Khúc ca ngày mới

08:02, 13/02/2021

Đại ngàn mùa xuân, đi giữa âm giai của bản "Tình ca Tây Nguyên", trên các cung đường nối dài những thôn, buôn dọc dải Trường Sơn Đông huyền thoại, đến miền cây trái ngọt lành bên dòng Đồng Nai...

Đại ngàn mùa xuân, đi giữa âm giai của bản “Tình ca Tây Nguyên”, trên các cung đường nối dài những thôn, buôn dọc dải Trường Sơn Đông huyền thoại, đến miền cây trái ngọt lành bên dòng Đồng Nai, đất khó đã trở mình, đời sống Nhân dân đổi thay vượt bậc. Hình ảnh “những con đường đất đỏ/ lượn vòng trên cao nguyên” dần lùi vào ký vãng. Hôm nay, những cung đường thênh thang trải nhựa đã nối dài những buôn xa.
 
Sắc màu mới ở những thôn, buôn dưới chân dãy Bidoup, huyện Lạc Dương
Sắc màu mới ở những thôn, buôn dưới chân dãy Bidoup, huyện Lạc Dương
 
“Lâm Đồng hiện không còn nơi nào thực sự để gọi là vùng sâu, vùng xa nữa”, câu nói ấn tượng tôi được nghe từ già làng, người có uy tín ở các thôn, buôn trên miền đất Nam Tây Nguyên. Bởi giờ hệ thống giao thông chất lượng đã phủ khắp; tất cả các xã đặc biệt khó khăn đã có đường ô tô đến trung tâm. Những đôi chân trần của bà con người Mạ, K’Ho, Chu Ru, M’Nông bản địa và bà con dân tộc thiểu số (DTTS) từ nhiều vùng, miền Tổ quốc chọn cao nguyên này làm quê hương, giờ thoải mái đi về trên những cung đường trải nhựa; tất cả các thôn tại Lâm Đồng đã có điện lưới quốc gia, y tế, bưu điện và được phủ sóng truyền hình; các xã vùng đồng bào DTTS đều có trường mẫu giáo, tiểu học, THCS và tất cả trẻ em trong độ tuổi được đến trường.
 
Minh chứng sống động của sự đổi thay thực sự đang hiển hiện trên những vùng đất “khó” một thời ở Lâm Đồng, như Đưng K’Nơh, Đạ Chais (Lạc Dương), nơi từng được ví là ốc đảo giữa đại ngàn; hay miền thâm sơn Lộc Lâm, xứ thâm u Lộc Bắc (Bảo Lâm), đến “xứ cô đơn” một thuở Đồng Nai Thượng (Cát Tiên)… Giờ không còn những ví von ấy nữa, nhiều xã sắp cán đích nông thôn mới ( NTM) và nhiều xã đã đạt chuẩn NTM như một kỳ tích. 
 
Quả thật, có đi, có đến mới thấy được sự chuyển mình trên những vùng đất khó một thời. Cách đây chừng 15 năm, khi nhắc đến xã Lộc Lâm, nhiều người nghĩ ngay đến xứ thâm u, cơ cực; cái đói mùa giáp hạt đeo bám mãi. Những mùa mưa nắng dãi dầu đã qua, nay bà con buôn làng trên xã anh hùng này đang cùng nhau hưởng mùa quả ngọt. Khi Lộc Lâm cán đích xã NTM, gắn trọn cuộc đời với vùng đất gian lao mà anh dũng này, già làng K’Tin được chứng kiến sự đổi thay từng ngày của quê hương, ông hào hứng: “Lộc Lâm đạt các tiêu chí xã NTM rồi, bà con mình tự hào lắm. Giờ đây, nhiều nhà đã có của ăn, của để, cuộc sống thay đổi nhiều rồi”. Hiện dân số của xã hơn 2.630 người, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số bản địa. Từ một xã nghèo, người dân chỉ biết trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Nay tư duy đổi mới đã hiển hiện trên những nương rẫy sản xuất, cây chè và cà phê chủ lực chất lượng cao đã thay thế những khu vườn già cỗi. Phó Chủ tịch UBND xã K’Giáp cho biết: “Năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm gần nửa dân số, đời sống bà con rất khó khăn; thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 13 triệu đồng, nay đã gấp hơn ba lần. Có thể nói, Lộc Lâm cán đích NTM như một kỳ tích”.
 
Ngược phía cao nguyên Lang Biang, dọc Quốc lộ 27C, sắc màu tươi mới đã ùa về trên những buôn làng ở xã NTM Đạ Sar, Đạ Chais, huyện Lạc Dương. Không còn là xứ tách biệt, thâm u của chừng 20 năm trước, giờ Quốc lộ 27C ngang qua, đã tạo cho những vùng đất này thế phát triển mới. Trong nếp nhà truyền thống ở xã Đạ Chais, cựu chiến binh, già làng Ha Brai đang đan những chiếc gùi phục vụ cho mùa vụ mới. Ông tự hào: “Ngày đó, tất cả bà con ở các buôn làng ở đây đều nhất tề theo cách mạng, tham gia kháng chiến. Chuyện xưa nhiều lắm, không kể hết. Giờ khác rồi, mình đang sống trên xã NTM, bà con mình lo giúp nhau phát triển kinh tế, chăm lo cho con em ăn học, chung tay xây dựng buôn làng giàu đẹp”. 
 
