Khoa học, công nghệ - động lực quan trọng phát triển kinh tế, xã hội

06:05, 18/05/2021

Trước làn sóng của ứng dụng khoa học, công nghệ và khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo càng chứng minh vai trò là nền tảng phát triển lực lượng sản xuất hiện đại; kinh tế tri thức, là động lực quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của KHCN.

Trước làn sóng của ứng dụng khoa học, công nghệ (KHCN) và khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo càng chứng minh vai trò là nền tảng phát triển lực lượng sản xuất hiện đại; kinh tế tri thức, là động lực quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của KHCN.
 
Lãnh đạo Sở KHCN thăm Công ty TNHH MTV Nhôm Lâm Đồng - đơn vị có nhiều giải pháp công nghệ nâng cao hiệu quả sản xuất.
Lãnh đạo Sở KHCN thăm Công ty TNHH MTV Nhôm Lâm Đồng - đơn vị có nhiều giải pháp công nghệ nâng cao hiệu quả sản xuất.
 
5 năm qua (2016 - 2020), Sở KHCN tỉnh Lâm Đồng đã không ngừng đổi mới cơ chế quản lý, phát triển hợp lý, hiệu quả và đồng bộ các giải pháp, từ đó nâng cao chất lượng quản lý nhà nước về KHCN. Ngành đã tập trung cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo, quy định về trình tự, thủ tục quản lý KHCN; các chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, năng lực công nghệ, phát triển nhãn hiệu chứng nhận, xây dựng thương hiệu... phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, từng bước đưa Luật KHCN và Luật Sở hữu trí tuệ vào cuộc sống. 
 
Toàn tỉnh đã có 24 nhãn hiệu được chứng nhận, nhiều nhãn hiệu trở thành thương hiệu mạnh được người tiêu dùng lựa chọn như: Sầu riêng Đạ Huoai, Cà phê Di Linh, Tơ lụa Bảo Lộc, Nếp quýt Đạ Tẻh. Đã có 372 doanh nghiệp, hợp tác xã , cá nhân sản xuất rau, hoa, cà phê arabica, du lịch canh nông được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” được bạn bè trong và ngoài nước tin dùng.
 
Tăng cường công tác cải cách hành chính, Sở đã rà soát, cập nhật, công khai các thủ tục hành chính; sửa đổi các quy trình giải quyết công việc, cải cách bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, tỷ lệ giải quyết hồ sơ trước và đúng hạn trên 95%. Triển khai thực hiện áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 đến 45/45 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và UBND cấp huyện, 142/142 đơn vị UBND cấp xã.
 
Trong 5 năm, Sở KHCN đã triển khai thực hiện 34 nhiệm vụ KHCN cấp tỉnh trên các lĩnh vực: nông lâm nghiệp, khoa học xã hội và nhân văn, môi trường, y dược; hướng dẫn các huyện, thành quản lý 85 nhiệm vụ ứng dụng tiến bộ KHCN phục vụ sản xuất và đời sống. Các nhiệm vụ KHCN đều được quản lý chặt chẽ, đúng quy định từ khi bắt đầu đến khi nghiệm thu và chuyển giao ứng dụng. Không chỉ được ứng dụng sau khi đánh giá, nghiệm thu, mà việc ứng dụng các nhiệm vụ KHCN còn được thực hiện ngay trong quá trình triển khai thông qua các hoạt động xây dựng mô hình trình diễn, đào tạo kỹ thuật viên, tập huấn cho người dân tham gia mô hình và tổ chức các hội thảo khoa học giới thiệu kết quả nghiên cứu.
 
Các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực nông nghiệp, y dược, môi trường, công nghiệp hầu hết hiệu quả ứng dụng thể hiện rất rõ ngay trong quá trình triển khai; sau đó tiếp tục được tổ chức nhân rộng mang lại hiệu quả trực tiếp cho các tổ chức, cá nhân được chọn tham gia xây dựng mô hình. Với các nhiệm vụ trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, sản phẩm ngoài hệ thống các giải pháp, chính sách, còn xây dựng được các mô hình lý thuyết, mô hình thử nghiệm, áp dụng giải pháp cụ thể... nên từng bước làm rõ hiệu quả nghiên cứu của đề tài. 
 
Sản xuất cây giống tại Hợp tác xã An Thủy (Đà Lạt). Ảnh: Q.U
Sản xuất cây giống tại Hợp tác xã An Thủy (Đà Lạt). Ảnh: Q.U
 
Các dự án nông thôn miền núi cấp nhà nước trong 5 năm qua đã ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật chuyển giao vào các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số với nhiều mô hình như trồng dâu nuôi tằm, trồng nấm ăn, nấm dược liệu, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm... đã mang lại hiệu quả cao hơn về năng suất, chất lượng, góp phần tăng thu nhập, thay đổi cuộc sống của đồng bào nhân dân vùng dự án. 
 
Qua các đề tài, dự án KHCN các cấp, hàng ngàn lớp tập huấn, hội thảo chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về trồng trọt, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho người dân đã được tổ chức. Cùng với việc phát hành các bản tin KHCN phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, KHCN phục vụ doanh nghiệp, bản tin năng suất chất lượng đã đóng vai trò quan trọng trong tuyên truyền, nhân rộng, phổ biến quy trình kỹ thuật, áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến đến doanh nghiệp và người dân. 
 
Việc gắn kết giữa công tác nghiên cứu, chuyển giao kết quả phục vụ sản xuất và đời sống thông qua áp dụng cơ chế đặt hàng trong nghiên cứu KHCN đã từng bước khẳng định vai trò của KHCN góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Qua đó, tăng cường mối liên kết giữa nhà nước - nhà khoa học - doanh nghiệp - nhà nông, gắn chặt trách nhiệm của các đơn vị đề xuất và đơn vị hưởng thụ tạo nên một chuỗi khép kín, làm tăng hiệu quả ứng dụng của các nhiệm vụ KHCN sau khi kết thúc, đưa kết quả của các nghiên cứu đi vào thực tiễn phục vụ sản xuất và đời sống. 
 
Trong 5 năm tới (2021 - 2025), ngành sẽ tập trung nghiên cứu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật phục vụ phát triển các sản phẩm chủ lực, lợi thế của tỉnh theo chuỗi liên kết từ khâu sản xuất, thu hoạch, đến sơ chế, chế biến, nâng cao giá trị nông sản; áp dụng các biện pháp thâm canh hiệu quả, áp dụng công nghệ sau thu hoạch tiên tiến nhằm tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích. Thực hiện hiệu quả các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng cơ sở dữ liệu, áp dụng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, kết nối hệ thống dữ liệu quốc gia, ứng dụng công nghệ quản lý năng suất, chất lượng phù hợp tiêu chuẩn quốc tế; xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm chủ lực. Hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về hoạt động đo lường để đảm bảo tính chính xác của các phương tiện đo. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ, thúc đẩy các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ, khai thác tài sản trí tuệ. Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, lấy doanh nghiệp là trung tâm ứng dụng và tiếp nhận chuyển giao công nghệ, đồng thời phát huy vai trò của các viện, trung tâm và trường đại học trong nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, đưa KHCN thực sự là động lực phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
 
ThS. VÕ THỊ HẢO