Ðà Lạt: Tăng cường trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết thủ tục hành chính

06:01, 18/01/2022
Nhiều giải pháp đã được thành phố Ðà Lạt đưa ra nhằm tăng cường tinh thần, thái độ, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.
 
Toàn bộ hồ sơ khối phường, xã tại Đà Lạt đều được giải quyết đúng và trước hạn trong năm 2021. Trong ảnh: Tiếp nhận, trả kết quả hồ sơ tại Bộ phận Một cửa UBND Phường 2, Đà Lạt.
Toàn bộ hồ sơ khối phường, xã tại Đà Lạt đều được giải quyết đúng và trước hạn trong năm 2021. Trong ảnh: Tiếp nhận, trả kết quả hồ sơ tại Bộ phận Một cửa UBND Phường 2, Đà Lạt.
 
  99,75% HỒ SƠ ĐƯỢC GIẢI QUYẾT ĐÚNG VÀ TRƯỚC HẠN 
 
Theo UBND thành phố Đà Lạt, thành phố hiện đang tiếp nhận và giải quyết 304 trong tổng số 328 thủ tục hành chính (TTHC) đã được tỉnh công bố trong tổng số 328 TTHC do UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành áp dụng cho khối huyện, thành.
 
Trong số 24 TTHC còn lại có 1 TTHC thuộc lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội được thực hiện tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập trực thuộc thành phố; 9 TTHC thuộc lĩnh vực y tế được thực hiện tại các cơ sở khám, chữa bệnh; 1 TTHC được thực hiện tại Hạt Kiểm lâm thành phố và 13 TTHC đặc thù không thuộc thẩm quyền giải quyết.
 
Với khối phường, xã, hiện UBND các phường, xã trên địa bàn Đà Lạt tiếp nhận và giải quyết 155/158 TTHC do tỉnh ban hành cho khối xã, phường; 3 TTHC còn lại thuộc lĩnh vực y tế được thực hiện tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Trong số TTHC thực hiện tại khối xã, phường, có 32 TTHC lĩnh vực bảo trợ xã hội, người có công và việc làm đã được thực hiện liên thông cấp thành phố.
 
Trong năm 2021, Đà Lạt đã có các biện pháp tăng cường kiểm soát TTHC; yêu cầu các cơ quan, đơn vị, xã, phường trên địa bàn nêu cao trách nhiệm người đứng đầu trong giải quyết TTHC. 
 
Thành phố cũng yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc việc niêm yết công khai TTHC tại cơ quan, đơn vị, UBND phường, xã; giải quyết các TTHC theo đúng nội dung công bố được đăng tải trên Cơ sở dữ liệu Quốc gia về TTHC và trên trang thông tin điện tử thành phố theo quy định. Đồng thời, phải công khai các quy định về phí, lệ phí, quy định phí về dịch vụ hành chính công, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận, thực hiện đúng các quy định khi có nhu cầu giao dịch.
 
Đà Lạt cũng nỗ lực nâng cao chất lượng hoạt động của Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả (Bộ phận Một cửa) tại UBND thành phố cũng như tại các phường, xã. Cho đến nay, Bộ phận Một cửa thành phố vẫn đang tiếp tục làm việc vào các buổi sáng thứ Bảy hàng tuần để tiếp nhận và giải quyết hồ sơ cho công dân. Tại đây, có bố trí bộ phận hướng dẫn, đo thân nhiệt, tiếp nhận thông tin khai báo y tế cũng như cung cấp mẫu đơn cho dân khi cần. 
 
Đà Lạt cũng tiếp tục quản lý chặt việc giải quyết hồ sơ, gắn với xử lý trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC); kịp thời xin lỗi công dân khi hồ sơ trễ hạn. Trong năm 2021, thành phố đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có hồ sơ trễ hạn phải báo cáo giải trình, đồng thời ban hành 258 văn bản xin lỗi tổ chức, cá nhân. Thành phố kịp thời chấn chỉnh, phê bình, xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân chậm trễ trong giải quyết TTHC, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai, xây dựng.
 
Trong năm 2021 (tính từ ngày 1/12/2020 đến ngày 5/12/2021), toàn thành phố đã tiếp nhận tổng cộng 127.379 hồ sơ của công dân, các tổ chức trên địa bàn. Với một nỗ lực rất lớn, Đà Lạt đã giải quyết được 127.061 hồ sơ đúng và trước hạn, đạt tỷ lệ 99,75%; tăng 0,04% so với năm 2020. Trong đó, cấp thành phố tiếp nhận 15.564 hồ sơ, giải quyết đúng và trước hạn 15.246 hồ sơ, đạt tỷ lệ 97,96%, giảm 0,12% so với năm 2020; cấp phường, xã tiếp nhận 111.815 hồ sơ, toàn bộ đều được giải quyết đúng và trước hạn, đạt tỷ lệ 100%.
 
