Nhớ anh trai của ''nàng'' trong bài thơ ''Màu tím hoa sim''

12:05, 03/05/2021

Đó là Trung tướng Phạm Hồng Cư (họ tên thật là Lê Đỗ Nguyên), một cán bộ tiền khởi nghĩa, tham gia Cách mạng Tháng Tám, nguyên là Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam (1986-1995)...

Đó là Trung tướng Phạm Hồng Cư (họ tên thật là Lê Đỗ Nguyên), một cán bộ tiền khởi nghĩa, tham gia Cách mạng Tháng Tám, nguyên là Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân (QĐND) Việt Nam (1986-1995). Trung tướng đã từ trần vào hồi 19h30 phút ngày 27/1/2021, nhưng trong tâm khảm của chúng tôi vẫn luôn ghi nhớ những kỷ niệm về ông.
 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (giữa), Trung tướng Phạm Hồng Cư (thứ 2, từ phải sang). Ảnh chụp lại của Trung tướng Phạm Hồng Cư
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (giữa), Trung tướng Phạm Hồng Cư (thứ 2, từ phải sang). Ảnh chụp lại của Trung tướng Phạm Hồng Cư
 
Cuộc gặp gỡ dưới cột cờ Hà Nội 
 
Vào trung tuần tháng 11/2002, chúng tôi không hẹn mà được gặp gỡ và trò chuyện với ông dưới cột cờ Hà Nội, thuộc khuôn viên Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (ở bên đường Điện Biên Phủ, phường Điện Biên, quận Ba Đình, TP Hà Nội). Đã nhiều lần nhìn thấy hình ảnh của ông qua sách báo và nghe qua những lời kể của rất nhiều người, trong đó có nhà thơ Hữu Loan (em rể của ông) nên khi tận mắt thấy ông đứng ngắm nhìn xác máy bay B-52, xác máy bay MIG-21, xác xe tăng T-54B... trưng bày gần dưới chân cột cờ Hà Nội, tôi đã nhận ra ông. Tuy vậy, đến khi nghe thấy Đại tá Nguyễn Thị Hằng - Trưởng phòng Nghiệp vụ, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam lễ phép chào hỏi ông, tôi mới chắc chắn ông chính là Trung tướng Phạm Hồng Cư. Tôi liền tiến lại gần và chăm chú nhìn ông. Thấy vậy, Đại tá Nguyễn Thị Hằng đưa tay lên chỉ vào tôi và giới thiệu: “Thưa Trung tướng, đây là nhà báo Hoàng Cư, ở trong Tây Nguyên ra đây sưu tầm tư liệu, chụp ảnh chiếc túi vải đựng cơm vắt và khẩu súng AK của chiến binh Bùi Ngọc Đủ. Chiếc túi và khẩu súng đó đã giúp chiến binh Bùi Ngọc Đủ trực tiếp chỉ huy tiểu đội 10 anh em đánh bại 15 đợt tấn công liên tiếp của 200 lính chiến của Mỹ, tại cứ điểm Tà Cơn - Khe Sanh, tỉnh Quảng Trị, vào cuối tháng 2/1967”.
 
Sau những lời giới thiệu của Đại tá Nguyễn Thị Hằng, ông lại tươi cười hồn hậu, rồi đưa tay ra lần lượt bắt tay chúng tôi. Không bỏ lỡ dịp gặp gỡ quý báu này, tôi vừa bắt tay ông, vừa nói: “Xin phép ông, xin phép chị Hằng cho tôi được trò chuyện với ông ạ”. Nghe thấy vậy, ông lại tươi cười hiền từ, rồi chậm rãi: “Nhất trí, thôi thì ta ngồi vào ghế đá dưới cột cờ Hà Nội này nói chuyện cho thoải mái”. Tại đây, chúng tôi đã vui vẻ trao đổi với nhau qua nhiều câu chuyện, nhất là những câu chuyện về các chiến thắng Điện Biên Phủ, Plei Me (Gia Lai), Đắk Tô - Tân Cảnh (Kon Tum), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), đồn Madaguôi, thị xã Bảo Lộc, Tòa Hành chính Lâm Đồng vào ngày 28/3/1975... Chuyện gì, ông cũng nói vừa đủ nghe, rành mạch, dễ hiểu, thú vị và rất bổ ích. Trước khi chia tay, ông ân cần mời chúng tôi đến nhà riêng thăm chơi, cho số điện thoại, địa chỉ cụ thể và lần lượt bắt tay từng người một thật chặt”.
 
Trung tướng Phạm Hồng Cư, ở nhà riêng tại Hà Nội, vào đầu tháng 10/2011
Trung tướng Phạm Hồng Cư, ở nhà riêng tại Hà Nội, vào đầu tháng 10/2011
 
Anh trai của “nàng” trong bài thơ “Màu tím hoa sim”
 
Theo lời mời, đầu tháng 10/2011, chúng tôi tìm đến gặp ông trong ngôi nhà cấp 4 bình dị (số nhà 20, ngõ 19, phố Liễu Giai, phường Liễu Giai, quận Ba Đình, TP Hà Nội). Thấy khách đến nhà, người phụ nữ có khuôn mặt phúc hậu liền đi lấy ấm chén nước, rồi rót nước trà xanh hoa nhài mời chúng tôi. Mời khách uống xong ngụm nước trà, ông phấn khởi chia sẻ: “Người phụ nữ rót nước trà này là vợ tôi. Vợ tôi là PGS-TS Đặng Thị Hạnh, là con gái thứ 2 của GS Đặng Thai Mai, em gái của PGS-TS Đặng Bích Hà - vợ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, là chị gái của PGS-TS Đặng Anh Đào - vợ của Trung tướng Phạm Hồng Sơn...”.
 
