Người nhiều duyên nợ với Lâm Hà quê mới

08:10, 10/10/2021

(LĐ online) - Lần đầu tiên tôi gặp anh Phan Hữu Giản ở thị trấn Nam Ban là cuối năm 1982. Lúc đó, anh Giản là Phó Trưởng ban xây dựng Vùng Kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng...

(LĐ online) - Lần đầu tiên tôi gặp anh Phan Hữu Giản ở thị trấn Nam Ban là cuối năm 1982. Lúc đó, anh Giản là Phó Trưởng ban xây dựng Vùng Kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng. Dáng người gầy, dong dỏng cao, tóc cắt ngắn, áo quần lúc nào cũng tươm tất. Bây giờ, anh đã mập lên nhiều và dáng vẻ là một lão ông khi bước qua tuổi tám mươi.
 
Anh Phan Hữu Giản (người thứ hai, hàng thứ hai từ trái sang) và cán bộ chủ chốt Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Vùng Kinh tế mới Hà Nội đón đồng chí Hoàng Thị Thân - Phó Bí thư Thành đoàn vào thăm đầu năm 1977.
Anh Phan Hữu Giản (người thứ hai, hàng thứ hai từ trái sang) và cán bộ chủ chốt Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Vùng Kinh tế mới Hà Nội đón đồng chí Hoàng Thị Thân - Phó Bí thư Thành đoàn vào thăm đầu năm 1977.
 
Tướng anh to cao, nhưng tính tình lại điềm đạm, nói năng lại từ tốn, thủ thỉ. Tôi chưa lần nào bắt gặp hình ảnh anh quát tháo, ra oai với ai. Tôi cũng đã nhiều lần làm việc với anh, khi anh còn là Bí thư đảng ủy Vùng Kinh tế mới Hà Nội, Bí thư Huyện ủy Lâm Hà, Bí thư Thành ủy Đà Lạt, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Lâm Đồng, cũng như những ngày anh về hưu ở đường Nguyễn Du, rồi định cư ở đường Lý Nam Đế, Đà Lạt. Trong quan hệ, tôi biết cũng có người không thích anh, đó cũng là chuyện thường tình. Nhưng có lẽ, tình cảm của anh và tôi gắn kết là vì cùng có chung trách nhiệm, khi nói về, nghĩ về Vùng Kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng.
 
Thông thường, tôi được anh tham khảo ý kiến khi phác thảo ra một đề cương cuốn sách, giúp anh biên tập, chọn bài và “can thiệp sâu” cả vào những tình tiết không cần thiết cho đứa con tinh thần ra đời. Anh luôn lắng nghe và ngẫm ngợi.
 
Ngày xưa, Vùng Kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng có nhà truyền thống lưu trữ sổ vàng, tư liệu, hình ảnh… nhưng qua nhiều đời quản lý, vật đổi sao dời, nên mất mát khá nhiều. Những gì còn lại, may chăng chỉ còn tìm thấy trong kho tư liệu của tôi và anh. Bây giờ, chúng tôi đã có cả hàng trăm bức ảnh đen trắng quý giá của vùng, thậm chí cả ngàn bức ảnh về huyện Lâm Hà, có đầy đủ các sách đã xuất bản, các bản phim về vùng đất này. Tôi đã hợp tác cùng anh, cho ra đời nhiều ấn phẩm, như: “Người Hà Nội trên cao nguyên xanh” tập 1 (Năm 2004); “Mở đất” (Tuyển tập thơ nhạc từ năm 1976 đến năm 2006); “Người Hà Nội trên cao nguyên xanh” tập 2, tuyển chọn nhiều bài văn, thơ và ca khúc viết về Vùng Kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng; về Làng hoa Hà Đông (Năm 2015)… Nhiều tư liệu, bài viết, bài thơ có chất lượng về một vùng đất đã được gom góp lại, mà không phải huyện thành nào ở Lâm Đồng cũng làm được. Nét văn hóa Hà thành đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân ở Lâm Hà. Tôi quý anh là ở chỗ đó.
 
Anh còn chịu khó liên hệ với Xưởng phim Tài liệu Trung ương, gặp gỡ các đạo diễn, nhà biên kịch, kho lưu trữ của Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Phát thanh truyền hình Hà Nội để xin lại các bản phim về vùng Kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng đã phát hành trước đây như: Mở đường thắng lợi, Người Hà Nội trên cao nguyên đất đỏ, Trên cao nguyên xanh…
 
Sau khi huyện Lâm Hà ra đời, anh còn tiếp tục cộng tác với tác giả Lê Nhị Hà cho ra đời các phim tài liệu nghệ thuật “Một vùng quê mới” (1992) và với các tác giả Quảng Thu Hà, Phùng Tú hoàn thành phim tài liệu “Hoa dã quỳ trên đất Lâm Hà” (2015). 
 
Tuy bận trăm công nghìn việc, nhưng anh vẫn yêu thơ, làm thơ. Thơ anh gần gũi, gắn bó với đời sống thường nhật của bà con, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số ở Nam Tây Nguyên. Nhớ về ngày đầu đi mở đất, anh lãng mạn trong dòng thơ của mình: Qua dốc Vắt, gặp đồi Sim/ Vượt trần ai mới bước lên chốn này/ Ước gì cưỡi gió mây bay/ Về nhà trao mũ sim đầy tặng… em. (Ngày đầu mở đất).
 
Anh có rất nhiều duyên nợ với vùng đất mới. Trong bài thơ “Quê mới”, anh tâm sự: Bưng bát cơm thơm/ Nhớ buổi mới xa nhà/ Lắm lúc rau rừng, sắn ngô thay bữa… Anh nhớ đến những người đồng hương của mình trên quê mới: Quên tuổi già/ Ông lặn lội cuốc sình cấy lúa/ Bà cặm cụi còng lưng cuối bãi đầu nương/ Con đi học đường rừng lội suối mưa trơn/ Em tay lấm chân bùn hai sương một nắng… (Quê mới).
 
Thơ anh dung dị như cuộc đời của anh. Có những lúc một mình, anh thao thức đêm khuya nghĩ về những chặng đường đi tới đây đầy chông gai của bà con trên quê mới Lâm Hà. Những câu thơ vụt đến như những trang nhật ký đời thường mà anh kịp ghi lại: Nhát cuốc khai hoang khơi nguồn ước vọng/ Đất ủ mầm xanh nên ruộng nên vườn/ Hoa khắp miền về góp mật thơm hương/ Tre ấm bụi chim hợp đàn xây tổ/ Thao thức đèn khuya một thời trăn trở/ Đất nỡ phụ người đâu, sao vẫn khổ vẫn nghèo (Đất ấm tình người).
 
Anh Phan Hữu Giản, sinh năm Tân Tỵ (1941), nguyên quán phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, Thành phố Hà Nội. Ngay từ đầu tháng 5 năm 1976, anh đã có mặt tại Vùng Kinh tế mới Hà Nội ở Lâm Đồng với tư cách là Bí thư Đoàn Thanh niên lao động tiền trạm. Anh gắn bó với bà con các vùng quê Gia Lâm, Từ Liêm, Thanh Trì, Đông Anh, Mê Linh, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng… ở Nam Ban, hay Hoài Đức, Thạch Thất, Phúc Thọ, Đan Phượng … ở Tân Hà - Lán Tranh ngày nào.
 
Với anh, Vùng Kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng và huyện Lâm Hà quê mới mãi mãi là vùng đất thiêng mà anh suốt đời còn nhiều duyên nợ.
 
TRẦN NGỌC TRÁC