Để trẻ tự tin vào lớp 1

04:09, 23/09/2021

Năm học 2021-2022, giáo dục mầm non tỉnh Lâm Đồng có 231 đơn vị trường học với 69.065 học sinh mẫu giáo, chưa tính trẻ nhà trẻ...

Năm học 2021-2022, giáo dục mầm non (GDMN) tỉnh Lâm Đồng có 231 đơn vị trường học với 69.065 học sinh mẫu giáo, chưa tính trẻ nhà trẻ. Số học sinh mẫu giáo này sẽ bước vào lớp 1 các năm học tới, đặc biệt mẫu giáo 5 - 6 tuổi vào lớp 1 trong năm học sau. Sẽ là khó khăn, vất vả đối với GDMN dạy học tiếp cận với chương trình giáo dục phổ thông mới trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19.
 
Niềm vui của học sinh Trường Mẫu giáo thị trấn Đạ Tẻh ngày đầu tiên được đến trường năm học mới, 20/9/2021
Niềm vui của học sinh Trường Mẫu giáo thị trấn Đạ Tẻh ngày đầu tiên được đến trường năm học mới, 20/9/2021
 
BẬC HỌC MẦM NON - NỀN TẢNG ĐỂ ĐỔI MỚI GIÁO DỤC 
 
Bước vào năm học 2021 - 2022, số trường mầm non trong tỉnh vẫn ổn định như năm học trước, số học sinh mẫu giáo tăng thêm mấy ngàn, nhưng đặc biệt, việc triển khai tổ chức dạy học không thể đồng loạt để đảm bảo phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Lâm Đồng là một trong 14 địa phương kết hợp dạy học trực tiếp, trực tuyến và qua truyền hình. Riêng GDMN tuyệt đối không tổ chức dạy học trực tuyến theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT). Trên cơ sở chỉ đạo của tỉnh, các UBND cấp huyện quyết định việc tổ chức dạy học trực tiếp đối với các cấp học. Vì vậy, một số địa bàn ở Lâm Đồng đã tổ chức cho trẻ mầm non đến trường sáng ngày 20/9/2021. Những địa phương chưa thể triển khai được sẽ càng khó khăn thực hiện chương trình năm học, khi trẻ phải ở nhà thời gian dài, ảnh hưởng đến nền nếp, thói quen thực hiện chế độ sinh hoạt.
 
Không dạy học trực tuyến, vì vậy ngành GDMN cần khẩn trương tập hợp các video bài giảng, kho học liệu mở và xây dựng, biên soạn nguồn học liệu mới. Sự kết nối giữa giáo viên với phụ huynh phải được duy trì qua mạng để giáo viên tích cực chia sẻ, tư vấn việc nuôi dưỡng chăm sóc giáo dục trẻ em. Giáo viên phụ trách các nhóm lớp cần xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình. Một công cụ bổ trợ đắc lực là kênh truyền hình VTV7 - Chương trình “Ở nhà mùa dịch”, phát lúc 17 giờ 30 các ngày thứ 3, 5, 7 hàng tuần. Phụ huynh cần theo dõi để được hướng dẫn về chế độ dinh dưỡng khoa học hợp lý và tổ chức cho trẻ hoạt động vui chơi, học tập tại nhà… Chương trình truyền hình này còn chuẩn bị cho trẻ 5 tuổi sẽ vào lớp 1, như dạy những cách cầm bút, tư thế ngồi, cách tô, viết từng nét cơ bản và 29 chữ cái vào vở ô li, vào bảng con… 
 
Mục tiêu chung là trẻ em được đảm bảo an toàn, chất lượng chăm sóc, giáo dục được nâng cao. Trong đó, trẻ mẫu giáo 5 tuổi được chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng vào lớp 1 bằng nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực... Giáo viên cần lựa chọn những nội dung cốt lõi, cần thiết, hướng dẫn phụ huynh tổ chức giáo dục trẻ em ở nhà phù hợp với điều kiện của gia đình, nhằm chuẩn bị cho trẻ em sẵn sàng vào học lớp 1. Những khu vực tổ chức được dạy học trực tiếp, tranh thủ thời gian vàng ưu tiên hướng dẫn kỹ năng, điều kiện cho trẻ 5 tuổi sẵn sàng vào lớp 1. Nhiệm vụ năm học 2021 - 2022 đối với GDMN là tập trung đảm bảo an toàn tuyệt đối về thể chất và tinh thần cho trẻ em, tổ chức nuôi dưỡng chăm sóc giáo dục trẻ đáp ứng yêu cầu của chương trình GDMN trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
 
