Di sản áo dài truyền thống

06:02, 09/02/2021

Năm 2020 được xem là một năm đặc biệt của chiếc áo dài Việt Nam...

 

Năm 2020 được xem là một năm đặc biệt của chiếc áo dài Việt Nam. Đặc biệt bởi vì, chiếc áo dài truyền thống không chỉ được tôn vinh và trở thành niềm tự hào của bao thế hệ phụ nữ Việt Nam, mà còn tạo ra chuỗi sự kiện ý nghĩa, được lấy ý kiến rộng rãi để hướng tới công nhận áo dài là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và đề xuất UNESCO công nhận áo dài là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
 
Chiếc áo dài truyền thống trong một số sự kiện văn hóa - xã hội
Chiếc áo dài truyền thống trong một số sự kiện văn hóa - xã hội
 
Đi tìm nhân chứng sống
 
Biết tôi có ý định “mục sở thị” để tìm hiểu về nghề may áo dài truyền thống lâu năm trên địa bàn,  lãnh đạo Trung tâm Văn hóa - Thông tin & Thể thao TP Bảo Lộc email ngay cho tôi danh sách một số nhà may áo dài truyền thống của xứ sở tơ lụa thơm nức hương trà. Địa chỉ mà tôi lựa chọn và tìm đến là Nhà may Trúc Hương (Số 44 Lê Hồng Phong, Tổ dân phố 4, Phường 1 - TP Bảo Lộc). Trước mắt tôi là một căn nhà nhỏ nằm ở ngay mặt phố, cùng với đó là tấm bảng hiệu “Nhà may Trúc Hương” đã nhuốm màu thời gian. Qua trao đổi với cụ bà Nguyễn Thị Trúc (80 tuổi), tôi mới biết rằng đây chính là một trong những tiệm may áo dài truyền thống lâu đời của vùng đất B’Lao xưa còn tồn tại cho đến bây giờ như một “nhân chứng sống”. 
 
Tại Nhà may Trúc Hương, đồng thời cũng là nhà riêng - nơi sinh sống của 3-4 thế hệ, cụ bà Nguyễn Thị Trúc năm nay đã ở vào cái “tuổi xưa nay hiếm” say sưa kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện nghề, cũng như những thăng trầm của nghề may từ khi bà gắn bó với nghề lúc năm 16 tuổi. Theo bà Trúc, vào những thập niên 60-70 của thế kỷ trước, nghề may được xem là thời kỳ “hoàng kim” và là câu chuyện mưu sinh của cả gia đình. Đam mê nghề may nên bà Trúc bỏ nghề giáo chuyển hẳn sang nghề may từ năm 1966 cho đến bây giờ. “Nhiều người đi xa vẫn nhớ đến tiệm may Trúc Hương và may áo dài ở đây - Đó là niềm hạnh phúc nhất trong đời tôi” - Bà Trúc tâm sự. Hiện nay, khi xã hội đã phát triển và nghề may không còn hưng thịnh như trước, dù rằng các con gái của bà đã có gia đình riêng và khá thành đạt nhưng vẫn không quên nghề may mà bà Trúc đã truyền dạy với tâm nguyện: Gìn giữ nghề truyền thống của gia đình, giữ gìn cái nghề đã từng nuôi sống cả gia đình trong những tháng năm khốn khó, không thể nào quên. Chị Trần Thị Mỹ Hương (Con gái thứ 2 của bà Trúc) nói: “Được mẹ truyền dạy nghề may áo dài từ khi chưa lập gia đình, đến nay em vẫn luôn giữ nghề và nối nghiệp mẹ làm nên thương hiệu may áo dài truyền thống của gia đình”. Là khách hàng khó tính, lâu năm và khá thân thiết với Nhà may Trúc Hương, chị Nguyễn Thị Kim Tuyến ở phường B’Lao cho rằng: Để có một chiếc áo dài đẹp, vừa vẹn với dáng người không thể không nói đến bàn tay cần mẫn của những người thợ may. Từng “đường kim, mũi chỉ” của họ được xem như là một phần của “công trình nghệ thuật” mà không phải bất kỳ ai cũng làm được. Thế nên, chị Kim Tuyến vẫn thường chọn nơi đây để trao gởi niềm tin mỗi khi muốn may cho mình những bộ áo dài ưng ý. “Có nhiều sự lựa chọn, nhưng mỗi khi may áo dài tôi và cả một số bạn bè hiện  đang làm việc và sinh sống ở TP Hồ Chí Minh đều chọn Nhà may Trúc Hương. Tôi rất tự hào khi khoác lên mình chiếc áo dài truyền thống. Mặc chiếc áo dài truyền thống giúp tôi tự tin hẳn” - chị Kim Tuyến bộc bạch.
 
