Tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong dịp Tết Nguyên đán

03:01, 18/01/2022
(LĐ online) - Ngày 18/1, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành công văn yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong dịp Tết Nguyên đán.
 
Lấy mẫu test PCR cho các F0 trên địa bàn thôn Đồng Đò, xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh sáng 18/1
Lấy mẫu test PCR cho các F0 trên địa bàn thôn Đồng Đò, xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh sáng 18/1
 
Thực hiện Công điện số 55/CĐ-BYT ngày 11/01/2021 của Bộ Y tế về việc tăng cường công tác tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19; xét đề xuất của Sở Y tế tại văn bản số 102/SYT-NVY ngày 11/01/2021 về việc tham mưu nội dung triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong dịp Tết Nguyên đán, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và toàn thể nhân dân hạn chế di chuyển khi không cần thiết trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần; tuyên truyền, vận động, thông tin đến người thân trong gia đình đang học tập, làm việc ngoài tỉnh khi đi/về tỉnh thực hiện khai báo y tế, thông báo với chính quyền địa phương và tự nguyện làm xét nghiệm, có kết quả âm tính SARS-CoV-2 trước khi trở về địa phương, gia đình. Tuyên truyền, quán triệt người dân tích cực tham gia công tác phòng chống dịch Covid-19; tuân thủ đúng và đầy đủ quy định 5K trong các hoạt động tại địa điểm công cộng.
 
UBND tỉnh giao Sở Y tế: Cập nhật thông tin, đánh giá nguy cơ, dự báo tình hình, chủ động đề xuất UBND tỉnh/Ban Chỉ đạo tỉnh chỉ đạo về chuyên môn trong công tác phòng chống dịch, nhất là phát hiện sớm biến chủng mới, tăng cường năng lực y tế cơ sở, không để quá tải hệ thống y tế.
 
Phối hợp với UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch bổ sung thêm cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 với quy mô đảm bảo sẵn sàng tiếp nhận điều trị bệnh nhân nhẹ, không triệu chứng trên địa bàn; dự trù số giường bệnh tầng 2A từ 20 - 50 giường/1 huyện, thành phố. Tổ chức hướng dẫn, tập huấn điều trị người nhiễm Covid-19 tại nhà.
 
Sử dụng kết quả xét nghiệm test nhanh kháng nguyên Covid-19 (đã được Bộ Y tế cấp phép) để theo dõi và xác định kết thúc thời gian cách ly tập trung và cách ly tại nhà. Tăng cường hệ thống giám sát nhằm phát hiện sớm các ổ dịch, chùm ca bệnh có diễn biến, đặc điểm bất thường (số mắc, diễn biến nặng hoặc nhập viện, tử vong tăng bất thường theo thời gian, khu vực, đối tượng cụ thể...); để kịp thời phối hợp với Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh giám sát, chỉ đạo.
 
Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch: Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương việc dừng tổ chức các lễ hội, các sự kiện, liên hoan, tiệc cuối năm tập trung đông người (trừ các hội nghị theo yêu cầu nhiệm vụ, được phép cơ quan có thẩm quyền) theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 07/01/2022.
 
Yêu cầu các chủ khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở kinh doanh lưu trú trên địa bàn có trách nhiệm xét nghiệm test nhanh Covid-19 cho khách lưu trú; trường hợp có kết quả dương tính, báo các ngay cho cơ sở y tế gần nhất để kịp thời xử trí theo quy định.
 
Sở Thông tin và Truyền thông: Tăng cường và đa dạng hóa các biện pháp, hình thức truyền thông, tạo hiệu ứng lan tỏa, nâng cao nhận thức, truyền cảm hứng cho nhân dân tin tưởng, đồng thuận, đồng lòng với các biện pháp phòng chống dịch của tỉnh; đẩy mạnh tuyên truyền các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 của tỉnh để người dân biết, chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết trước khi vào địa bàn tỉnh. Xử phạt nghiêm các trường hợp đưa thông tin không đúng sự thật gây hoang mang, lo lắng cho người dân.
 
