Lễ hội, nghi lễ truyền thống với công tác quản lý, bảo tồn và phát huy

04:05, 27/05/2021

Lễ hội là một dạng sinh hoạt văn hóa của con người, là nhu cầu văn hóa chính đáng của một cộng đồng người, mà chỉ trong tâm thế hội mỗi người mới có dịp thăng hoa một cách bay bổng nhất...

Lễ hội là một dạng sinh hoạt văn hóa của con người, là nhu cầu văn hóa chính đáng của một cộng đồng người, mà chỉ trong tâm thế hội mỗi người mới có dịp thăng hoa một cách bay bổng nhất những phẩm chất, tài năng tốt đẹp của mình, hòa nhập vào cái chung của ngày hội để tạo thành niềm vui chung, sức mạnh của ngày hội.
 
Cảnh trao nhận lễ vật trong đám cưới của người Mạ ở Bảo Lâm, Lâm Đồng
Cảnh trao nhận lễ vật trong đám cưới của người Mạ ở Bảo Lâm, Lâm Đồng
 
Đến với lễ hội, con người muốn gửi gắm và bộc lộ những ý nguyện thầm kín thiêng liêng. Lễ hội là nhân tố góp phần làm cân bằng đời sống tinh thần, tâm linh của con người cả trong lúc bất hạnh, lo âu hoặc niềm vui, sung sướng. Lễ hội có sức hấp dẫn đặc biệt, nó lôi cuốn đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, bởi nó chứa đựng những mong ước thiết tha vừa thánh thiện, vừa đời thường, vừa thiêng liêng, vừa thế tục của bao thế hệ con người.
 
Lễ hội truyền thống là một trong những di sản văn hóa phi vật thể quí báu từ ngàn xưa để lại, phát triển tốt lễ hội là góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc. Trong những năm gần đây, dưới ánh sáng Nghị quyết Trung ương V của Đảng về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, cùng với sự phát triển kinh tế của đất nước, nhiều lễ hội truyền thống đang được khôi phục. Tuy nhiên, sự đa dạng, phong phú về giá trị nhân văn sâu sắc, cũng như những tàn dư lạc hậu trong các lễ hội đều đang đặt ra yêu cầu cho chúng ta phải chọn lọc kế thừa và phát huy những mặt tích cực, loại bỏ những yếu tố tiêu cực.
 
Chính vì vậy, chúng ta cần phải chủ động trong việc quản lý và phát huy giá trị của lễ hội. Thời gian qua về mặt pháp lý đã có một số văn bản quan trọng được ban hành như: Luật Di sản văn hóa, Công ước Quốc tế của UNESCO về bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể (2003), Công ước về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa (2005) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa (2009), đây là những cơ sở quan trọng trong việc bảo vệ di sản văn hóa trong đó có lễ hội. Đặc biệt là Nghị định số110/2018/NĐ-CP của Chính phủ qui định về quản lý và tổ chức lễ hội và nhiều luật có liên quan khác. Bên cạnh đó, chúng ta có các cơ quan quản lý Nhà nước, các viện nghiên cứu ở Trung ương, ở mỗi địa phương đều có các Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh, thành phố với các đơn vị chuyên môn trực thuộc như các bảo tàng, ban quan lý di tích, trung tâm văn hóa và phòng văn hóa các cấp. Đó là hệ thống cơ quan quản lý văn hóa và thiết chế văn hóa đã được thiết lập và phát triển trong nhiều thập kỷ qua, đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc giúp Nhà nước quản lý và bảo tồn di sản lễ hội. 
 
Nhờ vậy công tác quản lý lễ hội ở các địa phương trên cả nước trong thời gian qua đã có nhiều nỗ lực trong việc phục hồi, tổ chức các lễ hội truyền thống để bảo tồn và khai thác, đã thu hút được đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước đến với địa phương, góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế của địa phương nói riêng và cả nước nói chung. 
 
Tuy nhiên, công tác quản lý lễ hội trong thời gian qua vẫn còn nhiều vấn đề bất cập và cần giải đáp. Đó là chưa có cơ sở dữ liệu đầy đủ và chính xác về lễ hội và các quan điểm tiếp cận đúng trong việc thống kê, phân loại để xác định chúng ta có trách nhiệm và khả năng quản lý lễ hội nào, vai trò và mức độ quản lý của các cơ quan văn hóa đến đâu.
 
Việc phục dựng lại những lễ hội đã bị mai một có cần thiết không, phục dựng trên quan điểm nào? Lễ hội mới - đương đại là gì? Thế nào là lễ hội, thế nào là festival? Có nên đồng nhất hai khái niệm này hay không.
 
Chúng ta vẫn còn thiếu các văn bản qui phạm dưới luật để bảo đảm cho việc hướng dẫn thực thi luật cấp cơ sở.
 
Mặt khác, chúng ta vẫn chưa có đủ nguồn lực để quản lý lễ hội, các tổ chức, thiết chế văn hóa cho dù đã có sự phát triển trong mấy năm qua, song vấn đề quản lý di sản phi vật thể vẫn còn là một vấn đề mới. Đội ngũ cán bộ trình độ không đồng đều, chưa được đào tạo về kĩ năng làm việc với cộng đồng để bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Thiếu kiến thức cơ bản để có thể hướng dẫn và hỗ trợ cộng đồng tổ chức và thực hành lễ hội.
 
