Chuẩn bị sẵn sàng các tình huống khi ca bệnh Covid-19 tăng cao

12:11, 07/11/2021

(LĐ online) - Lâm Đồng qua 20 ngày kể từ khi thực hiện quy định tạm thời đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, số ca Covid-19 tăng 192%, các chùm và chuỗi lây nhiễm Covid-19 tăng 272%. 

(LĐ online) - Lâm Đồng qua 20 ngày kể từ khi thực hiện quy định tạm thời đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, số ca Covid-19 tăng 192%, các chùm và chuỗi lây nhiễm Covid-19 tăng 272%. 
 
Thực hiện truy vết, xét nghiệm thần tốc để khống chế chùm lây nhiễm Covid-19 tại nhà trọ Đức Uyên (xã Đạ Ròn, Đơn Dương)
Thực hiện truy vết, xét nghiệm thần tốc để khống chế chùm lây nhiễm Covid-19 tại nhà trọ Đức Uyên (xã Đạ Ròn, Đơn Dương)
 
DỊCH TĂNG THEO CHÙM, CHUỖI LÂY NHIỄM 
 
Ngày 15/10, thời điểm triển khai đánh giá cấp độ dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế, Lâm Đồng thuộc cấp độ 2 (nguy cơ trung bình) từ chỗ có 10 huyện, thành phố ở cấp độ 1 (vùng xanh - bình thường mới); 2 huyện, thành phố cấp độ 2 (vùng vàng - nguy cơ trung bình là TP Đà Lạt, Đức Trọng), đến ngày 7/11, đã đảo chiều với 10 huyện, thành phố lên cấp độ 2 (vùng vàng) và 2 huyện cấp độ 1 (vùng xanh là Đạ Huoai và Cát Tiên).
 
Cũng ngày 15/10, Lâm Đồng có 1 phường thuộc cấp độ 4 (Phường 5 - TP Đà Lạt), 3 xã thuộc cấp độ 2 (thị trấn Liên Nghĩa, Liên Hiệp, Phú Hội - Đức Trọng) và 138 xã thuộc vùng xanh (cấp độ 1). Đến 7/11, Lâm Đồng không có vùng đỏ, nhưng vùng vàng tăng nhanh với 38 xã, phường, thị trấn thuộc cấp độ 2; nhiều nhất là TP Đà Lạt có 10 phường thuộc vùng vàng.
 
Đến 7 giờ sáng 7/11, Lâm Đồng có tổng số 688 ca Covid-19; trong đó, đang cách ly điều trị 235 ca, ra viện 449 ca, tử vong 3 ca, về địa phương khác 1 ca. Toàn tỉnh đang cách ly 8.668 trường hợp phòng dịch Covid-19; trong đó, cách ly tại cơ sở y tế 240 người, cách ly tập trung 2.021 người và cách ly tại nhà 6.407 người.
 
Nguồn lây nhiễm Covid-19 xâm nhập vào Lâm Đồng chủ yếu là từ người ngoài tỉnh, bao gồm: Công dân trở về từ vùng dịch, người lao động đến làm thuê thu hoạch cà phê đang vào mùa vụ, khách du lịch đến lưu trú; trong khi đó, nguy cơ nguồn lây từ tài xế vận chuyển hàng hóa đường dài vẫn còn đáng lo ngại do thay đổi quy định cách ly dựa trên mũi tiêm vắc xin. Đồng thời, chính sách, quy định mới áp dụng trong việc cách ly y tế theo hướng nới lỏng, chủ yếu thực hiện cách ly tại nhà, điều này phụ thuộc vào ý thức chấp hành quy định và sự giám sát của chính quyền cơ sở, khi đối tượng không tuân thủ cách ly tại nhà đã ra ngoài giao dịch, tiếp xúc, sử dụng các dịch vụ, tiện ích công cộng đã làm gia tăng các chùm, chuỗi lây nhiễm trong gia đình, họ hàng và lan ra cộng đồng với số tiếp xúc gần F1, F2 tăng cao, sàng lọc cộng đồng nhiều hơn, đối tượng lây nhiễm đa dạng từ người cao tuổi (hơn 90 tuổi) đến trẻ em (2 tuần tuổi). Chính vì ca bệnh lan ra cộng đồng nên khi phát hiện đã thành chùm, thành chuỗi rất phức tạp trong công tác kiểm soát, khống chế dịch tại địa phương hiện nay, vùng xanh bỗng chốc chuyển thành vùng vàng và nâng cấp độ dịch là nguy cơ hiện hữu trong giai đoạn hiện nay.
 