Tiếp tục tăng cường truyền thông về lợi ích, hiệu quả của việc tiêm vắc xin giúp bảo vệ người dân giảm nguy cơ mắc bệnh hoặc mắc bệnh nghiêm trọng do Covid-19 và giúp bảo vệ cho cộng đồng. Phối hợp với Sở Y tế triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm soát dịch bệnh Covid-19, tiêm chủng vắc xin, hoạt động nâng cao năng lực y tế cơ sở.
 
Ban Quản lý các Khu công nghiệp; các Sở: Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các huyện, thành phố theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách: Chỉ đạo các doanh nghiệp thường xuyên đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tới từng phân xưởng/khu vực sản xuất..., đánh giá tối thiểu 1 tuần/lần. Căn cứ mức nguy cơ lây nhiễm Covid-19, hướng dẫn các cơ quan, doanh nghiệp thực hiện xét nghiệm theo quy định.
 
Chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch, thực hiện phương châm 4 tại chỗ đối với từng doanh nghiệp.
 
Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát chặt chẽ người nhập cảnh vào Việt Nam trên địa bàn tỉnh, để kiểm soát, ngăn chặn biến chủng Omicron xâm nhập và lây lan trên địa bàn, đặc biệt là người đến từ các quốc gia trong khu vực Đông Nam á đã phát hiện biến chủng Omicron như: Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Philippines...
 
UBND tỉnh giao các huyện, thành phố: Tập trung tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19; đánh giá mức độ nguy cơ, điều chỉnh cấp độ dịch phù hợp với tình hình thực tế, trên cơ sở đó ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng chống dịch phù hợp. Nâng tỷ lệ xét nghiệm tầm soát lên ít nhất 10 - 20%; tầm soát ngẫu nhiên hàng ngày và luân phiên hàng tuần tại các hộ gia đình, khu dân cư.
 
Rà soát tất cả các trường hợp nhập cảnh từ ngày 28/11/2021 có kết quả xét nghiệm Covid-19 dương tính bằng phương pháp NAAT (Nucleic Acid Amplification Test), PCR trong vòng 14 ngày (kể từ ngày nhập cảnh) đánh giá dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm gửi về Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh để thực hiện xét nghiệm giải trình tự gen nhằm xác định biến thế Omicron.
 
Phối hợp với Sở Y tế hoàn thành tiêm đủ liều cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên trong tháng 01/2022 và liều bổ sung, liều nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên theo chỉ đạo của Bộ Y tế tại Công điện số 55/CĐ-BYT nêu trên; rà soát không để bỏ sót đối tượng chưa được tiêm chủng và đối tượng chưa được tiêm đủ liều vắc xin; sau khi rà soát, khẩn trương tiêm đủ liều cho các đối tượng từ 12 tuổi trở lên; bảo đảm an toàn trong tiêm chủng.
 
Quản lý, bảo vệ tối đa các đối tượng nguy cơ cao (người già, người có bệnh nền, người suy giảm miễn dịch, phụ nữ có thai) đảm bảo được tiêm chủng đủ liều, được tiếp cận các dịch vụ y tế nhanh nhất, tốt nhất ngay tại địa phương (xã/phường/thị trấn); tổ chức các điểm tiêm chủng lưu động, bố trí tiêm tại nhà cho những người đi lại khó khăn...
 
Rà soát và chịu trách nhiệm phân loại, báo cáo số người đủ điều kiện tiêm chủng, số người không đủ điều kiện tiêm chủng gửi Sở Y tế tổng hợp; đối với những người đủ điều kiện tiêm chủng nhưng cố tình không tiêm vắc xin phòng Covid-19, nếu mắc Covid-19 phải chịu trách nhiệm và phải tự chi trả các chi phí điều trị.
 
Duy trì, triển khai hoạt động của Trạm Y tế lưu động, Tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 cộng đồng đảm bảo về tổ chức, nhân lực, địa bàn, trang thiết bị y tế... để tất cả người dân khi cách ly, điều trị Covid-19 tại nhà, tại cộng đồng đều được hướng dẫn, chăm sóc về y tế.
 
C.THÀNH