Những cô nuôi dạy trẻ ở vùng xa

08:11, 20/11/2021

(LĐ online) - Mầm non bán trú là câu chuyện không còn xa lạ ở nhiều nơi, khi mà cả xã hội đặc biệt dành nhiều sự quan tâm cho con trẻ. Nhưng giữa những buôn làng vùng xa, đằng sau câu chuyện bán trú ấy là tấm lòng, là những nỗ lực miệt mài của những người nuôi dạy trẻ.

(LĐ online) - Mầm non bán trú là câu chuyện không còn xa lạ ở nhiều nơi, khi mà cả xã hội đặc biệt dành nhiều sự quan tâm cho con trẻ. Nhưng giữa những buôn làng vùng xa, đằng sau câu chuyện bán trú ấy là tấm lòng, là những nỗ lực miệt mài của những người nuôi dạy trẻ.
 
Cô giáo Păng Pế K’Măng trong tiết học dạy các em các điệu múa truyền thống của dân tộc M’nông
Cô giáo Păng Pế K’Măng trong tiết học dạy các em các điệu múa truyền thống của dân tộc M’nông
 
CÂU CHUYỆN BÁN TRÚ
 
Chúng tôi có mặt ở điểm trường chính, Trường Mầm non xã Đạ M’Rông (Đam Rông). Trường lớp khang trang, tiếng cười con trẻ giòn tan trong nắng sớm. Cô Phạm Thị Ngọc Bích – Hiệu trưởng nhà trường tâm sự: “Những gì có được hôm nay là kết quả có được sau chặng đường dài phấn đấu”. 
 
Ngoài cơ sở vật chất nằm trong chương trình đầu tư xây dựng của địa phương thì việc thực hiện bán trú và nâng cao chất lượng bữa ăn bán trú cho trẻ là kết quả sự nỗ lực của các cô giáo. Cô Ngọc Bích khẳng định, việc tổ chức cho trẻ ăn trưa tại trường có vai trò hết sức quan trọng nhằm nâng cao tỉ lệ huy động trẻ đi học chuyên cần hàng ngày, chất lượng bữa ăn đảm bảo góp phần giảm tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng. Trẻ được ăn, ngủ cùng cô tại trường đã tăng sự gắn kết tình cảm giữa cô và trẻ, giáo viên có nhiều thời gian giao lưu trò chuyện với trẻ bằng tiếng phổ thông. Từ đó chất lượng chăm sóc, giáo dục được nâng lên, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của địa phương bởi thay vào hàng ngày người dân đưa trẻ đi nương rẫy hay phải chuẩn bị bữa ăn cho trẻ tại nhà, nay người dân đã hoàn toàn yên tâm cho con em mình ăn ngủ tại trường từ sáng đến chiều để yên tâm lao động, sản xuất.
 
Ngay ở độ tuổi mầm non các em đã được học thêm những kiến thức, kỹ năng trong cuộc sống
Ngay ở độ tuổi mầm non các em đã được học thêm những kiến thức, kỹ năng trong cuộc sống
 
94% trẻ tại trường là con em dân tộc M'Nông và dân tộc Cil. Nhiều năm trước đây, cảnh trẻ ăn cơm với muối trắng, ăn cháo chua... không khó bắt gặp. Phụ huynh còn tư tưởng phó mặc cho nhà trường. Năm 2010, khi có quyết định hỗ trợ kinh phí ăn trưa cho trẻ, đến tháng 12/2011 nhà trường tổ chức bán trú cho trẻ. Tuy nhiên, vì còn mới mẻ nên công tác bán trú chưa đi vào quy củ. Tại điểm trường chính, một số trẻ ăn trưa theo chế độ hỗ trợ, một số trẻ được bố mẹ chuẩn bị cặp lồng cơm từ nhà mang đi. Còn ở các điểm trường không thực hiện bán trú nên việc chăm sóc nuôi dưỡng không đồng bộ dẫn đến tỉ lệ chuyên cần của trẻ chỉ đạt 60%. 
 
Vấn đề này được các cô giáo ở Trường Mầm non Đạ M’Rông cải thiện qua từng năm, và đến năm học 2016 – 2017, công tác bán trú đã được thực hiện tại điểm trường chính và hai điểm trường. Phụ huynh đã chung tay với nhà trường để tổ chức nấu bữa trưa cho trẻ. Phụ huynh Păng Tiêng K’Nguyên nói rằng, bà con hỗ trợ nhà trường cải thiện bữa ăn cho trẻ không chỉ có tiền mặt mà còn có cả gạo, rau xanh, bầu, bí, chuối... rồi quy đổi thành tiền. Các cô giáo trồng rau xanh, chăn nuôi để đa dạng hóa nguồn thực phẩm tại chỗ theo mùa. Nhà trường cũng ký hợp đồng nhân viên nấu ăn là người địa phương để am hiểu từng đứa trẻ và an tâm công tác lâu dài với nhà trường... 
 