Phân tích, so sánh tình hình dịch tại Lâm Đồng trong thời gian 21 ngày trước ngày 15/10 thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, Lâm Đồng có 123 ca nhiễm mới và 21 ngày sau ngày 15/10, Lâm Đồng có 236 ca nhiễm mới (tăng 192%); cùng mốc thời gian này từ 11 chùm, chuỗi lây nhiễm đã tăng lên 30 chùm, chuỗi (tăng 272%). 
 
Từ ngày 15/10 đến 5/11 đã có 13.306 người các tỉnh, thành phố phía Nam về địa phương Lâm Đồng, đã có 84 trường hợp mắc Covid-19; trong đó, có 38 trường hợp mắc Covid-19 đã tiêm 2 mũi vắc xin phòng Covid-19 chiếm 45,2 %, còn lại 24 ca đã tiêm 1 mũi, 22 ca chưa tiêm vắc xin. 
 
ĐÁP ỨNG NHU CẦU Ô XY TRONG 3 NGÀY CHO TÌNH HUỐNG DỊCH 3.000 CA MẮC
 
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp nhận định: “Hiện tại, tỉnh Lâm Đồng được đánh giá cấp độ dịch ở cấp độ 2 (vùng vàng), tuy nhiên, dự báo nếu không có giải pháp mạnh mẽ để kiểm soát dịch thì cuối tháng 11 này, tỉnh sẽ chạm mốc 1.000 ca bệnh Covid-19”. 
 
Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng Nguyễn Đức Thuận cho biết: Tỉnh đang phấn đấu trong tháng 11/2021 hoàn thành tiêm 1 mũi vắc xin Covid-19 cho 100% người dân từ 18 tuổi trở lên, đồng thời, triển khai tiêm vắc xin cho trẻ em dưới 18 tuổi theo lộ trình.
 
Đến ngày 4/11, số liều vắc xin đã tiêm trên số liều được Bộ Y tế cấp cho tỉnh là: 1.257.777 (đạt 83,6%). Trong đó, tỷ lệ bao phủ người trên 18 tuổi đã tiêm vắc xin 1 mũi là 912.131 người (đạt 94,54%) và tiêm đủ 2 mũi là 345.646 người (đạt 35,83%). Tỷ lệ bao phủ trên dân số đã tiêm vắc xin 1 mũi đạt 66,24% và đủ 2 mũi đạt 25,1%.
 
Theo Sở Y tế Lâm Đồng, để đảm bảo khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến, tại các huyện, thành phố có kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng và có kế hoạch cung cấp ô xy y tế cho các trạm y tế xã, phường, thị trấn để đáp ứng khi có dịch xảy ra. Nhân lực y tế trong ngành có 4.250 cán bộ y tế; trong đó, có 16 bác sĩ hồi sức cấp cứu, thiết lập 123 Trạm y tế lưu động. Sở Y tế đã tham mưu UBND tỉnh thành lập Bệnh viện dã chiến quy mô 300 - 500 giường tại Trung đoàn 994 (huyện Đức Trọng) để điều trị bệnh nhân Covid-19 khi số ca bệnh trên địa bàn tăng cao. Thành lập cơ sở thu dung điều trị bệnh nhân Covid19 tại Tu viện Sao Mai (TP Bảo Lộc) quy mô 70 giường bệnh, thành lập Khu điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Nhi Lâm Đồng quy mô 300 giường bệnh và tại Bệnh viện Đa khoa II Lâm Đồng 200 giường bệnh; sử dụng 13 cơ sở khám, chữa bệnh, Phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế làm cơ sở thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng với tổng số 245 giường bệnh. 
 
Tổng số giường bệnh đã bố trí là 1.315 giường cho 3 tầng điều trị (tầng 1 có 815 giường, tầng 2 và 3 có 500 giường); có 82 giường hồi sức cấp cứu (ICU) tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng (42 giường) và tại Bệnh viện Đa khoa II Lâm Đồng (40 giường). Trong thời gian tới, Sở Y tế Lâm Đồng tiếp tục tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định thành lập các cơ sở thu dung bệnh nhân tại các cơ sở công cộng để điều trị các ca bệnh F0 kịp thời (các huyện, thành phố đã dự kiến bố trí thêm 1.702 giường bệnh cho tầng 1). Ngoài ra, còn có 54 khu cách ly tập trung không thu phí tại các huyện, thành phố với 7.034 giường dự kiến sẽ làm Cơ sở thu dung điều trị Covid-19 khi dịch lan rộng.
 