•  TRÁCH NHIỆM  NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU
 
UBND thành phố Đà Lạt cũng xác định, mặc dù tỷ lệ giải quyết TTHC cho công dân tăng 0,04% so với năm 2020, đảm bảo mục tiêu đạt tỷ lệ 99,75% của thành phố đề ra trước đó, tuy nhiên, tỷ lệ giải quyết hồ sơ TTHC thực hiện tại Bộ phận Một của UBND thành phố lại giảm 0,12% so với năm 2020, chỉ đạt tỷ lệ 97,96%. 
 
Như trong lĩnh vực đất đai, thủ tục đăng ký và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu tỷ lệ giải quyết chỉ đạt trên 92%, giảm trên 5% so với năm 2020. Thủ tục lĩnh vực xây dựng đạt tỷ lệ 98,52%, tăng 5,4% so với năm 2020 nhưng vẫn còn trễ hạn trong giải quyết hồ sơ, trong đó thủ tục cung cấp thông tin về quy hoạch xây dựng tỷ lệ giải quyết chỉ đạt 65,52%; thủ tục cấp giấy phép sửa chữa, cải tạo đối với công trình, nhà ở riêng lẻ đạt 95,91%.
 
Có những lĩnh vực như khiếu nại, tố cáo tỷ lệ giải quyết chỉ đạt 75% do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, thực hiện các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về công tác phòng, chống dịch bệnh nên Đà Lạt tạm thời không tổ chức mời làm việc, đối thoại với người dân.
 
Theo bà Hồ Thị Bích Vân, Trưởng phòng Nội vụ Đà Lạt, trong lĩnh vực đất đai do số lượng hồ sơ phát sinh rất lớn, một số hồ sơ trễ hạn vì tồn tại đã lâu, nhiều vướng mắc, cần kiểm tra kỹ nên rất mất thời gian giải quyết. 
 
Cũng có trường hợp không ít thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chưa quyết liệt trong việc xử lý CBCCVC thuộc quyền vì chậm xử lý văn bản chỉ đạo, điều hành cũng như trễ hạn trong giải quyết hồ sơ TTHC cho công dân; công tác phối hợp giải quyết hồ sơ TTHC giữa một số cơ quan, đơn vị chưa được tốt, chưa chủ động trao đổi để giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, nhất là trong thủ tục đăng ký và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu.
 
Cùng đó, số lượng hồ sơ TTHC mức độ 3, 4 sử dụng dịch vụ công trực tuyến của Đà Lạt thời gian qua còn thấp do người dân chưa quen; thành phố đến nay vẫn còn tình trạng tác nghiệp trễ hạn trên hệ thống một cửa điện tử dù hồ sơ giấy đã giải quyết và trả kết quả cho cá nhân, tổ chức trước hạn, đúng hạn theo quy định.
 
Việc sử dụng dịch vụ bưu chính công ích để chuyển phát kết quả giải quyết TTHC về địa chỉ thường trú, đến nay dù thành phố đã tích cực vận động nhưng người dân vẫn còn e ngại do thói quen nộp hồ sơ và nhận kết quả giải quyết hồ sơ trực tiếp tại Bộ phận Một cửa các cấp. 
 
Chính vì vậy, trong thời gian đến, thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về công tác CCHC, vận động người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đối với một số TTHC thường xuyên phát sinh hồ sơ; sử dụng dịch vụ bưu chính công ích thông qua nhiều hình thức như tờ rơi, tờ gấp, phiếu hướng dẫn hồ sơ, chuyên mục hỏi đáp TTHC.
 
Cũng theo bà Vân, Đà Lạt sẽ tiếp tục chấn chỉnh đạo đức công vụ CBCCVC, xác định rõ trách nhiệm trong triển khai công tác CCHC nói chung, cải cách TTHC nói riêng là thuộc về người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương; gắn công tác CCHC với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, công tác dân vận chính quyền; tăng cường quán triệt cho CBCCVC hiểu rõ chức trách trong thực thi công vụ.
 
Đà Lạt cũng cam kết đẩy mạnh công tác kiểm soát TTHC, nhất là việc rà soát, giải quyết TTHC, nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động hệ thống đầu mối kiểm soát TTHC thành phố; xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong giải quyết hồ sơ trễ hạn; thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền; đẩy mạnh đối thoại, tiếp nhận thông tin của công dân về các vấn đề liên quan đến giải quyết TTHC, về tác phong, thái độ giao tiếp của đội ngũ CBCCVC khi thi hành công vụ, kịp thời xử lý các kiến nghị, phản ảnh cũng như những khó khăn, vướng mắc của người dân trong giải quyết các quy định hành chính và trong giải quyết TTHC.
 
VIẾT TRỌNG