Lắng nghe mọi người nói chuyện một hồi, anh nhà thơ ngồi gần đối diện với ông đã nhanh miệng: “Thưa ông, thế nhân vật “nàng” trong bài thơ “Màu tím hoa sim” là em gái của ông?”. Nghe thấy vậy, nét mặt của ông bỗng chùng xuống trong giây lát, rồi ông điềm tĩnh kể tiếp: “Bố tôi là cụ Lê Đỗ Kỳ - nguyên Đại biểu Quốc hội khóa 1. Mẹ tôi là cụ Đỗ Thị Ngọc Chất. Bố mẹ tôi sinh dưỡng được 4 người con là anh Lê Đỗ Khôi (hy sinh tại đồi Him Lam, Điện Biên Phủ năm 1954), tôi là Lê Đỗ Nguyên, em Lê Đỗ An (bí danh là Nguyễn Tiên Phong - nguyên Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên) và em Lê Đỗ Thị Ninh. Em Lê Đỗ Thị Ninh ở quê nhà kết duyên với nhà thơ Nguyễn Hữu Loan (1916-2010) được một thời gian thì không may bị mất khi ra sông giặt giũ quần áo...”. Kể đến đây, ông lặng người hồi lâu, rồi nghẹn ngào kể tiếp: “Tin đau thương này, mãi đến năm 1949, ông mới được anh Võ Trí Sơn cho biết. Quá thương xót vợ, Hữu Loan đã viết bài thơ “Màu tím hoa sim” để khóc vợ: “Nàng có ba người anh đi bộ đội.../ Ngày hợp hôn/ Nàng không đòi may áo mới/... Lấy chồng thời chiến binh/ Mấy người đi trở lại/ Nhưng không chết/ Người trai khói lửa/ Mà chết người gái nhỏ hậu phương/... Chiếc bình hoa ngày cưới/ thành bình hương/ tàn lạnh vây quanh...”.
 
Trung tướng Phạm Hồng Cư (thứ tư, từ trái sang) kể về những ký ức hào hùng. Ảnh: Tư liệu
Trung tướng Phạm Hồng Cư (thứ tư, từ trái sang) kể về những ký ức hào hùng. Ảnh: Tư liệu
 
Thương tiếc vị tướng tài ba, nghĩa tình
 
Trung tướng Phạm Hồng Cư, sinh ngày 11/2/1926 tại xã Đông Cương, huyện Đông Sơn (nay là phường Đông Cương, TP Thanh Hóa), tỉnh Thanh Hóa. Năm 1940, ông ra Hà Nội học Trường Bưởi, tham gia các hoạt động yêu nước, bị đế quốc Pháp bắt giam. Ngày 9/3/1945, ông mưu trí trốn khỏi xà lim, gia nhập vào tiểu đội Phạm Hồng Thái nên đổi tên thành Phạm Hồng Cư. Từ tháng 9/1945, ông làm Trung đội trưởng Tự vệ chiến đấu cứu quốc Thành Hoàng Diệu (Hà Nội). Tháng 2/1947, ông vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Quá trình hoạt động cách mạng, ông đã được tặng thưởng rất nhiều huân chương, huy chương, Kỷ niệm chương “Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày”; Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng”...
 
Được nghỉ hưu theo chế độ, ông phấn khởi trở về đời thường, đi thăm hỏi những người thân, viết báo, viết sách... Ông tập trung viết về những tấm gương, cốt cách của người “Bộ đội Cụ Hồ”, đăng nhiều nhất trên các số Báo Quân đội Nhân dân (QĐND). Những bài viết như “Chiến thắng Bình Ca” đăng trên ấn phẩm Sự kiện và Nhân chứng ngày 24/10/2017, “Ông bố vợ đặc biệt” đăng trên Báo QĐND Cuối tuần ngày 30/8/2019; những cuốn sách như “Kinh nghiệm công tác chính ủy, chính trị viên”, “Ký ức chiến tranh” do Nhà xuất bản QĐND phát hành năm 2003... luôn được rất nhiều người ở trong và ngoài nước đón đọc. “Những bài báo, những cuốn sách của Trung tướng Phạm Hồng Cư luôn được coi là “cẩm nang” cho cán bộ, chiến sĩ. Ông là “pho sử sống” của QĐND Việt Nam, là vị tướng tài ba, nghĩa tình, được mọi người kính nể”- Trung tướng Nguyễn Thành Út - nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 5 (hiện ở Tổ dân phố 10, phường Yên Thế, thành phố Pleiku, Gia Lai) ngậm ngùi cho biết. Còn anh Lê Hồng Nhật (con trai của ông) thì nghẹn ngào: “Từ ngày ông mất đến nay, ngày nào cũng có nhiều người đến nhà chia buồn, đến mộ thăm viếng!”.
 
HOÀNG CƯ