Nội dung giáo dục địa phương bao giờ áp dụng?

04:09, 07/09/2021

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được tổ chức biên soạn theo hướng đổi mới căn bản và toàn diện...

Chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) 2018 được tổ chức biên soạn theo hướng đổi mới căn bản và toàn diện. Trong chương trình đó, chiếm đến 20% thời lượng giảng dạy nội dung giáo dục địa phương để thấy vị trí nội dung này quan trọng như thế nào. 
 
Giờ học nhóm của cô và trò dân tộc Mạ tỉnh Lâm Đồng. (Hình chụp trước ngày 27/4/2021)
Giờ học nhóm của cô và trò dân tộc Mạ tỉnh Lâm Đồng. (Hình chụp trước ngày 27/4/2021)
 
CƠ SỞ PHÁP LÝ
 
Luật Giáo dục 2019 quy định: Tài liệu giáo dục địa phương do UBND cấp tỉnh tổ chức biên soạn đáp ứng nhu cầu và phù hợp với đặc điểm của địa phương, được hội đồng thẩm định cấp tỉnh thẩm định và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) phê duyệt” (Điểm d, khoản 1, điều 32). Cũng tại luật này, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định việc thành lập hội đồng thẩm định cấp tỉnh. “Hội đồng được thành lập theo cấp học. Sở GDĐT là đơn vị tổ chức thẩm định tài liệu. Hội đồng bao gồm các nhà khoa học, nhà giáo dục, nhà quản lý giáo dục, người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và đại diện các tổ chức có liên quan; có ít nhất 1/3 số thành viên là giáo viên đang giảng dạy tại cấp học tương ứng” (Thông tư số 33/2020/TT-BGDĐT, ngày 15/9/2020, Bộ GDĐT, hiệu lực từ ngày 01/11/2020; Khoản 1 và 2, điều 4, chương II). 
 
Cũng theo Thông tư 33/2020, “Quy định việc thẩm định tài liệu giáo dục địa phương”. Bao gồm 5 tiêu chí, tóm tắt như sau: Tiêu chí 1, điều kiện tiên quyết của tài liệu đó là nội dung và hình thức tài liệu không trái với quy định của pháp luật Việt Nam, phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia về xuất bản phẩm; không mang định kiến về sắc tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, giới, lứa tuổi và địa vị xã hội. Tiêu chí 2, nội dung tài liệu thể hiện đầy đủ và đúng các vấn đề về văn hóa, lịch sử truyền thống của địa phương; các thuật ngữ, khái niệm, định nghĩa, số liệu, sự kiện, hình ảnh bảo đảm chính xác, khách quan, nhất quán và phù hợp với trình độ học sinh. Tiêu chí 3, nội dung tài liệu tạo điều kiện cho giáo viên vận dụng sáng tạo các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm; chú trọng thực hành, vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề thực tiễn của địa phương; tạo cơ hội và khuyến khích học sinh tích cực, chủ động, sáng tạo, phát huy tiềm năng của mỗi học sinh... Tiêu chí 4, tài liệu được thiết kế theo các chủ đề phù hợp với nội dung tài liệu theo quy định và phù hợp với kế hoạch giáo dục các môn học, hoạt động giáo dục ở mỗi cấp học, lớp học trong chương trình giáo dục phổ thông. Hình thức trình bày tài liệu cân đối, hài hòa phù hợp với nội dung bài học và lứa tuổi học. Tiêu chí 5, ngôn ngữ sử dụng trong tài liệu là tiếng Việt, bảo đảm các quy định về chính tả và ngữ pháp, các chữ viết tắt, các kí hiệu, phiên âm, đơn vị đo theo quy định của Bộ GDĐT; diễn đạt trong sáng, dễ hiểu, thể hiện chính xác nội dung cần trình bày, phù hợp với lứa tuổi học sinh. 
 
