Đạ Long: Đồng lòng phòng, chống dịch

04:08, 27/08/2021

Nhắc đến xã Đạ Long, huyện Đam Rông người ta luôn gắn kèm đằng sau đó là: Xã nghèo nhất của huyện nghèo, vấn đề làng cũ...

Nhắc đến xã Đạ Long, huyện Đam Rông người ta luôn gắn kèm đằng sau đó là: Xã nghèo nhất của huyện nghèo, vấn đề làng cũ. Vậy nhưng trong thời điểm hiện tại, giữa lúc dịch bệnh với đầy rẫy những khó khăn, nỗ lực của chính quyền địa phương và nỗi lòng của người dân đã tìm thấy nhau để có chung tiếng nói làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh.
 
Người dân Đạ Long đóng góp ủng hộ bà con vùng dịch TP Hồ Chí Minh
Người dân Đạ Long đóng góp ủng hộ bà con vùng dịch TP Hồ Chí Minh
 
Cũng như các xã khác trên địa bàn huyện Đam Rông nói chung, kể từ khi dịch bệnh bùng lên, công tác phòng, chống dịch được triển khai. Đây trở thành một trong những nhiệm vụ cấp bách, hàng đầu đòi hỏi cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc.
 
Tuyên truyền vẫn là giải pháp xương sống, xuyên suốt được địa phương này thực hiện, nhằm nâng cao hiểu biết của người dân về dịch bệnh để có các biện pháp phòng tránh, nhằm bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng. Tuy vậy, dựa vào đặc thù địa phương, chính quyền địa phương xã Đạ Long đã có nhiều giải pháp khác, vừa thích ứng với tình hình, vừa đáp ứng được mong mỏi của lòng dân.
 
Để thực hiện công tác chống dịch sát sao nhất, từ đầu đợt dịch thứ 4 đến nay (27/4/2021), lãnh đạo xã bám địa bàn tất cả các ngày trong tuần. Trong số 16 chốt tự quản bảo vệ “vùng xanh” được thành lập trên toàn huyện có chốt tự quản của Đạ Long. Khác với các địa phương khác trong huyện - chốt được lập ở những cung đường chính để kiểm soát việc tuân thủ quy định về phòng dịch ở các xã trong huyện, chốt của xã Đạ Long được địa phương này chọn đặt tại Tiểu khu 65. Việc đặt chốt tại đây nhằm kiểm soát chặt lối đường rừng và đường sông, hai đường đi mà bà con khu vực Đầm Ròn và xã Đưng K’Nớ, huyện Lạc Dương thường sử dụng để đi lại. Công tác tuyên truyền không chỉ được làm từ trung tâm xã lan ra mà còn cả từ các chốt kiểm tra vòng về. Nhờ vậy mà bà con ở vùng đất có trên 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số này đã chấp hành, tuân thủ và đồng tình cao để cùng chính quyền địa phương làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh. Suối nước nóng Đạ Long bao năm qua vẫn đông đúc. Đó như một nét đặc trưng của mảnh đất này. Nhưng để chống dịch, bà con đã không còn tụ tập tắm đông đúc như trước đây. Khi trong các thôn, buôn có bà con từ nơi khác trở về, người có uy tín đã chủ động báo lên trưởng thôn, từ đây các tổ COVID cộng đồng xuống trực tiếp nhà bà con để hướng dẫn thực hiện việc khai báo y tế cũng như thực hiện các quy định về phòng dịch.
 
Đáng chú ý hơn, khi dịch bùng lên ảnh hưởng nặng nề ở các khu vực TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, chính quyền xã Đạ Long đã lập ngay nhóm facebook để kết nối những người con Đạ Long đang làm việc ở các địa bàn đó. Đa phần đều là những người trẻ làm công nhân, hay lao động tự do. Bởi vậy, xã Đạ Long đã yêu cầu sự vào cuộc của Đoàn Thanh niên. Tất cả 26 thanh niên Đạ Long làm việc ở các khu vực trên đã được kết nối. Trong số đó có những em đã là F0 và đang phải tiến hành điều trị. Thông qua nhóm, chính quyền xã thường xuyên động viên, thăm hỏi để làm vững lòng các em trong vùng dịch. Đồng thời, thông tin để người nhà an tâm. Ngoài ra, xã Đạ Long còn chủ động vận động các cơ sở kinh doanh đóng chân trên địa bàn xây dựng quỹ ủng hộ con em Đạ Long đang gặp khó khăn trong vùng dịch. Sự đồng thuận của chính quyền và người dân được chứng minh rõ khi bà con Đạ Long đã cùng chính quyền địa phương góp những nông sản mình làm ra để chia sẻ với bà con vùng dịch. Lá bép, rau rừng của các mẹ, các chị ở Đạ Long được gùi ra điểm ủng hộ gửi về Thành phố Hồ Chí Minh. Và mới đây nhất, khi huyện Đam Rông ra lời kêu gọi cán bộ, Nhân dân toàn huyện đóng góp ủng hộ bà con vùng dịch ở quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh, thật bất ngờ khi Đạ Long - xã nghèo nhất nhưng số lượng ủng hộ đứng đầu huyện Đam Rông. Ngoài 9.550.000 đồng tiền mặt còn có 4,25 tạ gạo, 31 thùng mì tôm và 3 tạ rau, củ, quả. Còn lãnh đạo xã Đạ Long vẫn không giấu hết xúc động khi chứng kiến ông Mbon Ha Rong ở Thôn 4, người bao năm qua chưa tìm thấy sự đồng thuận với chính quyền địa phương, nay đã trực tiếp lên xã và gửi cán bộ xã ủng hộ 25.000 đồng. “Người Đạ Long trước nay chủ yếu nhận và họ nhận với suy nghĩ đó là điều hiển nhiên. Nhưng nay bà con đã biết cho đi, biết cố gắng, biết san sẻ. Và không bàn tới giá trị vật chất số tiền ủng hộ, nhưng sự xuất hiện và việc làm của ông Mbon Ha Rong mới là niềm vui lớn nhất của lãnh đạo xã Đạ Long. Bởi điều đó chứng tỏ sự đồng thuận đã thực sự lan tỏa”, ông Lơ Mu Ha Poh - Phó Bí thư Đảng ủy xã tâm tình.
 
Dịch bệnh đã gây ảnh hưởng lớn cho toàn xã hội, nhưng việc biến nguy thành cơ, thích ứng linh hoạt của cả hệ thống chính trị đã biến đây thành đợt tuyên truyền sâu rộng. Đó trở thành cơ sở để làm chuyển biến dần những tư tưởng chưa tiến bộ trong Nhân dân nói chung, đặc biệt là bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Thông qua đó sự đồng thuận của người dân và hệ thống chính trị được đẩy lên mức cao nhất để phòng, chống dịch bệnh trước mắt và kiến thiết cho sự phát triển lâu dài.
 
NGỌC NGÀ