Sau nhiều nỗ lực của trường, tỉ lệ trẻ chuyên cần học 2 buổi/ ngày đã dần tăng lên 78%. Và phải đến năm học 2018 - 2019, nhà trường đã xác định rõ tầm quan trọng trong việc tổ chức ăn bán trú cho trẻ ở trường là chiến lược phát triển, những thuận lợi và khó khăn được xác định rõ để tìm ra giải pháp khắc phục; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền trong phụ huynh. Để rồi hiện nay 305/305 cháu thuộc 11 lớp tại 3 điểm trường đều thực hiện bán trú đạt tỉ lệ 100%. Đặc biệt, năm học 2018 – 2019, trường huy động mở thêm được một nhóm 25 trẻ nhà trẻ 24 - 36 tháng, trong đó 23 cháu là con em đồng bào dân tộc thiểu số, đến thời điểm này tỉ lệ trẻ chuyên cần đạt trên 95%. 
 
Cô Phạm Thị Ngọc Bích không giấu nổi tự hào khi nói rằng, những cảnh đứa lớn, trông đứa bé, những chén cơm trắng trộn muối hay cảnh cô giáo phải tới nhà vận động trẻ ra lớp… đã không còn. Lòng tin của phụ huynh đã dành trọn cho nhà trường và các cô giáo khi họ mang bắp, chuối, trứng gà… để cùng nhà trường cải thiện bữa ăn cho trẻ hay cùng các cô giáo tổ chức hoạt động ngoại khóa để trẻ hiểu hơn về tầm quan trọng của dinh dưỡng, của bữa cơm gia đình.
 
Góc thư viện yêu thích của trẻ
Góc thư viện yêu thích của trẻ
 
NGÀY HIẾN CHƯƠNG ĐẶC BIỆT
 
Trường Mầm non Đạ M’Rông hiện có 31 công nhân viên. Trong đó, có 22 giáo viên. 15/22 giáo viên là người đồng bào dân tộc thiểu số. Nơi đây, có những cô giáo đã hơn 30 năm gắn bó với nghề dạy trẻ như cô giáo Păng Pế K’Măng, còn cô giáo trẻ nhất như Lãnh Thị Huyền cũng đã có 5 năm công tác. 
 
Trong câu chuyện của các cô, họ bàn nhiều về giải pháp thực hiện tốt phương châm giáo dục “học mà chơi, chơi mà học” trong trường, nhóm lớp; tạo được khuôn viên cho trẻ hoạt động như ngã tư đường phố, góc đọc sách của mẹ và bé, vườn rau của bé, khu chơi với cát nước...; công tác y tế trường học, thực hiện phòng chống tai nạn thương tích, dịch bệnh thường gặp ở trẻ em như như dịch tay chân miệng, bệnh sởi, đau mắt đỏ, bệnh dịch quai bị ở trẻ em, vệ sinh dinh dưỡng và bếp ăn an toàn. 
 
Có lẽ bởi vậy, mà ở trường mầm non vùng xa này có 96,7% trẻ phát triển bình thường về cân nặng và chiều cao. Ngoài chăm sóc sức khỏe, với đặc thù trường đa phần là trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ được đẩy mạnh thực hiện. Bên cạnh sự giám sát, kiểm tra thường xuyên, Ban Giám hiệu nhà trường còn phân công, bố trí những giáo viên có năng lực khá giỏi và thường xuyên kèm cặp những giáo viên yếu kém, tăng cường bồi dưỡng những giáo viên còn yếu bằng mọi hình thức để nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ…
 
Mỗi ngày, trẻ được tăng cường vận động để nâng cao sức khỏe
Mỗi ngày, trẻ được tăng cường vận động để nâng cao sức khỏe
 
Nhờ vậy mà Trường Mầm non Đạ M’Rông không chỉ là tập thể trường đạt lao động xuất sắc của ngành giáo dục Đam Rông mà còn là một trong những đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước đạt được cờ thi đua của UBND Tỉnh. Năm học 2019 - 2020, Trường đạt danh hiệu tập thể tiên tiến xuất sắc, được UBND tỉnh tặng bằng khen. Đặc biệt, mới đây nhất, trường được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” năm học 2020 – 2021. Niềm vui lớn ấy đến với các cô giáo ở Trường Mầm non Đạ M’Rông ngay trước thềm ngày 20/11. Và với các cô giáo ở nơi này, mùa Hiến chương năm nay thêm vui, thêm đặc biệt, thêm tròn đầy.
 
Không phải bởi ảnh hưởng của dịch bệnh mà ngày 20/11 của các cô giáo Trường Mầm non Đạ M’Rông không khác ngày lên lớp bình thường. Cô Trần Thị Oanh – Phó Hiệu trưởng nhà trường tâm sự rằng ở đây ai cũng quen rồi, 20/11 chỉ là ngày để các cô giáo tự quây quần bên nhau ăn bánh kẹo và chuyện trò cuối chiều, khi những đứa trẻ cuối cùng đã được đón về trong vòng tay bố mẹ. Và với họ, trẻ đến trường đầy đủ, ăn ngon, ngủ ngon, chơi vui, khỏe mạnh là món quà lớn nhất. Các cô giáo nơi đây còn đùa nhau rằng, không chỉ một bông hoa, một bó hoa mà cả những triền đồi hoa dã quỳ nở bung, vàng rực ở Đầm Ròn mùa này là tín hiệu chúc mừng của cả đất trời đối với người cô giáo.
 
Mầm non Đạ M‘Rông hôm nay đang phát triển giữa vòng tay ấp ôm của cả buôn làng. Còn những đứa trẻ được chăm sóc, được học hành trong vòng tay nâng niu của các cô giáo. Ánh mắt rạng ngời và nụ cười con trẻ chính là tương lai tươi sáng của cả vùng đất này.
 
N.NGÀ – H.THẮM