Chuyện những người giữ rừng giữa ngày Xuân

04:01, 30/01/2022
(LĐ online) - Ngày Tết là dịp đoàn viên của mọi gia đình, thế nhưng với những người làm công tác bảo vệ rừng ở Ban Quản lý rừng phòng hộ Sêrêpốk, huyện Đam Rông thì ngày Tết cũng là thời gian trùng với cao điểm thực hiện nhiệm vụ của mình. Những ngày này, hàng chục cán bộ, nhân viên Ban Quản lý rừng phòng hộ Sêrêpốk vẫn phải túc trực đầy đủ quân số để sẵn sàng thành lập các tổ cơ động cùng với các hộ dân tham gia nhận khoáng tại địa phương tuần tra bảo vệ rừng. 
 
Trong những ngày Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, cán bộ lâm nghiệp cùng người dân tham gia nhận khoán sẽ tăng cường tuần tra rừng, đảm bảo ít nhất từ 2 – 3 lượt/ngày
Trong những ngày Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, cán bộ lâm nghiệp cùng người dân tham gia nhận khoán sẽ tăng cường tuần tra rừng, đảm bảo ít nhất từ 2 – 3 lượt/ngày
 
Hiện nay, Ban Quản lý rừng phòng hộ Sêrêpốk đang quản lý với diện tích rừng hơn 31.319 ha/6 xã với 1.069 hộ/113 tổ và 3 đơn vị tập thể đang nhận khoán bảo vệ rừng. Nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp, Ban Quản lý rừng phòng hộ Sêrêpốk đã phân công lực lượng duy trì đảm bảo quân số trực chữa cháy rừng mùa khô hanh, đặc biệt tăng cường công tác kiểm tra, truy quét nhằm ngăn ngừa tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp. Cùng với đó, đơn vị cũng khẩn trương chuẩn bị các điều kiện để triển khai Tết trồng cây và thực hiện tốt kế hoạch trồng rừng vụ xuân trên địa bàn huyện.
 
Ông Đặng Đình Túc - Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Sêrêpốk cho biết: Dịp trước, trong và sau Tết là thời điểm một số đối tượng thường lợi dụng sơ hở của chủ rừng để thực hiện các hành vi khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Do vậy, chúng tôi đã thành lập tổ công tác lưu động, tăng cường tuần tra rừng, đảm bảo ít nhất từ 2 – 3 lượt/ngày. Đợt này, chúng tôi chú trọng các biện pháp nghiệp vụ để nắm bắt, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về lĩnh vực lâm nghiệp; làm tốt công tác quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản đảm bảo theo quy định.
 
Ngoài ra, trước Tết, chủ rừng và các đơn vị chức năng cũng đã vận động, tuyên truyền đến từng hộ dân thực hiện tốt việc bảo vệ rừng. Cụ thể, với hộ dân đang làm nương rẫy gần rừng phải đăng ký về thời gian, lịch đốt thực bì để lực lượng chuyên trách của các thôn, xã cùng thực hiện nhằm bảo đảm không cháy lan vào rừng. 
 
Cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Sêrêpốk cùng người dân nhận khoán phát thực bì, nhằm bảo đảm không cháy lan vào rừng
Cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Sêrêpốk cùng người dân nhận khoán phát thực bì, nhằm bảo đảm không cháy lan vào rừng
 
Đồng hành giữ rừng cùng các cán bộ lâm nghiệp Ban QLRPH Sêrêpốk là 1.069 hộ dân địa phương tham gia nhận khoáng bảo vệ rừng. Bình quân, mỗi hộ nhận quản lý, bảo vệ hơn 20 – 25 ha rừng với giá 600.000 đồng/ha/năm. Nhờ tham gia nhận khoáng giữ rừng, hàng trăm hộ dân tại địa phương cũng có thêm thu nhập, chăm lo cho cuộc sống hàng ngày. 
 
Ngoài công việc nương rẫy, người dân tham gia nhận khoán cũng tự sắp xếp thời gian để cùng cán bộ đi tuần tra rừng, nhờ đó tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp đã giảm so với trước. Trong năm 2021, trên diện tích rừng do đơn vị quản lý đã xảy ra 22 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp với tổng diện tích rừng thiệt hại là 6,80 ha, khối lượng lâm sản là 86,466 m 3. Theo đó, giảm 51,11% về số vụ và giảm 45,90% về diện tích so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, số vụ đã xác định được đối tượng là 18 vụ, chiếm 81,82%, số vụ chưa xác định được đối tượng là 4 vụ, chiếm 18,18%. 
 
Anh Bon Dưng Ha Sấp, một hộ dân tham gia nhận khoán thôn 1 xã Liêng Srônh cho biết: Ngay từ đầu năm, các hộ dân tham gia nhận khoán bảo vệ rừng tại địa phương cùng với đơn vị chủ rừng đã xây dựng quy chế hoạt động của tổ chuyên trách để nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ rừng nơi đây. Vào những ngày thường, việc tuần tra rừng được các anh luân phiên nhau. Ngày nào cũng có ít nhất 4 tổ đi tuần tra rừng. Buổi sáng, 7 giờ họ xuất phát, mang theo lương thực, thực phẩm, đồ dùng cá nhân đi xuyên rừng tuần tra. Đến chiều, khi mặt trời đã dần khuất sau núi họ mới trở về nhà. 
 
“Vào những ngày Tết, mình vẫn bố trí thời gian dành cho gia đình và người than; vui xuân nhưng nhiệm vụ bảo vệ rừng vẫn được đặt lên trên hàng đầu, tất cả mọi người được phân công đều thực hiện nghiêm túc. Giờ là cao điểm mùa khô, người đi đường chỉ cần vô ý vứt tàn thuốc hay đốt rẫy không có kiểm soát là lửa sẽ bùng phát. Cùng đó, các diện tích gần rẫy dân cần phải được lưu ý hơn” anh Ha Sấp nói. 
 
Một mùa Xuân mới đã về trên các cánh rừng ở Đam Rông, mùa xuân của mầm xanh và hy vọng cho khắp các buôn làng
Một mùa Xuân mới đã về trên các cánh rừng ở Đam Rông, mùa xuân của mầm xanh và hy vọng cho khắp các buôn làng
 
Theo anh Ha Sấp, ngoài việc bảo vệ rừng từ bên ngoài, tổ bảo vệ rừng của anh còn tuần tra ngăn chặn tình trạng xâm phạm rừng nơi đây. “Khi thực hiện nhiệm vụ, mình dùng con mắt để quan sát, ngăn chặn người lạ vào rừng. Dùng tai nghe tiếng máy cưa, máy nổ để sớm phát hiện các đối tượng đang phá rừng. Khi phát hiện vụ việc, mình sẽ liên lạc với người của Ban Quản lý rừng phòng hộ Sêrêpốk hoặc cán bộ kiểm lâm khu vực để phối hợp thực hiện nhiệm vụ”. 
 
Dịp Tết cũng là thời điểm hoạt động quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Đam Rông diễn biến rất phức tạp. Tuy nhiên, với sự vào cuộc cùng sự quyết tâm cao độ vào cuộc của các cấp, đoàn thể, ban ngành cùng với người dân, công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Đam Rông vẫn đang được duy trì thực hiện nghiêm ngặt. Một mùa xuân mới đã về trên các cánh rừng ở Đam Rông, mùa xuân của mầm xanh và hy vọng đang tỏa ngát hương thơm trên các buôn làng.
 
 
BÌNH AN - HOÀNG SA