Không chỉ truyền nghề cho các con gái trong gia đình, đến nay bà Trúc còn đào tạo nghề may áo dài cho không dưới 30 học viên có cùng niềm đam mê, trong đó có 20 người đã mở tiệm may riêng, khá nổi tiếng và thành đạt.
 
Áo dài & thư pháp
Áo dài & thư pháp
 
Tôn vinh chiếc áo dài truyền thống
 
 Còn nhớ, nhân dịp Festival Hoa Đà Lạt lần thứ VIII, tại hồ Xuân Hương - Trái tim của phố núi Đà Lạt và hồ Đồng Nai - một điểm nhấn xanh của TP trẻ Bảo Lộc, đông đảo người dân địa phương cũng như du khách đã có những giây phút thật mãn nhãn với những bộ trang phục truyền thống thướt tha, quyến rũ. Những bước di chuyển mềm mại, thanh thoát cùng với trang phục áo dài của các người mẫu, diễn viên trên sàn trình diễn thời trang không chỉ mê hoặc hết thảy người xem, mà qua đó còn góp phần tôn vinh giá trị của chiếc áo dài truyền thống làm nên cốt cách Việt, tâm hồn Việt. Từ chất liệu vải và sau này cao cấp hơn là lụa tơ tằm, chiếc áo dài truyền thống đã thực sự “bừng sáng” bởi những đường cong say đắm và luôn là sự lựa chọn, là trang phục không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày và trở thành niềm tự hào của bao thế hệ phụ nữ Việt Nam. Có lẽ, chính vẻ đẹp thuần Việt, thấm đẫm văn hóa Việt ấy đã thôi thúc nhà thiết kế Minh Hạnh cũng như một số nhà thiết kế thời trang khác trong nước quyết tâm theo đuổi nhằm thực hiện cho bằng được khát vọng làm sống lại “Con đường tơ lụa”, để chiếc áo dài Việt Nam tự nó “nói lên tiếng nói của mình” và hội nhập với thế giới trong kỷ nguyên số hiện nay. Trao đổi với chúng tôi xung quanh câu chuyện áo dài Việt Nam, nhà thiết kế Minh Hạnh tâm sự: “Tôi nghĩ, không chỉ riêng tôi mà tất cả phụ nữ Việt Nam đều nhận thấy rằng chiếc áo dài là một phần khá thiêng liêng trong đời sống tinh thần của mỗi người. Một khi chiếc áo dài Việt Nam được thiết kế bằng chất liệu lụa tơ tằm nó ví như “lớp da thứ 2” của con người, tạo nên vẻ đẹp quyến rũ, sang trọng và thanh cao. Chính câu chuyện áo dài bằng tơ lụa đã viết nên trang lịch sử mới cho thời trang Việt Nam”.  Nghệ sĩ Nhân dân Trà Giang và Nghệ sĩ Nhân dân Minh Đức cũng tự hào rằng: “Chiếc áo dài Việt Nam đã luôn gắn bó với người nghệ sĩ cả trong quá khứ cũng như hiện tại. Chúng tôi rất tự hào về chiếc áo dài, vì vậy nó cần được gìn giữ & phát triển”.
 
Chiếc áo dài Việt Nam luôn hiện hữu trong đời sống xã hội, đi vào thơ, ca, nhạc, họa, phim ảnh  và trở thành một biểu tượng độc đáo của văn hóa Việt, tâm hồn Việt; là niềm tự hào không chỉ của bao thế hệ phụ nữ Việt Nam. Tin rằng, từ những công việc thầm lặng đó của các nhà may áo dài truyền thống hiện nay, cũng như từ dự án tâm huyết của những nhà thiết kế thời trang trong cả nước, các nhà nghiên cứu... chiếc áo dài truyền thống Việt Nam sẽ mãi mãi được nâng niu, gìn giữ, trao truyền và “phát sáng” ở những nơi mà nó đi qua.
 