Có nhiều vùng đất ở Lâm Đồng khi nhắc đến, nhiều người ám ảnh cảnh bần hàn, nghèo khó một thuở. Nhưng nay đã dệt những miền xanh của sự thanh bình, no ấm. Cách đây chừng mười năm, nhiều người nhắc đến Đưng K’Nơh như một sự ám ảnh về đường đi cũng như sự cơ cực của bà con nơi đây và được xác định thuộc xã nghèo nhất tỉnh. Nay, từ ngọn đồi ngay đầu trung tâm xã, đã thấy màu xanh của cà phê, cây ăn trái… ôm trọn những buôn làng. Phó Bí thư Đảng ủy xã Ha Mal cho biết: “Buôn làng đổi mới thấy rõ, hiện thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 38 triệu đồng, hộ nghèo chỉ còn 6%. Dẫu còn không ít khó khăn, thử thách, nhưng Đưng K’Nơh quyết tâm cán đích xã NTM vào năm 2021”. Xã vùng sâu Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm cũng vậy, một thời gian dài, cuộc sống bà con chủ yếu nhờ lộc rừng, nghèo đói đeo bám quanh năm. Nhưng, nhờ sự quan tâm kịp thời của Đảng và Nhà nước, hình thành tư duy mới trong phát triển kinh tế, giờ đây, rảo bước qua những cung đường của 11 buôn dưới chân dãy Đăng PòtCàl, mới cảm được làn gió mới thổi về. Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND xã Lộc Bắc K’Tư cho biết: “Hiện thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 41,3 triệu đồng. Xã đã đạt 18 tiêu chí NTM và phấn đấu cán đích trong năm 2021”.
 
Minh chứng rõ nét nhất trong sự đổi thay ở những vùng đất “khó” tại Lâm Đồng là câu chuyện bà con người Mạ ở miền đất quanh năm “ủ trong mây” Đồng Nai Thượng chung tay xây dựng NTM. Đồng Nai Thượng, cái tên trước đây khi nhắc đến khiến nhiều người không khỏi giật mình về cái nghèo, cơ cực cả về kinh tế lẫn đường đi. Ngày đó, Đồng Nai Thượng ẩn mình như một “ốc đảo” hoang vu giữa đại ngàn. Đây là xã xa nhất, sâu nhất tỉnh Lâm Đồng. Trong kháng chiến chống Mỹ, miền đất này là vùng căn cứ quan trọng thuộc Chiến khu D. Trong ngôi nhà mới khang trang, dũng sỹ diệt Mỹ Điểu Thị Lôi, 40 năm tuổi Đảng, Đại biểu Quốc hội khóa VI, khẳng khái: “Chuyện xưa dài lắm, không kể hết. Giờ Đồng Nai Thượng không còn là “xứ cô đơn” nữa, đường lên xã đã trải nhựa, đây là con đường của cuộc cách mạng đổi thay. Đời sống bà con mình đã khá giả lên nhiều. Đảng, Nhà nước đã lo toàn vẹn cho dân”. Xã Năm anh hùng nghèo khó năm xưa, nay mang dáng hình xã NTM Đồng Nai Thượng đổi thay đến ngỡ ngàng. Quả thật, nếu lâu chưa trở về sẽ rất khó nhận ra vùng đất khốn khó ngày xưa. Qua hơn mười năm xây dựng NTM thấm mặn mồ hôi, giờ là lúc người Mạ được hưởng những mùa quả ngọt. 
 
Cách đây khoảng 15 năm, toàn tỉnh Lâm Đồng có 49 xã, 64 thôn diện đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS chiếm 24% theo tiêu chí mới, nhiều hộ đói mùa giáp hạt; nhiều xã chưa có trường học, trạm y tế; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng hơn 30%… Bằng nhiều nguồn lực, Lâm Đồng đã tập trung đầu tư phát triển toàn diện vùng nông thôn, vùng đồng bào DTTS. Đến nay, toàn tỉnh có hai huyện NTM; 104/111 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 25/46 xã đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 1,35%, vùng đồng bào DTTS 3,58%.
 
Bức tranh của sự đổi thay kỳ diệu từ cuộc sống du canh, phát nương làm rẫy, tự cung tự cấp sang nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa in đậm dấu ấn sự “hà hơi, tiếp sức” của Nhà nước. Trong đó, ý thức tự vươn lên của người dân, cùng những giải pháp phù hợp của địa phương, chính là điều căn cơ giúp Lâm Đồng phát triển nhanh và bền vững. Giờ đây, đi từ cao nguyên Lang Biang đến xứ phù sa đắp bồi bên dòng Đồng Nai cuộn đỏ, được ngắm nhìn những đồi chè, cà phê trải dài, xanh mướt ở Lộc Bắc, Lộc Lâm; được hít hà hương điều Đồng Nai Thượng, nếp Quýt Đạ Tẻh, sầu riêng Đạ Huoai; xem bà con người K’Ho ở Lạc Dương sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và đời sống cư dân ở Tân Châu, K’Ming (Di Linh), được ví là “những buôn triệu phú”, “buôn cử nhân” và hòa nhịp xoang, điệu xòe cùng bà con 46 DTTS đang chung tay xây dựng nếp sống mới trên quê hương Lâm Đồng. 
 
Hôm nay, sức sống mới đã về trên miền đất Nam Tây Nguyên. Phía trước đang có nhiều niềm tin, khát vọng và không ít thử thách. Nhưng tôi tin, mạch nguồn phát triển sẽ được nối dài trên vùng đất đầy tiềm năng và thế mạnh Lâm Đồng. Ở đó, bà con các dân tộc anh em đang hòa chung khúc ca ngày mới.
 
MAI VĂN BẢO