Đọc sách là cách học tập tốt nhất

05:10, 22/10/2021

Trong nền giáo dục hiện đại của nhiều quốc gia, thư viện trường học giữ vai trò rất quan trọng...

Trong nền giáo dục hiện đại của nhiều quốc gia, thư viện trường học giữ vai trò rất quan trọng. Ngành Giáo dục Việt Nam đang tích cực “chuyển mình” theo hướng đổi mới căn bản, toàn diện và hội nhập quốc tế, thư viện trường học ngày càng góp phần tất yếu vào thành công của sự nghiệp “trồng người”. 
 
Hoạt động theo Dự án RtR tại trường tiểu học ở huyện Di Linh
Hoạt động theo Dự án RtR tại trường tiểu học ở huyện Di Linh
 
  PHÁT HUY LỢI ÍCH TỪ THƯ VIỆN TRƯỜNG HỌC
 
Đầu năm học 2021-2022, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Lâm Đồng cho biết, toàn ngành có 702/702 trường học đều có thư viện (TV). Gồm 59 trường cấp THPT, 157 trường cấp THCS, 243 trường cấp tiểu học, 231 trường cấp mầm non và 12 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Theo Phó Giám đốc Sở Trần Đức Lợi: “Các TV được đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên dụng trong TV trường học theo hướng chuẩn hóa, đồng bộ, thân thiện, phù hợp với từng cấp học. Xây dựng môi trường đọc và không gian đọc thân thiện, an toàn. Sách giáo khoa, sách nghiệp vụ của giáo viên, sách tham khảo cơ bản đáp ứng nhu cầu tối thiểu theo từng cấp cho giáo viên và học sinh. Các đơn vị trường học chủ động, linh hoạt sử dụng hiệu quả, hợp lý các nguồn kinh phí cho công tác TV nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho giáo dục và phát triển văn hóa đọc trong nhà trường”. 
 
Về tài nguyên, 100% trường học được trang bị cơ bản đảm bảo sách, báo, tạp chí, bản đồ, tranh ảnh giáo dục, băng đĩa giáo khoa phục vụ dạy học. Bên cạnh đó, các trường học còn huy động được các nguồn quỹ ngoài ngân sách (năm học 2020-2021, hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam, kết quả quyên góp ủng hộ TV trường vùng sâu, vùng xa, khu vực khó khăn được 25.089 bản sách giáo khoa, 8.891 bản sách truyện thiếu nhi và 3.357 bản sách tham khảo). Toàn ngành có tổng số bản sách in là 1.791.064 bản, 451.932 đầu sách in, 58 đầu tài liệu điện tử/tư liệu số và 5 đầu tạp chí. Chỉ số phát triển văn hóa đọc năm học 2020-2021 là 189.993 thẻ bạn đọc TV; 9.171.012 lượt người sử dụng TV được phục vụ; 412.584 lượt sách báo phục vụ của TV. Số bản sách trung bình một người sử dụng TV đọc trong năm là 2,2. Trong năm học, có 20 lớp tập huấn về kỹ năng đọc, kỹ năng thông tin do TV tổ chức; 620 lượt người sử dụng được TV tập huấn, trang bị kiến thức thông tin và kỹ năng đọc...
 
Đặc biệt, từ năm 2017 đến nay, Tổ chức Room to Read (RtR) và ngành GDĐT triển khai Chương trình TV thân thiện được hai bên ký kết trong 3 năm. Năm 2018, tại 24 trường tiểu học, trong đó 20 trường toàn phần, 4 trường bán phần. Năm 2019, nhân rộng thêm 24 TV; kết quả triển khai tại 34 trường tiểu học gồm 30 trường toàn phần, 4 trường bán phần. Năm 2021, nhân rộng lên 54 trường, số lượng tham gia 1.586 giáo viên, 34.229 học sinh. Các hình thức hoạt động tại TV theo RtR là tổ chức đọc sách cho học sinh và giáo viên, tổ chức Ngày Sách Việt Nam, trưng bày sách tại trường, tổ chức dạy tiết đọc TV...
 