Bộ GDĐT đã có “Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2021 - 2022 đối với GDMN” (Văn bản số 3676, ngày 26/8/2021). Chủ đề năm học là “Xây dựng trường mầm non xanh - an toàn - thân thiện”. Tại Hội nghị tổng kết năm học 2020 - 2021, triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2021-2022 đối với GDMN, ngày 18/8/2021, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: “Những gì tốt đẹp nhất phải dành cho trẻ em, sự đổi mới của giáo dục cần phải từ bậc học nền tảng, bậc mầm non”. Ông Sơn cũng cho rằng, chúng ta đang nhấn mạnh, đề cao phương diện giáo dục con người, nhân cách, đạo đức, phẩm chất; mà nhân cách, đạo đức, tình cảm của con người được hình thành quan trọng ở cấp mầm non và những năm đầu tiểu học. Chính vì vậy, chăm lo tới GDMN chính là quan tâm phát triển toàn diện trẻ em, coi trọng yếu tố nhân cách và con người.
 
BẬC HỌC VỚI BA CHỮ “YÊN”
 
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: “Với bậc học mầm non, phải phấn đấu trẻ em tới lớp được yên vui, thầy cô công tác được yên tâm, cha mẹ gửi con được yên lòng. Ba chữ “yên” đó là thước đo sự thành công của chúng ta cho triển khai ở bậc học này”. Để ứng phó với dịch bệnh COVID -19, Bộ GDĐT có công điện và các hướng dẫn năm học; UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Chỉ thị và các văn bản liên quan. Riêng GDMN Lâm Đồng, Sở GDĐT ban hành Văn bản số 1592, ngày 10/9/2021. Qua đó, Sở đề nghị các phòng GDĐT tích cực tham mưu, phối hợp với cấp có thẩm quyền và huy động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ các điều kiện cần thiết để các cơ sở GDMN thực hiện chăm sóc, giáo dục trẻ em. Về chuyên môn, trong thời gian trẻ em chưa đến trường để phòng, chống dịch COVID -19, cần nghiêm túc triển khai các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID -19 của Sở Y tế, phối hợp chặt chẽ với ngành y tế địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. 
 
Đối với cơ sở GDMN tổ chức được dạy học trực tiếp, cần điều chỉnh kế hoạch năm học và tổ chức thực hiện chương trình theo các kịch bản phù hợp; lựa chọn nội dung giáo dục cần thiết phù hợp với thời gian còn lại của năm học, giáo viên chủ động điều chỉnh kế hoạch giáo dục phù hợp với khả năng của trẻ em trong nhóm lớp phụ trách, giúp trẻ em đạt mục tiêu, kết quả mong đợi cuối độ tuổi theo chương trình GDMN.
 
Riêng đối với trẻ mẫu giáo 5 tuổi, lựa chọn những nội dung cốt lõi, cần thiết, ưu tiên tổ chức các hoạt động giáo dục giúp trẻ em đạt được những kiến thức, kỹ năng cần thiết, chuẩn bị cho trẻ em có tâm thế tốt để vào học lớp 1; đảm bảo trẻ em mẫu giáo 5 tuổi hoàn thành chương trình GDMN khi kết thúc năm học… Phải chuẩn bị cho trẻ sẵn sàng học đọc, học viết theo hướng liên thông với chương trình lớp 1. Khuyến khích cơ sở GDMN sáng tạo và làm mới các nội dung chương trình trong việc giúp trẻ tự tin bước vào lớp 1. Chuẩn bị một số đồ dùng dụng cụ học tập của học sinh lớp 1 để trẻ thực hành các kỹ năng. Cùng với đó, giáo viên trao đổi với phụ huynh việc tập cho trẻ thói quen chế độ sinh hoạt ở trường tiểu học như: ăn, ngủ đúng giờ, tự phục vụ bản thân. Ngoài ra, phụ huynh cần xây dựng góc học tập cho trẻ, tập cho trẻ thói quen ngồi vào bàn học, tô viết đúng tư thế, cách cầm bút, tập cho trẻ tự chuẩn bị đồ dùng của mình. Đặc biệt, hoạt động giao lưu, tham quan trải nghiệm với trường tiểu học sẽ tạo tâm thế háo hức sẵn sàng cho trẻ vào lớp 1.
 
MINH ĐẠO