số/ lớp học, quá tải về cơ sở vật chất trường lớp và đội ngũ giáo viên thì gặp nhiều khó khăn, vất vả, lo lắng trong quá trình nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ…
 
Để từng bước tháo gỡ khó khăn này, Phòng Giáo dục và Đào tạo khuyến khích các trường mầm non công lập mở thêm lớp nếu như đảm bảo đủ các điều kiện. Tăng thêm các trường tư thục và các nhóm trẻ gia đình trên địa bàn huyện, nhất là những nơi có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Phòng Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, giúp đỡ các trường tư thục, các nhóm trẻ gia đình để đảm bảo các tiêu chí và an toàn tuyệt đối cho trẻ mầm non.
 
Cùng với đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tăng cường công tác tham mưu với lãnh đạo các cấp về chủ trương, cơ chế, chính sách để từng bước huy động nguồn kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, tuyển dụng đội ngũ giáo viên, đảm bảo về chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, từng bước giảm áp lực tuyển sinh và tình trạng số trẻ/lớp vượt quá số lượng quy định tại các trường công lập như hiện nay.
 
HOÀNG SA