Đã không ít các trường hợp, hiện tượng bị sai lệch, làm biến dạng, đánh mất bản sắc văn hóa tự nhiên của dân tộc. Đó chính là nguy cơ làm biến mất di sản do “phát triển”, “sáng tạo” rất đáng lo ngại.
 
Điều đó được biểu hiện qua việc thực hiện nghi thức lễ, trang phục và các đồ vật dụng cần thiết, không gian tổ chức lễ hội, thành phần tham gia chính của lễ hội. 
 
Việc tổ chức phục dựng các lễ hội truyền thống, đặc biệt là các lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số nhiều nơi phần nghi thức lễ bị cắt xén, hoặc “sáng tạo” đưa thêm vào những tình tiết mới hoặc không có; sân khấu hóa mất sự tự nhiên, “phần hồn”, nét văn hóa riêng vốn có của mỗi dân tộc. 
 
Trang phục, lễ phục của các thành phần chính tham gia lễ hội như: thầy cúng, già làng, các nghệ nhân diễn xướng dân ca, dân vũ chưa đúng trang phục truyền thống của dân tộc cần phục dựng hoặc còn nửa nọ, nửa kia (áo của dân tộc này nhưng váy, khố lại của dân tộc khác) và các vật dụng, nhạc cụ dùng trong nghi lễ chưa được chú ý, nhiều khi còn vay mượn của các dân tộc khác 
 
 Không gian tổ chức phục dựng lễ hội cũng chưa được quan tâm lựa chọn phù hợp, đặc biệt là ở một số khu du lịch khi đưa vào khai thác dịch vụ để thu hút khách du lịch thì phục dựng đám cưới, lễ kết bạn của dân tộc vùng này lại tổ chức trong ngôi nhà sàn của dân tộc vùng khác và không gian bài trí bên trong cũng không theo kiểu của các dân tộc đang phục dựng và bị sân khấu hóa làm sai lệch, mất giá trị di sản văn hóa của cộng đồng dân tộc đó. Các đội dân ca, dân vũ dân tộc mặc trang phục truyền thống bị cách tân quá lố, hoa văn trên nền thổ cẩm lại được dệt theo hoa văn của dân tộc khác,… 
 
Thiết nghĩ, cho dù là việc phục dựng khai thác mang tính dịch vụ du lịch nhưng cũng nên chú ý giữ gìn được bản sắc văn hóa riêng của mỗi dân tộc. Nói cách khác đó là những giá trị gốc của di sản văn hóa vật thể và phi vật thể.
 
Không gian tổ chức phục dựng lễ hội lý tưởng nhất là làng bản, di tích, đình làng, nơi cộng đồng dân tộc đang sinh sống (nếu là trong khu du lịch thì cũng chọn địa điểm để tạo cảnh quan thích hợp và phông trang trí làm nền phải là ngôi nhà, vật dụng của chính dân tộc đó), có như vậy thì mới tạo được môi trường, không gian thiêng của lễ hội để giúp mọi người có thể cảm nhận được hết giá trị nhân văn cũng như tính thiêng liêng của lễ hội theo quan niệm và bản sắc văn hóa riêng của mỗi dân tộc.
 
Ở Lâm Đồng trong thời gian qua, đặc biệt là trong mấy năm gần đây công tác tổ chức và quản lý lễ hội rất được quan tâm. Ngoài các lễ hội đương đại đã được tổ chức khá thành công như: Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, Festival Hoa, Lễ hội Văn hóa Trà,... Các lễ hội truyền thống của các đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ như Mạ, Cơ Ho, Chu Ru cũng được tổ chức phục dựng vừa nhằm mục đích bảo tồn và khai thác dịch vụ, thu hút khách du lịch đến với Đà Lạt, Lâm Đồng. Nhiều địa phương như Lạc Dương, Đơn Dương, Di Linh,... và khu du lịch đã tổ chức khá tốt, thu hút được đông đảo quần chúng và du khách tới tham gia. 
 
Để bảo tồn và khai thác, phát huy giá trị các lễ hội truyền thống đúng hướng, hiệu quả hơn nữa, đặc biệt là trong việc phát triển kinh tế du lịch, cần lưu ý điều chỉnh những tình trạng bất cập chung trong công tác tổ chức, phục dựng như đã nêu trên. Nên để lễ hội diễn ra một cách tự nhiên, trong đó người dân trong cộng đồng dân tộc là chủ thể sáng tạo, cán bộ các ngành chức năng chỉ tuyên truyền giúp họ nâng cao nhận thức về nội dung giá trị của lễ hội và chỉ hỗ trợ cộng đồng thực hành lễ hội.
 
Đồng thời, để quản lý lễ hội được tốt hơn, chúng ta cần tổ chức nhiều hội thảo và mời các nhà khoa học, chuyên viên nghiên cứu chuyên sâu am hiểu về văn hóa dân tộc và lễ hội, qua đó đánh giá các lễ hội được phục dựng trong thời gian qua để có kết luận định hướng cho các dự án khác.
 
Để quản lý lễ hội cần có chương trình, kế hoạch tập huấn cho nhân viên ngành văn hóa và đội ngũ cộng tác viên tại cơ sở, nhằm phổ biến nâng cao nhận thức cho người dân về nội dung và giá trị của lễ hội, về qui trình tổ chức lễ hội, về nguy cơ làm tổn hại, sai lệch, biến dạng, biến mất di sản do “phát triển”, “sáng tạo” và do thương mại hóa lễ hội. Đồng thời, cần có nhiều kinh phí để nâng cao năng lực cho cộng đồng.
 
ĐOÀN BÍCH NGỌ