BẢN SẮC VĂN HÓA VÀ LỊCH SỬ VÙNG MIỀN
 
Việc đưa nội dung giáo dục địa phương vào chương trình giáo dục phổ thông được kỳ vọng góp phần giữ gìn bản sắc, giáo dục giá trị tốt đẹp của quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ. Chủ trương này cũng nhằm đến sự tôn trọng tính đa dạng về văn hóa của vùng, miền. Từ kiến thức được tiếp cận về nhiều lĩnh vực khác nhau: văn hóa, địa lý, lịch sử..., học sinh hiểu biết, yêu mến, tự hào những giá trị truyền thống, những tiềm năng của vùng đất mình sinh sống. Những tiết học này sẽ tạo hứng thú ở học sinh để tìm tòi tri thức theo hướng mở rộng, gắn giữa lý thuyết và thực tiễn; rèn luyện kỹ năng sống; ý thức trách nhiệm bản thân đối với cộng đồng... Kiến thức về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa; về khai thác hiệu quả và phát triển bền vững những lợi thế kinh tế - xã hội... được cụ thể hóa sinh động khi nội dung giáo dục địa phương đưa vào trường học. 
 
Tỉnh Lâm Đồng là địa phương Nam Tây Nguyên, có nhiều đặc điểm vừa khu biệt vừa giao thoa và tiếp biến giữa nhiều vùng, miền trong cả nước. Lâm Đồng do đó, có nhiều tiềm năng lớn về các lĩnh vực, từ văn hóa đến kinh tế - xã hội... Với ngành Giáo dục, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GDĐT Lâm Đồng), ông Nguyễn Văn Hải khẳng định: Nội dung lịch sử địa phương được biên soạn từ trước nhưng mới theo chủ đề: Văn hóa, lịch sử, địa lý, chưa biên soạn theo nội dung bài học cho giáo viên giảng dạy. Vì vậy, đây là nguồn dữ liệu có sẵn và hỗ trợ tích cực cho quá trình biên soạn Tài liệu giáo dục địa phương mới vừa đạt yêu cầu về nội dung vừa bảo đảm tiến độ. 
 
Thế nhưng, đáng tiếc là việc áp dụng nội dung giáo dục địa phương Lâm Đồng vào chương trình mới, từ lớp 1 (năm học 2020-2021) và lớp 2, lớp 6 (năm học 2021-2022) chưa thành hiện thực. Chúng tôi đặt vấn đề về tiến độ và chất lượng nội dung giáo dục địa phương với Giám đốc Sở GDĐT Lâm Đồng và được bà Phạm Thị Hồng Hải cho biết: Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Lâm Đồng của lớp 1 đã xây dựng hoàn chỉnh và gửi Bộ GDĐT phê duyệt, chất lượng đảm bảo theo yêu cầu. Sở GDĐT cũng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 7226 ngày 4/11/2019 về việc Biên soạn, thẩm định và tổ chức thực hiện tài liệu giáo dục địa phương trong chương trình giáo dục phổ thông. Sở đã ban hành Khung Chương trình tài liệu giáo dục địa phương cấp THCS và THPT trong Chương trình GDPT 2018. 
 
Việc biên soạn tài liệu giáo dục địa phương lớp 2 và lớp 6, Sở GDĐT đang tiến hành thu thập tài liệu; đồng thời đang hoàn tất các thủ tục đấu thầu để phối hợp với nhà xuất bản biên soạn. Người đứng đầu ngành Giáo dục Lâm Đồng cũng thừa nhận “Tiến độ biên soạn tài liệu giáo dục địa phương lớp 2 và lớp 6 chậm so với kế hoạch. Sở tiếp tục phối hợp với nhà xuất bản để đẩy nhanh tiến độ biên soạn tài liệu giáo dục địa phương lớp 2, lớp 6 và các lớp tiếp theo theo lộ trình của CT GDPT 2018”. Được biết, trước đó, ngày 12/7/2021, Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Giáo dục Phương Nam đã được Sở GDĐT Lâm Đồng thông báo trúng thầu gói tổ chức biên soạn tài liệu địa phương lớp 2 và lớp 6. 
 
MINH ĐẠO