Chiếc áo dài truyền thống trong một số sự kiện văn hóa - xã hội
Chiếc áo dài truyền thống trong một số sự kiện văn hóa - xã hội
 
Di sản áo dài truyền thống
 
Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: “Áo dài Việt Nam - Nhận diện, tập quán, giá trị và bản sắc” do Bộ VH-TT&DL và Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp tổ chức trong khuôn khổ sự kiện “Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam” diễn ra tại Thủ đô Hà Nội có thể nói đã góp phần nhận diện, đánh giá về những khía cạnh lịch sử, tập quán sử dụng, chức năng, giá trị văn hóa, xã hội, nghệ thuật và bản sắc văn hóa của chiếc áo dài. Đây cũng là một bước quan trọng để lập hồ sơ công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia liên quan đến áo dài. Theo bà Bùi Thị Hòa - Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam: “Trang phục áo dài đã đi cùng lịch sử của dân tộc Việt Nam. Mặc dù có một lịch sử hàng mấy trăm năm và phổ biến trong đời sống hiện đại, nhưng các giá trị gắn với áo dài vẫn chưa có được vị thế của một di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đối với công chúng, nhiều người vẫn chưa hiểu biết tường tận lai lịch, những bước thăng trầm, và những biến đổi không ngừng của trang phục này để định hình thành một nét văn hóa đặc sắc, mang đặc trưng văn hóa và biểu tượng trang phục của Việt Nam”. 
 
Tại Lâm Đồng, Hội LHPN các cấp; nữ cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh cũng đã tích cực hưởng ứng sự kiện ý nghĩa này bằng những việc làm cụ thể như: mặc áo dài trong giờ làm việc tại cơ quan, công sở, trường học, doanh nghiệp; tham gia hoạt động quảng bá “Áo dài - di sản văn hóa Việt Nam” và hưởng ứng cuộc vận động 10.000 bước chân mỗi ngày...  Qua đó, khơi dậy niềm tự hào, trách nhiệm giữ gìn và phát huy di sản văn hóa áo dài Việt Nam trong mỗi phụ nữ, người dân, hướng tới đề xuất công nhận áo dài là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; đề xuất UNESCO công nhận áo dài là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
 
Chúng tôi xin mượn lời của Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Trịnh Thị Thủy để khép lại phóng sự này: “Chúng ta đang trong quá trình tích cực chuẩn bị và tổ chức nhiều hoạt động để hướng tới công nhận áo dài là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Việc nhận diện chính xác những giá trị và nội hàm di sản văn hóa phi vật thể này, một mặt, sẽ giúp cho việc xây dựng thành công hồ sơ trang phục áo dài Việt Nam đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và tiến tới đệ trình ghi danh tại danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại theo tiêu chí của UNESCO.  Mặt khác, việc nghiên cứu thấu đáo các vấn đề có liên quan đến di sản này cũng giúp cho chúng ta có được những giải pháp quản lý, bảo vệ phù hợp để đảm bảo sức sống của áo dài theo tinh thần Công ước năm 2003 của UNESCO và Luật Di sản văn hóa của nhà nước Việt Nam”.
 
Chúa Nguyễn Phúc Khoát (1714-1765) hiệu Võ vương, là vị chúa Nguyễn thứ 8, trị vì Đàng Trong từ năm 1738 đến 1765 - người có công định chế y phục, trong đó có chiếc áo dài Việt Nam. Thời trị vì của Võ vương Nguyễn Phúc Khoát, xứ Đàng Trong trở thành một đế chế hùng mạnh, lãnh thổ được mở mang và bước vào giai đoạn phát triển đỉnh cao. Chúa Nguyễn Phúc Khoát đã ban hành quy định nhằm định chế lại chế độ y quan trong triều chính, quy định lại chiếc áo dài của cả nam lẫn nữ nhằm phân biệt y phục giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài. Do đó, Lê Quý Đôn trong sách Phủ biên tạp lục đã nhận xét rằng: “Chúa Nguyễn Phúc Khoát đã viết những trang sử đầu cho chiếc áo dài như vậy”.
 
LÊ TRỌNG