Rà soát các điều kiện cơ sở vật chất, nhân sự, ô xy y tế... tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để chuẩn bị sẵn các tình huống khi có ca bệnh tăng cao. Toàn tỉnh hiện có 145 máy thở, 3 bồn ô xy lỏng (dung lượng 23 m 3), hiện đang đấu thầu lắp đặt 2 bồn ô xy lỏng (mỗi bình dung lượng 11 m 3 tại Bệnh viện Nhi và Bệnh viện Đa khoa II Lâm Đồng); trang bị 1.099 bình ô xy các loại (801 bình 40L, 210 bình 13L, 88 bình 10L). Tổng sức chứa tối đa quy đổi ra lít khí là 46.894.000 lít, có thể đáp ứng nhu cầu ô xy trong 3 ngày cho tình huống dịch 3.000 ca mắc (cùng 1 thời điểm). Các đơn vị đã hợp đồng nguyên tắc với các nhà cung cấp để đảm bảo vận chuyển, cung cấp ô xy trong tình huống dịch lan rộng. 
 
Hiện, Lâm Đồng đã xây dựng kế hoạch thiết lập 123 trạm y tế xã di động trong phòng chống dịch Covid-19 tại 12 huyện, thành phố (Đà Lạt 16, Lạc Dương 2, Đơn Dương 18, Đức Trọng 3, Lâm Hà 16, Đam Rông 8, Di Linh 19, Bảo Lộc 3, Bảo Lâm 10, Đạ Huoai 9, Đạ Tẻh 10). Các trạm y tế lưu động sẽ thu dung điều trị F0, hướng dẫn tư vấn sức khỏe cho người dân, tư vấn đặt lịch hẹn khám tại các cơ sở khám chữa bệnh, hạn chế tập trung đông người và giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cơ sở khám, chữa bệnh và cộng đồng. 
 
Sở Y tế tỉnh đã tiếp nhận và phân bổ cho 12 huyện, thành phố, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh với 1.000 túi thuốc A (có 4 loại thuốc: Kẽm Gluconate 10mg, Paracethamol 500mg, Vitamin C 500 mg, Vitamin D), 550 túi thuốc B (có 3 loại thuốc: Methylprednisolon 16mg, Pantoprazol 40mg, Rivaroxaban 10mg), 500 khẩu trang N95, 500 Mask thở ô xy có túi bóng và 25 máy do SpO2 do Công ty TNHH Phát triển khoa học Sự sống tài trợ, để chuẩn bị có kế hoạch triển khai điều trị bệnh nhân Covid-19 tại nhà theo quy định của Bộ Y tế. 
 
Khi dịch đã lan ra cộng đồng thì chiến lược xét nghiệm triển khai thần tốc, xét nghiệm nhiều vòng ở các địa bàn nguy cơ cao, rất cao giúp nhanh chóng phát hiện, bóc tách các trường hợp mắc, hạn chế lây lan và giúp người mắc tiếp cận các dịch vụ y tế từ sớm, từ xa, từ cơ sở; đồng thời, đánh giá được mức độ nguy cơ của từng địa bàn để thu hẹp phạm vi và rút ngắn thời gian thực hiện giãn cách xã hội. 
 
Thiết lập hệ thống chăm sóc, điều trị giảm tử vong, hình thành trạm y tế lưu động để cung cấp các dịch vụ y tế cho người dẫn từ sớm, từ xa, ngay tại cơ sở, đặc biệt là tại các địa bàn thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội. 
 
Tiếp tục phát huy hoạt động của các Tổ Covid tại cộng đồng, hiện có 2.313 tổ với 8.373 người tham gia, đây là lực lượng quan trọng trong giai đoạn hiện nay, hoạt động dưới sự hướng dẫn về chuyên môn kỹ thuật của ngành y tế. Tùy theo điều kiện thực tế, mỗi tổ phụ trách từ 40 - 50 hộ gia đình và có phân công danh sách hộ gia đình cụ thể cho từng tổ. Nhiệm vụ của tổ là hàng ngày đi từng ngõ, gõ từng nhà để truyền thông, vận động, nhắc nhở Nhân dân các biện pháp phòng chống dịch; yêu cầu và hướng dẫn người dân tự theo dõi sức khỏe, chủ động khai báo y tế khi bản thân hoặc người trong gia đình có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh.
 
Để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch hiệu quả, toàn dân cần tiếp tục thực hiện tốt 5K + Vắc xin, nêu cao tinh thần giám sát, kiểm tra, thông tin cảnh báo kịp thời ngay tại địa bàn cơ sở, như lời đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận thường nhấn mạnh trong các hội nghị về công tác phòng chống dịch của tỉnh: “Ý thức là vắc xin quan trọng nhất trong phòng chống dịch Covid-19”. 
 
AN NHIÊN