Gặp lại người lính Vị Xuyên trên đất Lâm Đồng

06:02, 26/02/2021

Ông là người đã từng chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc; là thương binh hạng 4/4...

Ông là người đã từng chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc; là thương binh hạng 4/4. Song, với ý chí của Bộ đội Cụ Hồ, ông đã vượt qua tất cả khó khăn vì những vết thương để rời đất Bắc Ninh vào Lạc Dương, Lâm Đồng lập nghiệp. Hiện nay, ông Trần Xuân Lộc (sinh năm 1961) là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị trấn Lạc Dương. Ký ức của ông về những ngày vào chiến trường vẫn mãi không phai.
 
CCB Trần Xuân Lộc đảm nhận cương vị Phó Chủ tịch Hội CCB từ năm 2014 đến nay
CCB Trần Xuân Lộc đảm nhận cương vị Phó Chủ tịch Hội CCB từ năm 2014 đến nay
 
Tháng 3/1983, ông Trần Xuân Lộc lúc đó mới 22 tuổi, nhập ngũ và huấn luyện tại Tân Yên (tỉnh Hà Bắc cũ) thuộc đơn vị C1 - Tiểu đoàn 901 - Bộ Tư lệnh Hóa học. Đến tháng 7/1984, ông được chuyển đến đơn vị là Tiểu đoàn 406 - Trung đoàn 821, Quân khu 2. 
 
Trong ký ức của ông, khi đó chỉ là cậu trai trẻ của mảnh đất quan họ Bắc Ninh, qua một thời gian huấn luyện, đơn vị được điều vào Vị Xuyên. Vào ngày 11/7/1984 đến ngày 12/7/1984, ông và đồng đội của mình tiến công bình độ 300, 400. 
 
Ông Lộc nhớ lại rằng, đạn pháo rót vào kinh hoàng, khi hỏa lực của ta khai hỏa, bộ binh vừa xung phong thì gặp ngay pháo binh địch bắn trùm lên đội hình của ta, gây thương vong lớn. Bản thân ông Trần Xuân Lộc cũng bị thương vào thời điểm đó, 2 ngày sau ông mới được chuyển đến trạm phẫu thuật vì tình hình quá ác liệt. 
 
Giữa muôn trùng đạn pháo của địch, những người lính trẻ lúc đó vẫn luôn tâm niệm rằng: “Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử” được khắc trên báng súng của liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Viết Ninh hy sinh tại cao điểm 685. Chín chữ này về sau được xem như lời thề của những người lính Vị Xuyên. 
 
Sau khi điều trị tại Bệnh viện Quân y 6 ở Đoan Hùng - Phú Thọ, ông được chuyển về Đoàn An dưỡng 235, Quân khu 2 và được Đoàn giữ lại làm thủ kho. Năm 1986, ông Lộc lập gia đình và đến 1992 thì chuyển cả gia đình từ Bắc Ninh vào đất Lạc Dương, Lâm Đồng để lập nghiệp, làm ăn phát triển kinh tế. 
 
Ban đầu vào đất mới với muôn vàn khó khăn,cựu chiến binh (CCB) Trần Xuân Lộc làm đủ nghề kiếm sống nhằm lo cho gia đình nhỏ của mình. Sau vài năm dành dụm, tích cóp, ông cũng có được mảnh đất để cất nhà và sản xuất nông nghiệp. Đến bây giờ, hơn 1 ha đất sản xuất với hoa hồng và cà phê đã cho gia đình ông một cuộc sống ấm no, đủ đầy. 
 
Là người lính đã từng chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên, nên trong sâu thẳm của CCB Trần Xuân Lộc luôn biết ơn đồng đội, đồng chí, không chỉ là những đồng đội tại Vị Xuyên mà ở mọi nơi trên đất nước Việt Nam này. Ông nghẹn ngào: Đồng đội hy sinh để mình được sống, có ngày hôm nay thì phải sống tiếp phần cho đồng đội nữa chứ. Chính vì vậy, từ năm 2002, ông đã tích cực tham gia Chi hội CCB tại tổ dân phố (TDP) Hợp Thành, thị trấn Lạc Dương. Ông tích cực giúp đỡ nhiều hội viên phát triển kinh tế, sẵn sàng giúp đỡ về nguồn vốn, cây giống và kinh nghiệm trồng trọt cho các hội viên Hội CCB. Qua nhiều cương vị, từ năm 2014 đến nay ông vinh dự được nhận trọng trách Phó Chủ tịch Hội CCB thị trấn.
 
Năm 2020, ông được Ban liên lạc Hội CCB Mặt trận Vị Xuyên - Hà Tuyên (Hà Giang) Trung đoàn 821, Quân khu 2 mời tham dự chuyến về nguồn tại Vị Xuyên nhưng đành lỡ hẹn với đồng đội vì phải tham gia các đợt tập huấn về công tác phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn (PCCC&CHCN), nên đây vẫn còn là một ước mong cháy bỏng của ông Lộc và ông mong có cơ hội khác để thực hiện ước mong ấy.
 
Ông tâm sự: Mặc dù chuyến đi này rất ý nghĩa nhưng ở địa phương tôi tham gia tổ công tác PCCC&CHCN của thị trấn nên không thể lơ là nhiệm vụ được. Vì trong quá trình tập huấn nếu khuyết đi một chân thì sau này xảy ra sự cố gì thì mình làm sao có kỹ năng để xử lý cùng với các đồng đội mới được, vả lại thời gian gần đây thị trấn Lạc Dương và địa bàn huyện thường xuyên xảy ra những diễn biến thất thường của thời tiết nên phải túc trực sẵn sàng.
 
Chưa có chuyến đi về chiến trường xưa, nhưng ông Lộc luôn tâm niệm rằng thời gian gần nhất ông sẽ lên Vị Xuyên để cùng với các đồng đội cũ của mình hòa vào một thuở sắt son “Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử” mà năm nào bao lớp thanh niên luôn khắc cốt ghi tâm để giữ gìn biên giới thiêng liêng của Tổ quốc.
 
ĐỨC TÚ