  VẪN NHIỀU KHÓ KHĂN VÀ HẠN CHẾ 
 
Thực tế cho thấy, tại Lâm Đồng, một số TV trường học còn thiếu diện tích phòng đọc, chỗ ngồi đọc sách cho cán bộ, giáo viên và học sinh. Một số TV có đầu sách giáo khoa, sách tham khảo ít, chưa đảm bảo theo các tiêu chí tại Nghị định số 93/2020/NĐ-CP, ngày 18/8/2020 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật TV. Một số đơn vị trường học thiếu cán bộ TV chuyên trách, phải phân công cán bộ quản lí hoặc giáo viên kiêm nhiệm, ảnh hưởng chất lượng hoạt động của TV. Một số cán bộ TV thực hiện công tác thiết lập, cập nhật, bảo quản hồ sơ chưa thật sự khoa học, chưa kịp thời và chưa chính xác; việc theo dõi, quản lý tài liệu, sách chưa thật sự chặt chẽ, còn để xảy ra tình trạng thất thoát, chưa thu hồi đủ số lượng sách, tài liệu đã cho giáo viên, học sinh mượn. Công tác xã hội hóa còn hạn chế, chưa huy động được nhiều nguồn lực để mua sắm, bổ sung sách, tài liệu, trang thiết bị cho TV.
 
Những hạn chế, tồn tại trên càng thấy rõ khi căn cứ “Quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học” theo Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 của Bộ GDĐT. Trong đó, “Thư viện: mỗi trường có tối thiểu 1 TV, mỗi điểm trường có tủ sách dùng chung; TV tối thiểu có các khu chức năng: kho sách, khu quản lý (nơi làm việc của nhân viên TV), khu đọc sách dành riêng cho giáo viên và học sinh”...
 
  ĐỂ HIỆU QUẢ HƠN VAI TRÒ THƯ VIỆN TRƯỜNG HỌC
 
Trước hết là sự đáp ứng yêu cầu của đổi mới giáo dục. Cụ thể, tăng cường tập huấn, hướng dẫn giáo viên về hình thức, phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực; xây dựng kế hoạch bài học theo hướng tăng cường, phát huy tính chủ động, tích cực, tự học của học sinh thông qua việc thiết kế tiến trình dạy học thành các hoạt động học để thực hiện cả ở trên lớp và ngoài lớp học; chú trọng rèn luyện cho học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu sách giáo khoa để tiếp nhận và vận dụng kiến thức mới thông qua giải quyết nhiệm vụ học tập đặt ra trong bài học; dành nhiều thời gian trên lớp cho học sinh luyện tập, thực hành, trình bày, thảo luận, bảo vệ kết quả học tập của mình; giáo viên tổng hợp, nhận xét, đánh giá, kết luận để học sinh tiếp nhận và vận dụng. Việc nâng cấp hệ thống TV, hệ thống máy tính kết nối Internet tạo cơ hội cho học sinh và giáo viên tìm hiểu và tiếp cận với các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới là một giải pháp quan trọng về hội nhập quốc tế trong GDĐT...
 
Tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động GDĐT, trong đó có TV trường học. Theo Sở GDĐT Lâm Đồng, kinh phí đầu tư công năm 2020 toàn ngành là 368,740 tỷ đồng; kinh phí sự nghiệp ngành đầu tư cho cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất và mua sắm thiết bị là 177,4 tỷ đồng. Nhờ đó, đã đưa vào 328 phòng học, 95 phòng bộ môn, 14 nhà đa năng,...; và trong đó có 26 phòng TV. Năm 2021, công trình chuyển tiếp sang là 492 phòng học, 156 phòng học bộ môn, 6 nhà đa năng, 34 phòng TV... Ngành được bố trí 321,8 tỷ đồng vốn đầu tư công và vốn sự nghiệp giáo dục (cấp sở và cấp huyện). Đầu năm học 2021-2022, đã đưa vào sử dụng 246 phòng học, 78 phòng học bộ môn, 3 nhà đa chức năng...; và trong đó có 17 phòng TV. Chưa tính đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy học trên ba trăm tỷ đồng/năm.
 
Những nỗ lực của tỉnh Lâm Đồng đối với sự nghiệp GDĐT nêu trên rất đáng trân trọng. Kết quả là hiện thực triển khai Quyết định số 1436/QĐ-TTg ngày 29/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017-2025”. Tiếp tục quan tâm đầu tư đến giáo dục cũng là thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ, 5 nhóm giải pháp mà Bộ GDĐT nêu ra của năm học 2021-2022. Trong đó có nội dung “tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới gắn với việc xây dựng trường chuẩn quốc gia”. Và đây cũng là triển khai thực hiện “Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 trong ngành GDĐT” mà Sở GDĐT Lâm Đồng ban hành Kế hoạch ngày 29/9/2021.
 
MINH ĐẠO